Nghiên cứu thành lập cơ quan 'tình trạng khẩn cấp'

Trực thăng tham gia cứu hộ sáng 11/10 tại Quảng Trị - Ảnh: VNE
Trực thăng tham gia cứu hộ sáng 11/10 tại Quảng Trị - Ảnh: VNE
TP - Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về việc có cần giao một bộ chuyên trách về tình trạng khẩn cấp để chịu trách nhiệm phòng, chống thiên tai, dịch bệnh hay không, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, Chính phủ sẽ nghiên cứu những mô hình phù hợp nhất để báo cáo các cơ quan có thẩm quyền xem xét. 

Theo ĐBQH Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội), nhiều quốc gia có Bộ Tình trạng khẩn cấp chịu trách nhiệm xử lý các vấn đề nóng như thiên tai, dịch bệnh… “Việt Nam có nên giao cho một bộ chuyên trách về tình trạng khẩn cấp để đối phó với tình trạng thiên tai, dịch bệnh đang diễn biến ngày càng phức tạp, tác hại khôn lường như hiện nay hay không?”, ông Chiến nêu câu hỏi.

Bổ sung trực thăng, tàu thuyền chuyên dùng

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai; trước đây là do Bộ trưởng Bộ NN&PTNT làm Trưởng ban, bây giờ một Phó Thủ tướng làm Trưởng ban và cơ quan thường trực là Bộ NN&PTNT. Thủ tướng cũng quyết định thành lập Ủy ban Quốc gia về ứng phó sự cố và tìm kiếm cứu nạn do một Phó Thủ tướng làm Trưởng ban và Bộ Quốc phòng là cơ quan thường trực.

Theo ông Dũng, hiện có khoảng 10 nước thành lập Bộ Tình trạng khẩn cấp, bao gồm Nga, Trung Quốc, Ukraine, Belarus… “Chính phủ sẽ tiếp tục tổng kết thực tiễn, tiếp tục đổi mới trong quá trình chỉ đạo chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn và các kinh nghiệm quốc tế để nghiên cứu những mô hình phù hợp nhất cũng như những giải pháp để huy động sức dân trong việc phòng, chống thiên tai rồi cứu hộ, cứu nạn, giúp đỡ nhau trong quá trình chịu thiệt hại do thiên tai để báo cáo Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định”, ông nói.

Ông Dũng cho rằng, quân đội và công an vẫn là lực lượng nòng cốt trong quá trình ứng phó sự cố thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn. Tuy nhiên, tính chuyên nghiệp của các lực lượng ứng phó thiên tai, cứu hộ, cứu nạn còn hạn chế, phương tiện, trang thiết bị phục vụ ứng phó vừa thiếu, vừa chưa hiện đại, chưa đáp ứng được tình hình. Vì thế, thời gian tới cần đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa phương tiện, trang thiết bị, như bổ sung máy bay trực thăng chuyên dùng cho các lực lượng cứu nạn thay vì hiện nay chúng ta phải kiêm nhiệm. Cùng với đó, bổ sung tàu cứu hộ, cứu nạn, nhất là các tàu cứu hộ, cứu nạn xa bờ, tàu lớn chịu được sóng to, gió lớn; thường xuyên tổ chức diễn tập, ứng phó cho các lực lượng và người dân với nhiều loại hình thiên tai, sự cố khác nhau.

Ðừng để dân khổ vì hai chữ “quy hoạch”

Liên quan việc quy hoạch “treo” và thực trạng hàng chục nghìn người mua căn hộ, mua quyền sử dụng đất ở, nhà ở tại các dự án chưa được cấp quyền sở hữu nhà, căn hộ, quyền sử dụng đất và nhiều tranh chấp đang xảy ra, ĐBQH Đinh Duy Vượt (Gia Lai) đề nghị Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết biện pháp giải quyết. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, để bảo đảm quyền lợi của người dân trong vùng quy hoạch “treo”, pháp luật đã quy định, trường hợp quy hoạch được công bố sau 3 năm mà không thực hiện thì người dân được cấp phép xây dựng có thời hạn.

Đối với việc một số chủ đầu tư chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở cho người mua nhà, ông Hà cho hay, đã trao đổi với Bộ trưởng Bộ TN&MT thống nhất, đối với dự án đã thực hiện xong thủ tục nhưng chủ đầu tư cố tình chây ỳ, đề nghị địa phương xử phạt hành chính nghiêm khắc. Nếu cố tình không thực hiện thì sẽ chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý theo quy định pháp luật về hình sự.

ĐBQH Lê Công Đỉnh (Long An) đề nghị cho biết hướng chỉ đạo để người dân không khổ vì 2 chữ “quy hoạch”. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, phải đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch, nâng cao chất lượng quy hoạch và quy hoạch phải thực sự trở thành động lực cho phát triển bền vững. Bên cạnh đó, rà soát lại các quy hoạch để điều chỉnh phù hợp với điều kiện phát triển; các vùng, địa phương phải xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch, trong đó xác định lộ trình, nguồn lực đầu tư, vốn ngân sách, vốn xã hội và các dự án ưu tiên triển khai thực hiện. Đặc biệt, cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát thực hiện quy hoạch và hoàn thiện pháp luật về đầu tư xây dựng, trong đó coi dự án bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư là những dự án độc lập để các địa phương chủ động quỹ đất sạch để đấu giá đất hoặc huy động các dự án phát triển kinh tế - xã hội.

“Thực trạng đạo đức xã hội và ứng xử xuống cấp như đại biểu đã nói trong câu chất vấn là có thật. Nhiều hội thảo và nhiều tài liệu đánh giá đạo đức xuống cấp đáng báo động, một số mặt nghiêm trọng thể hiện rõ ở tội phạm, tệ nạn; ở việc mà các hành vi bị đồng tiền chi phối hay là gian dối, không trung thực. Biểu hiện ở một số giá trị của văn hóa truyền thống bị mai một, điều đó là hoàn toàn đúng. Nhưng chúng ta đánh giá về thực trạng thì cũng nhìn hai mặt, câu chuyện của văn hóa hình thành văn hóa, đạo đức xã hội là câu chuyện của dài hơi, của mấy chục năm, của trăm năm, thậm chí là dài hơn”. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam 

MỚI - NÓNG