Nghiện game thời trực tuyến: Trở thành game thủ sau 2 mùa giãn cách

0:00 / 0:00
0:00
Học sinh nghiện game, cày game trong cả giờ học trực tuyến. ảnh: Như Ý
Học sinh nghiện game, cày game trong cả giờ học trực tuyến. ảnh: Như Ý
TP - Được giao thiết bị học trực tuyến, bố mẹ thiếu giám sát, nhiều học sinh đã rơi vào vòng xoáy cày game. Khi phát hiện ra con nghiện game, bố mẹ không có kỹ năng nên thường cấm đoán, đánh mắng khiến trẻ phản ứng tiêu cực, sẵn sàng bỏ nhà, bỏ học.

Nguyễn Quang T, năm nay 10 tuổi là học sinh lớp 5 của một trường tiểu học tại Hà Nội. Sau học trực tuyến vì COVID-19, mới đây mẹ phát hiện ra T, nghiện game. “Hôm đó rất tình cờ, tôi đẩy nhẹ cửa phòng con và nhận ra, con đang chơi game trực tuyến thay vì học. Con nhanh tay tắt bụp màn hình trước sự bàng hoàng của tôi”, chị Đặng Thuý Hằng, mẹ T, tâm sự.

Cũng theo chị Hằng, sau đó là chuỗi ngày đẫm nước mắt của cả mẹ và con. Con tự nhận, mình chơi game trong giờ học trực tuyến, các buổi chiều, thậm chí cả buổi tối khi cả nhà đã tắt đèn đi ngủ. Nhận ra con nghiện game, ban đầu chị Hằng “tức nghẹn lồng ngực” gào rú, đánh con một trận ra trò và bắt con hứa từ nay sẽ bỏ chơi. Vì sợ mẹ, con hứa sẽ bỏ nhưng chỉ cách đúng một ngày, chị Hằng lại tiếp tục “bắt tại trận” con chơi game trong giờ học trực tuyến.

Quá tức giận, chị yêu cầu con rời lớp học và phạt đứng góc nhà từ 9 giờ sáng đến 1 giờ trưa mới cho nghỉ ăn cơm. Buổi chiều, không cho con vào lớp học thêm, chị phạt con lau nhà, cọ cả nhà vệ sinh, điều mà từ trước đến nay con chưa từng đụng tay chân đến. Sau đó, chị tâm tình thủ thỉ, khuyên giải, phân tích điều gì sẽ xảy ra nếu con vẫn chơi game với hi vọng thay đổi.

“Không ngờ, nước đổ lá khoai, con vẫn chứng nào tật đấy, sểnh mắt mẹ 5 phút là lập tức mở game trực tuyến ra chơi. Quá bất lực, tôi báo cáo giáo viên chủ nhiệm để cùng nhắc nhở và quyết định tịch thu máy tính 1 tuần sau đó tính tiếp. Tôi vô cùng đau khổ nhưng không có cách nào khác”, chị Hằng nói.

Chị Hằng cho rằng, cách đây 1 năm, T, vẫn là đứa con rất ngoan, nghe lời mẹ, biết trông em và giúp mẹ việc nhà. Năm ngoái, khi Hà Nội học trực tuyến đợt 2, chị quyết định đầu tư cho con máy tính mới để tiện việc học. Khi con làm chủ được thiết bị, chị cũng cuốn vào công việc và chăm con nhỏ chưa đầy 1 tuổi thì con trai bị cuốn vào game lúc nào không hay.

Những ngày này, chị Trần Thị Hương ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) lại rớm nước mắt khi nghĩ về đứa con trai dang dở ước mơ chỉ vì sa đà vào game. Con trai chị Hương từ nhỏ vốn đẹp trai, lém lỉnh và chăm học. “Thế mà, mùa hè năm ngoái, tôi phát hiện ra con nghiện game khi cô giáo gọi điện về thông báo con bỏ học đi chơi”, chị Hương nói.

TS tâm lý Nguyễn Thành Nhân, Cố vấn cao cấp về giáo dục tâm lý của Hệ thống giáo dục ATY chia sẻ, trong năm 2020-2021 rất nhiều phụ huynh liên hệ nhờ tư vấn về vấn đề con nghiện game. Một trong những câu chuyện ông tư vấn có trường hợp, con nghiện nặng tới mức gia đình phải cho uống thuốc ngủ mới đưa đi điều trị được.

Chị Hương cho rằng, mình đã sai lầm khi mua cho con điện thoại thông minh. Khi đó, nghĩ con cũng đã lớn cần có thiết bị để giao lưu với bạn bè, khi cần nhận và làm bài tập gửi thầy cô giáo nên chị mua điện thoại không hề do dự. Ở nhà, mẹ cũng trang bị máy tính màn hình lớn để con tiện sử dụng học trực tuyến. Thế nhưng, sau này chị mới biết, khi có điện thoại, máy tính thay vì học tập, con chị đã lén thức đêm cày game, kết bạn với cả những game thủ ở nhiều nơi thi đấu. Khi phát hiện ra, con đã nghiện sâu, thường xuyên bỏ học, ngủ gật trên lớp. Ban đầu con còn sợ bố mẹ, sau khi bị mắng chửi và tịch thu điện thoại con bắt đầu phản kháng bằng cách đập đầu vào tường, ngủ qua giờ đi học và thẳng thừng tuyên bố: Con không học nữa.

Nghiện game thời trực tuyến: Trở thành game thủ sau 2 mùa giãn cách  ảnh 1

“Tôi khóc đến mức suy nhược phải nhập viện, làm đủ mọi cách để kéo con trở về. Có lúc, tôi đã thoả thuận với cô giáo cho con xin nghỉ học 10 ngày bắt đi lao động chân tay cho con biết khổ để hồi tâm. Đúng là đi lao động được mấy ngày, vất vả quá con xin trở về đi học và hứa sẽ thay đổi. Thế nhưng, ngựa quen đường cũ, con ngắt cả camera giám sát của mẹ để trốn đi chơi game; đến lớp điểm danh xong là biến mất. Cuối cùng, con không đủ điểm thi vào lớp 10”, chị Hương nói.

Nỗi buồn không của riêng ai

Trên các diễn đàn, nhiều phụ huynh bàn tán, chia sẻ về câu chuyện, phương pháp đồng hành cùng con cai nghiện game. Nhiều phụ huynh nói rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến con sa đà vào game chính là giao thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại.

Tuy nhiên, trong giai đoạn học trực tuyến như hiện nay, nếu không giao thiết bị con sẽ không có phương tiện học tập nhưng giao cho con, trong khi bố mẹ vẫn phải đi làm rất khó để giám sát. Chưa kể, học sinh lớn tuổi có phòng riêng, con lén chơi game khi cả nhà đã say ngủ nên rất khó kiểm soát. Nhiều phụ huynh cũng nói rằng, bình thường con rất ngoan nhưng khi “dính” đến game con bướng bỉnh, vô tâm và sẵn sàng nổi nóng, thể hiện thái độ bất cần, không hợp tác khiến bố mẹ bất lực.

Cô Nguyễn Thị Cẩm, giáo viên dạy Ngữ văn, Trường THPT Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) nói, khi vào lớp học sinh nào nghiện chơi game giáo viên rất dễ nhận ra. Các em thường biểu hiện mệt mỏi, thiếu ngủ, có em ngủ gục luôn ở bàn. Cô Cẩm kể, cô từng gặp một trường hợp học sinh lớp 11 nghiện game tới mức, vào ngồi học, mặt đờ đẫn nhưng tay vẫn gõ gõ, giật giật như đang di chuột chơi game.

Học sinh này có gia đình khá hoàn cảnh, bố làm thuê, mẹ nông dân thế nhưng mỗi lần cô giáo gọi điện thông báo con không tới lớp là mẹ đạp xe mười mấy cây số đi khắp các cửa hàng điện tử để tìm con về. “Nhìn hình ảnh người mẹ khắc khổ, chân đi đôi dép rách đến trường gặp giáo viên mà thương đến quặn lòng. May mắn, trường hợp học sinh này nhờ sự kiên trì của mẹ em đã từ bỏ game để học tốt”, cô Cẩm nói.

MỚI - NÓNG