Giao thiết bị, trẻ dễ sa đà vào game
TS tâm lý Nguyễn Thành Nhân, cố vấn cao cấp về giáo dục tâm lý của Hệ thống giáo dục ATY (TP HCM) nói rằng, hiện nay việc học trên máy tính, sử dụng thiết bị điện tử liên tục hẳn nhiên sẽ dẫn đến những hệ quả xấu liên quan đến tâm lý, thể chất, ảnh hưởng kết quả học tập, kỹ năng cá nhân, hành vi, mối quan hệ… của trẻ. Bởi các em nhỏ tuổi, chưa kiểm soát và làm chủ được tác động tiêu cực của việc sử dụng thiết bị điện tử quá nhiều.
Đã có nhiều nghiên cứu nói về sự liên quan giữa nghiện game hoặc rối loạn chơi game trực tuyến, đặc biệt là ở châu Á, châu Mỹ và châu Phi do những đặc điểm rất nổi trội về dân số, về kinh tế, và dân trí. Các nghiên cứu đều định khung mục đích của các em khi sử dụng thiết bị điện tử đó là: sử dụng mạng xã hội, chơi game, giải trí đơn thuần và chỉ số ít để sử dụng học tập. Có nhiều nghiên cứu cho thấy mối quan hệ rõ ràng giữa việc sử dụng thiết bị điện tử quá nhiều dẫn đến việc rối loạn trong hành vi hoặc mất kiểm soát, game cũng không phải là ngoại lệ.
Ví dụ, trong một nghiên cứu tại Đài Loan năm 2014 (công bố 2016), thống kê cho thấy 90,4% trẻ dưới 15 tuổi đã có smartphone, và trong số đó thì 24,9% rơi vào trạng thái nghiện không kiểm soát được. Thống kê cũng chỉ ra rằng, thời lượng cầm máy của nhóm nghiện game cao hơn nhóm không nghiện game gấp 4,5 lần (tương đương việc các bạn ngồi với điện thoại hoặc máy tính nhiều từ 3-7 tiếng/ngày chơi game). Hoặc kết quả của một nghiên cứu tại Sri Lanka cho thấy, thời gian sử dụng điện thoại hoặc máy tính càng nhiều, thì khả năng mất kiểm soát, nghiện game cũng tăng theo, trong đó các kết quả tiêu cực chiếm 62,5%.
Ở Việt Nam, chưa có nhiều nghiên cứu cụ thể thống kê được các số liệu rõ ràng, nhưng qua thực tế, truyền thông cho thấy sự liên kết khá rõ ràng giữa thời gian sử dụng máy và việc nghiện game, nghiện internet.
Phụ huynh kiên nhẫn đồng hành
TS Nhân cho rằng, tâm lý của phụ huynh thông thường phát hiện ra con nghiện game sẽ hoang mang, tức giận, thất vọng… nhưng không biết cách xử lý dẫn đến bế tắc, buông xuôi để sự việc trầm trọng hơn.
Nguyên nhân là do phụ huynh không có phương pháp, thiếu sự định hướng hoặc vướng mắc tình cảm, thiếu quyết đoán dẫn đến hệ quả là “giữa đường gãy gánh”, mất thời gian, tốn công sức, không hiệu quả.
Do đó, tùy từng lứa tuổi để có giải pháp cai nghiện cho con, trong đó cha mẹ dành thời gian kéo trẻ tham gia vào các hoạt động hàng ngày cùng mình, “ăn gian” thời gian rảnh rỗi của trẻ.
Cụ thể, trẻ từ 6 - 10 tuổi: Bố mẹ nên quy định thời gian sử dụng; tăng thời gian làm việc nhà; nên tâm sự và chia sẻ với nhau; lắng nghe nhiều hơn là chỉ đạo; tạo điều kiện để con tiếp xúc với các hoạt động phù hợp.
Trẻ từ 12 - 15 tuổi: Bố mẹ giao trách nhiệm và đặt niềm tin tạo cho trẻ có vai trò cao hơn trong gia đình; thỏa thuận đối với các vấn đề liên quan; luôn đưa ra sự lựa chọn, đừng yêu cầu hoặc ra lệnh; định hướng thông qua thầy cô, chuyên gia; bố mẹ tâm sự với con nhiều hơn; xác lập những nguyên tắc bất khả xâm phạm (ví dụ gia đình nhất quyết không đánh, không cãi vã, không nặng lời; tất cả điện thoại đến giờ là để một chỗ và sạc…
Trẻ từ 15 - 18 tuổi: Bố mẹ khơi gợi cảm xúc nhiều hơn là yêu cầu, ra lệnh; cho trẻ quyền tự quyết nhiều hơn; thảo luận chứ không ra lệnh (có những quy tắc không được xâm phạm phải yêu cầu, không thoả hiệp).
Và điều quan trọng nhất để cai nghiện game thành công là phụ huynh cần phải đồng hành, chấp nhận, kiên nhẫn, và kiên quyết, thậm chí đôi lúc phải thật sự “lạnh lùng và tàn nhẫn”.
TS Nhân cũng nói, hiện nay nhiều trường dạy trực tuyến 2 buổi/ ngày là quá tải đối với học sinh. Do đó, nhà quản lý giáo dục cần áp dụng giảm tải thời gian học, xây dựng lộ trình học bù kiến thức khi học sinh tới trường.
Bỏ ngỏ quản lý game
TS Trần Thành Nam, Trưởng Khoa Các Khoa học giáo dục (Trường ĐH giáo dục - ĐHQG Hà Nội) cũng nói rằng, hiện nay cha mẹ khó kiểm soát việc chơi game hơn vì các hoạt động của con đều gắn liền internet. Nhiều phụ huynh có trình độ cũng than phiền, họ cảm thấy bất lực khi sử dụng các phần mềm để hạn chế hay khóa các ứng dụng khi giao quyền sử dụng thiết bị cho trẻ.
Trong khi đó, một số học sinh nghiện game khi được chuyên gia hỏi, các em trả lời nguyên nhân cày đến nghiện là do buồn chán, không có gì để chơi. Cuộc sống các em đang thiếu vắng nhiều hoạt động thú vị, nhất là giai đoạn học trực tuyến.
TS Nam cũng khẳng định, ở các nước, để hạn chế trẻ chơi game và chơi đúng loại họ gắn mã game cho từng lứa tuổi. “Ở Việt Nam đến thời điểm này, Nhà nước chưa có bất kỳ chiến lược quản lý do đó, đa số trẻ chơi game vượt tuổi có bạo lực, chửi tục, văn hóa phẩm đổi trụy…Khi trẻ dành nhiều thời gian chơi sẽ dẫn đến nghiện vì game chính là ma túy kỹ thuật số. Khi nghiện game, các em rất khó thoát ra được”, ông nói.
Theo ông Nam, khi phát hiện con đã nghiện game, phụ huynh không thể yêu cầu con lập tức: không được chơi, cấm chơi hoàn toàn thay vào đó đồng hành, thu hút con vào các hoạt động ngoài đời thực, có ý nghĩa, giảm dần thời gian chơi.
Đầu tiên, cha mẹ phải tạo ra các hoạt động, niềm vui khác thu hút trẻ như: cùng bố đá bóng, dạy em học bài, giúp mẹ việc nhà, vẽ, viết thư cho những người tuyến đầu chống dịch… Cha mẹ cùng con lập ra một kế hoạch hoạt động theo ngày cụ thể, thời gian học, thời gian tham gia hoạt động khác xen lẫn chơi game.
Trong xã hội kỹ thuật số hiện nay, cha mẹ không nên cấm cản vì trẻ sẽ tìm cách giấu mình, chơi một cách lén lút. Nên nói cho con hiểu, game không xấu nhưng dễ bị cuốn hút, mất cân bằng đời sống thực và ảo trên mạng; trò chơi có nguy cơ bạo lực, website đen, lộ thông tin cá nhân… rất cần có quy ước cùng con chọn loại game và hạn chế thời gian chơi - TS. Trần Thành Nam