Linh mục Nguyễn Văn Tịch (Giáo xứ Tây Hải, phường Hố Nai, Biên Hòa, Đồng Nai), người khởi xướng xây dựng nghĩa trang cho biết, trong một lần đi thăm người bệnh năm 2011, ông tình cờ biết nhiều hài nhi bị bậc sinh thành chối bỏ. Ông thấy các em chưa sinh ra đã chịu một thiệt thòi quá lớn đó là không được lớn lên, sống trong tình thương trọn vẹn của cha mẹ. Cảm thấy xót xa, tội lỗi và muốn an ủi các sinh linh bé nhỏ ấy ông quyết định xây dựng nghĩa trang ở phía sau giáo xứ để đón các bé về chôn cất.
Sau khi nghĩa trang được thành lập ông Tịch và 17 thành viên trong đội tình nguyện chăm sóc và nhặt thi hài cùng chung sức làm việc thiện. Các tình nguyện viên sắp xếp công việc và chia nhau đến các trung tâm y tế, bệnh viện trong tỉnh để lấy hài nhi. Những thai nhi bị nạo, phá với tháng tuổi khác nhau đều được mang về bỏ vào các hũ, hộp kích cỡ khác nhau. Sau khi đặt tên, ông Tịch sẽ dán vào hũ theo ý muốn.
Vị linh mục chia sẻ: "Trong những ngày đầu đi xin xác tôi và các tình nguyện gặp nhiều khó khăn, bị người ta nghi kị mục đích xấu của việc làm này, nhưng các thành viên không nhụt chí. Để chứng minh cho việc làm của mình mỗi khi an táng các bé, chúng tôi mời cán bộ các trung tâm y tế và người dân về tham dự để họ hiểu và cảm thông. Trung bình mỗi tháng chúng tôi "xin" được khoảng 200 hài nhi trên địa bàn tỉnh. Khi mang về sẽ bỏ vào hũ, dán kín rồi cho vào các tủ đông để ở phòng riêng và chờ ngày an táng một lần vào cuối tháng”.
Đến ngày chủ nhật cuối tháng, ông Tịch và những thành viên tình nguyện, giáo xứ sẽ làm lễ và chôn cất. Tình nguyện viên sẽ tắm rửa, mặc quần áo rồi đặt các em vào quan tài nhỏ bằng sành. Những hài nhi đã lớn sẽ được hỏa thiêu rồi táng tro cốt, hài nhi nhỏ sẽ được mặc áo, thắt nơ, bọc vải rồi nhập vào quan tài bằng chiếc hộp nhỏ. Tất cả các em sẽ được cử hành tang lễ nghiêm trang như bao lễ tang khác. Đặc biệt, ở đây không có sự phân biệt lương giáo, tất cả đều được làm lễ thánh một cách trang nghiêm.
Nghĩa trang này nằm sâu trong con hẻm nhỏ thuộc KP4, phường Hố Nai, là mảnh đất rộng khoảng 200 m2 do một số người hiến tặng. Nghĩa trang được thiết kế theo hình hai bàn tay ngửa với tâm niệm các em được đón vào giấc ngủ, luôn được nâng niu và hiện có gần 7.500 hài nhi được chôn cất.
Hai bên lối vào của nghĩa trang được dựng hai hòn đá lớn khắc các dòng chữ an ủi những sinh linh xấu số bị vứt bỏ trước khi cất tiếng khóc chào đời: "Dù cha mẹ có bỏ con, nhưng ta không bỏ các con", khiến nhiều người đến thăm khó có thể cầm lòng.
10 ngón tay xòe ra chính là 10 hầm mộ chôn cất. Mỗi hầm mộ dài gần 2 m, rộng khoảng 60 cm có thể an táng cho khoảng 2.000 sinh linh xấu số.
Sau 4 năm chôn cất các hài nhi, hiện tại trong số 10 hầm mộ của nghĩa trang thì có 2 hầm đã an táng đầy, một hầm gần kín. Trong ảnh: Hầm mộ thứ 3 gần đầy đã chôn cất được 2/3 diện tích, các hài nhi nhặt về trong tháng này sẽ được chôn tại hầm mộ này.
Các tình nguyện viên sẽ thay nhau chăm sóc phần mộ, lo hương khói, hoa quả, bánh trái cho các em hàng ngày và giáo xứ cũng cắt cử một người hàng ngày quét dọn, trang trí, làm tiểu cảnh, chăm sóc nghĩa trang cho các em.
Những chú gấu bông nhỏ xinh được treo bên các hầm mộ cho các sinh linh mà các em chưa được một lần nhìn thấy trên trần gian.
Tại nghĩa trang này, ngoài các hầm mộ chôn cất các hài nhi còn có phần nhà để tro cốt của những hài nhi đã lớn được hỏa thiêu, những người vô gia cư không có nơi chôn cất.
Tro cốt của những sinh linh xấu số sắp được nhìn ánh mặt trời bị vứt bỏ được đựng trong bình sành hình quan tài để vào nhà tro cốt trong khuôn viên nghĩa trang.
Một mầm sống không được làm người không có tên, ngày sinh và ngày mất là một.
"Những hài nhi bị bậc sinh thành tước đi quyền được sống trên đời là những sinh linh bé nhỏ nhưng cũng cần được chôn cất tử tế, một nơi ấm cúng. Hàng ngày các em được chăm sóc nơi yên nghỉ, được những người có tấm lòng ghé thăm, cầu nguyện, cha mẹ các em đến hối lỗi. Có nhiều lý do khác nhau mà những bậc làm cha làm mẹ đã phải đứt ruột từ bỏ đứa con mình. Vì vậy, khi xây dựng nghĩa trang, tôi còn muốn góp phần chia sẻ, hóa giải nỗi day dứt trong lòng của những người đã từng phá bỏ thai; đồng thời muốn giáo dục cho giới trẻ rằng: Hãy xây dựng cho mình tình yêu trong sáng, bền vững, sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội”, vị linh mục có tấm lòng nhân ái gửi gắm.