Nghĩa trang của Trung tâm thương binh Nho Quan

TP - Ở Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan (Ninh Bình) có một nghĩa trang hết sức đặc biệt. Nơi đó an táng các thương binh đã mất ngay tại trung tâm. Các bác bị thương nặng ở não không nhớ quê hương bản quán để được đưa về…
Nghĩa trang của Trung tâm thương binh Nho Quan ảnh 1
Nghi thức dâng hương nghĩa trang vào tối 27/7.

Trung tâm của những thương binh mất trí nhớ

Chúng tôi - những cán bộ, phóng viên Ban Bạn đọc và công tác xã hội được giao nhiệm vụ tổ chức, điều phối cho các bạn đọc, nhà tài trợ đi thăm, tặng quà các bác thương binh nặng ở các trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng thương binh trong cả nước. Công việc đó giúp chúng tôi có cơ hội trực tiếp đến các trung tâm, gặp gỡ và kết bạn với rất nhiều thương binh.

Dù đã nhiều lần về thăm Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Nho Quan ở xã Đồng Phong (Nho Quan, Ninh Bình) nhưng lần nào về đây, chúng tôi cũng rưng rưng xúc động, yêu thương các bác thương binh nhiều hơn. Xin nói kỹ để bạn đọc dễ hình dung, các thương binh bị mất sức lao động từ 81% trở lên được Nhà nước tổ chức nuôi dưỡng, điều trị trọn đời tại các trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng thương binh.

Nhiều trung tâm thương binh, đặc biệt là trung tâm cấp tỉnh (do sở Lao động Thương binh và Xã hội trực tiếp quản lý) sẽ thực hiện nuôi dưỡng các bác có các tổn thương khác nhau nhưng đã được điều trị ổn định. Còn những bác bị tổn thương nặng, loại hình thương tật chuyên biệt được nuôi dưỡng tại các trung tâm có chuyên môn sâu hơn do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quản lý.

Có nhiều trung tâm chuyên chăm sóc, chữa trị cho các bác bị thương ở cột sống, tay, chân. Còn Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Nho Quan (sau đây gọi tắt là Trung tâm) là cơ sở chuyên chữa trị, chăm sóc cho các thương binh bị thương nặng ở đầu, tổn thương não nặng nề, dai dẳng và các bệnh binh mắc bệnh tâm thần nặng mãn tính, rất ít khả năng hồi phục.

Lần nào đến trung tâm, chúng tôi cũng nán lại thật lâu để trò chuyện với các bác tại hội trường, nhưng chủ yếu, các bác ngồi hàng ghế phía trước bắt được chuyện, còn phía sau, các bác có nghe nhưng không đáp lại.

Năm ngoái, đoàn chúng tôi đến thăm, tặng quà trung tâm vào buổi trưa ngày 26/7. Sau khi hoàn thành các hoạt động trên hội trường, chúng tôi được mời ăn cơm liên hoan cùng các thương binh. Bữa cơm rất vui nhưng chúng tôi không khỏi áy náy khi chỉ có hơn 20 bác trong số hơn 50 bác có mặt trên hội trường lúc nãy có thể tham gia bởi các bác còn lại không thể ngồi mâm, chủ động ăn uống.

Ăn cơm xong, bác sĩ Nguyễn Thị Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm dẫn chúng tôi đi thăm các bác không thể dự liên hoan. Bác sĩ Thủy gọi những bác thương binh đó là các thương binh ở “khoa nặng”.

Họ là các thương, bệnh binh không thể chủ động trong sinh hoạt, được bác sĩ, cán bộ trung tâm lo toàn bộ chuyện ăn uống, tắm rửa, chữa trị… Với loại hình thương tật đặc thù này, các bác thường xuất hiện những cơn đau, động kinh khi trái gió trở trời.

“Từ khi được thành lập vào năm 1965 đến nay, trung tâm chuyên nhận và chữa trị các bác thương binh bị chấn thương não, sức ép bom hay bị bệnh tâm thần trên cả nước. Hiện trung tâm có 63 bác, rất nhiều bác đã phục hồi nhưng vẫn còn 20 bác không thể tự sinh hoạt, mất trí nhớ. Hàng chục năm qua, nhiều bác mất mà không thể nhớ, không thể xác định được quê quán”, chị Thủy nói.

Nghĩa trang của Trung tâm thương binh Nho Quan ảnh 2
Chị Nguyễn Thị Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan mở danh sách những thương, bệnh binh đã mất

Ngôi nhà thờ và nghĩa trang chung

Chị Thủy dẫn chúng tôi qua một quãng sân rộng, nhiều hoa cây cảnh đến tòa nhà mái cong, lợp ngói đỏ. Bên trong là một ban thờ lớn có tượng Bác Hồ, rất nhiều bát hương đang đượm khói và một mâm cơm lớn với rất nhiều bát đũa.

“Đây là nơi thờ tự các bác thương binh mất tại trung tâm. Hôm nay, trung tâm làm cơm cúng để các bác được hưởng không khí ngày 27/7”, chị Thủy nói.

Chị với tay lấy trên ban thờ một tệp giấy được ép Platic cẩn thận. Đó là danh sách các thương binh đang được an táng tại nghĩa trang của trung tâm, dài hơn 10 trang, phân chia theo tháng để ngày mùng 1 âm lịch hàng tháng, trung tâm sẽ làm cơm, cúng giỗ chung cho các bác.

Danh sách đó hết sức sơ lược, chỉ ghi năm sinh, phần quê quán chỉ có đến đơn vị huyện, có bác chỉ đến đơn vị cấp tỉnh. Quê nhiều bác bị bỏ trống được chú thích bên cạnh là “không rõ quê”.

“Các bác khi bị thương rồi được các đơn vị, bệnh viện đưa về đây kèm giấy tờ nhưng giấy tờ đó rất ít thông tin, nhiều trường hợp không ghi rõ đơn vị. Quê cũng chỉ ghi ở tỉnh này tỉnh kia. Nhiều thông tin bị sai, mờ, giấy tờ bị rách. Đơn vị cũng hỏi các bác nhưng các bác không thể nhớ nổi quê mình, đơn vị mình, không nhớ có vợ hay chưa… Vì thế, cho đến khi mất, các bác cũng không thể về quê”.

“Chúng tôi đã làm nhiều cách để tìm quê hương cho các bác như gửi văn bản về tất cả các Sở Lao động Thương binh và Xã hội. Nhiều tỉnh phản hồi và chúng tôi tìm được quê cho các bác nhưng vẫn còn 90 bác chưa tìm được quê. Chúng tôi rất muốn các cơ quan chức năng, các cơ quan báo chí tiếp tục giúp chúng tôi tìm được quê hương cho các bác”.

Chị Nguyễn Thị Thủy, Phó giám đốc

Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan

Một lần khác, chúng tôi theo chân anh Trần Đức Hiền, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Trung tâm ra nghĩa trang của các bác. Nghĩa trang ở giữa cánh đồng cạnh trung tâm nhưng đi đường vòng cũng hơn 1 km. Hôm chúng tôi đến, đoàn viên trung tâm được huy động dọn cỏ, chăm sóc nghĩa trang. Những ngôi mộ được ốp đá hoa cương sáng bóng, tường bao quanh cũng được làm bằng đá. Dọc các lối đi có hoa mẫu đơn đỏ thắm, gọn gàng.

Nghĩa trang của Trung tâm thương binh Nho Quan ảnh 3

Thương binh trong trung tâm đến thắp hương tưởng nhớ Bác Hồ và đồng đội trong ngày giỗ đồng đội.

Anh Hiền kể trước đây, các phần mộ được xây dựng đơn sơ. Đến năm 2021, nghĩa trang được tu sửa, nâng cấp.

“Ban đầu, nghĩa trang có trên 200 ngôi mộ. Sau đó, bằng nhiều cách khác nhau, trung tâm đã tìm được thân nhân, quê quán của nhiều bác và tổ chức cất bốc cho các bác về địa phương để gia đình chăm sóc. Hiện nghĩa trang còn 90 ngôi mộ, trong đó 85 ngôi mộ vẫn chưa tìm được thân nhân”, anh Hiền nói.

Năm ngôi mộ đã tìm được thân nhân nhưng vẫn an táng tại đây là mộ của các bác trước khi mất có nguyện vọng được an táng tại nghĩa trang của Trung tâm. Như bác Nguyễn Hữu Thành, thương binh tham gia chống Pháp, quê ở huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình được tiếp nhận về trung tâm từ tháng 11/1966. Ngày 2/3/2015 bác mất sau khi đã được chăm sóc, nuôi dưỡng tại trung tâm 49 năm.

Về hoạt động chăm sóc nghĩa trang của Đoàn Thanh niên trung tâm, anh Hiền cho hay, khi lãnh đạo đơn vị đề cập đến chăm sóc, dọn dẹp nghĩa trang, Đoàn Thanh niên đã xung phong nhận. Nhiệm vụ hằng tháng là cắt tỉa cây cỏ gọn gàng, lau dọn các ngôi mộ thật sạch sẽ. Những dịp lễ, Tết, Đoàn Thanh niên đều xây dựng kế hoạch để toàn trung tâm dâng hương, hoa tưởng niệm các bác. Tối ngày 27/7 hàng năm, Đoàn Thanh niên đều tổ chức “Lễ thắp nến tri ân” tưởng nhớ công ơn của các bác.

(Còn nữa)