Chỉ có một con đường duy nhất là học
“Bố tôi chẳng may mất sớm, mẹ là giáo viên tiểu học, nhà không có ruộng nên không còn con đường nào khác, hai chị em phải học” – Phạm Hồng Công chia sẻ khi nói về mình.
Sinh năm 1991 tại huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc, nhà Công trước đây nằm trong xã thuộc chương trình xóa đói giảm nghèo 135 của Chính phủ. Kể về con đường học tập, Công cho hay mình học tại trường THPT Quang Hà, huyện Bình Xuyên. “Đây là trường top hai của huyện chứ không phải trường chuyên lớp chọn gì đâu” – Công hóm hỉnh. Nhà cách xa 7 km, hàng ngày Công đạp xe đến trường. “Những ngày học ở THPT, tôi có đi học thêm. Nhưng muốn đi học thêm phải lên Vĩnh Yên, cách nhà khoảng 10km. Cả xã có mình tôi đi học, tối nào cũng phải đi qua cả quả đồi, đường toàn đá, bị hỏng xe thường xuyên nên tôi thấy không an toàn, do đó cũng không học nữa” – Công cho hay.
Khi lên lớp 12, cũng giống như các bạn cùng trang lứa, Công không có nhiều thông tin về ngành nghề trong tương lai. Thông tin về ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội đến với Công không nhiều. Nhưng vì chị gái đang học ĐH Sư phạm Hà Nội nên Công chọn ĐH Công nghệ để hai chị em ở gần nhau. “Hai năm đầu ĐH, tôi cũng như bao bạn sinh viên khác, chỉ lên giảng đường học tập, về nhà tự học. Chỉ đến năm thứ ba, khi GS Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban đào tạo của ĐH Quốc gia dạy thì mọi sự mới bắt đầu rõ ràng” – Công nói về con đường nghiên cứu của mình.
4 bài báo khoa học khi còn là sinh viên
Công còn nhớ rất rõ, một lần GS Nguyễn Đình Đức lên lớp và hỏi: Lớp này ai điểm toán cao nhất? Các bạn chỉ Công. Thầy lại hỏi lớp này ai điểm tổng kết cao nhất, các bạn vẫn chỉ Công. Thế là thầy Đức gặp Công cùng với một nhóm sinh viên nữa để bắt đầu giao đề tài nghiên cứu khoa học. “Sau quá trình nghiên cứu có bạn không theo được do không đủ năng lực và có bạn theo xu hướng khác nên cuối cùng chỉ còn tôi và một anh trụ lại” - Công cho hay. Lúc đầu làm nghiên cứu, Công cũng gặp một số khó khăn như tiếng Anh chưa tốt, khả năng tự học chưa cao. Nhưng sau quá trình rèn luyện tại trường cũng như sự dìu dắt của thầy cô, tinh thần ham học hỏi, Công đã tự tìm tài liệu tiếng Anh để nghiên cứu, tự học.
“Khi còn là sinh viên, nói đến bài báo được đăng trên tạp chí ISI quốc tế vừa xa vời, vừa tự hào. Lần đầu tiên được đăng bài báo đó tôi vừa mừng, vừa hạnh phúc. Thấy thật xứng đáng với công sức bỏ ra” – Công chia sẻ.
Theo Công, bài báo đầu tiên đó như một liều “doping” giúp Công nhìn thấy rõ con đường phía trước mình cần đi, đó là nghiên cứu. Sau 4 năm học ĐH, Công đã có trong tay gia tài 4 bài báo đăng trên tạp chí quốc tế (đứng tên cùng với GS Nguyễn Đình Đức). Công cho biết thêm, năm thứ 3 ĐH, Công đạt giải nhất nghiên cứu khoa học cấp ĐH Quốc gia Hà Nội với đề tài Nghiên cứu về vật liệu FGM (vật liệu biến đổi chức năng). Công trình này là một trong những điều kiện cần giúp Công được “đặc cách” làm thẳng nghiên cứu sinh của ĐH Quốc gia Hà Nội mà không cần bằng thạc sĩ.
Chọn con đường nghiên cứu
Năm học 2016-2017, Phạm Hồng Công bước vào năm thứ 3 làm nghiên cứu sinh. Trong hai năm qua, Công đã “kịp” có thêm 13 bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế. Trong đó có một số bài báo Công là tác giả đứng tên thứ nhất. Nói về sự thành công của mình, Phạm Hồng Công cho biết, đã xác định con đường nghiên cứu. Chính vì vậy, tốt nghiệp ĐH, Công về đầu quân tại Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam. Đồng thời làm nghiên cứu sinh tại ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội. Tại đây, Công cũng đứng giảng dạy môn Lý thuyết tấm và vỏ.
“Khi ra trường, có thể nhiều người sẽ băn khoăn với nhiều lựa chọn. Nhưng ngay từ đầu, tôi đã xác định làm nghiên cứu nên hoàn toàn thoải mái, không lăn tăn điều gì” – Công cho hay. Đề tài nghiên cứu sinh của Công là Nghiên cứu chuyển động tĩnh và động của tấm FGM có gân gia cường. Công cho hay chúng ta có những vật liệu truyền thống như sắt, thép. Trong khi đó, thực tế đòi hỏi phải có những vật liệu mới, có sự chịu đựng tốt hơn, cần cho tương lai.
Một số thành tích mà Phạm Hồng Công đã đạt được:
Học bổng Mitsubishi năm 2012, 2013
Học bổng Odon Vallet năm 2012, 2015
Học bổng Gặp gỡ Việt Nam 2014, 2015
Gương mặt trẻ tiêu biểu Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2012, 2013.
Giải nhất giải thưởng SV nghiên cứu Khoa học ĐHQGHN năm 2012.