Nghĩa tình Gạc Ma

Anh Trương Văn Hiền và anh Dương Văn Dũng bùi ngùi ngày gặp mặt.
Anh Trương Văn Hiền và anh Dương Văn Dũng bùi ngùi ngày gặp mặt.
TP - Ngày 19/11, món quà bất ngờ cho anh Dương Văn Dũng là sự có mặt của 6 đồng đội cùng chịu cảnh tù đày ở Trung Quốc sau trận hải chiến Gạc Ma năm 1988.

Báo Tiền Phong ngày 3/11 có bài viết “Cựu binh Gạc Ma mắc bệnh hiểm nghèo” kể về người chiến sĩ tham gia trận hải chiến Gạc Ma (14/3/1988) đang chiến đấu với ung thư giai đoạn cuối. Hay tin, ban liên lạc bộ đội Trường Sa (1984 - 1988) cùng anh em báo chí tại Đà Nẵng lập tức tổ chức buổi gặp mặt những đồng đội năm xưa của ông Dũng. Nhận được tin, 6/7 đồng đội của anh Dũng năm xưa không quản đường xa, sức yếu đã có mặt đông đủ.

Nỗi đau còn đó

Tới Đà Nẵng, các cựu binh nóng lòng tới thăm anh Dũng ngay, nhưng ban liên lạc bảo chờ cho đông đủ. Vì thế, cựu binh Trương Văn Hiền (trú tại thôn 3, Hòa Thắng, Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) tranh thủ nhảy xuống biển tắm. Ở núi, lâu lắm rồi anh Hiền mới được tắm biển, mới được thấy vị mặn ngấm vào da thịt. Những vết thương trên da thịt anh như những chứng tích của tội ác nay đã lành da nhưng anh bảo, không cần muối mặn, những vết thương hãy còn đau rát mỗi lần nghĩ về Gạc Ma, về Hoàng Sa, Trường Sa.

Anh Hiền kể, sau khi bị phía Trung Quốc bắt và đưa về bán đảo Lôi Châu giam cầm, thời gian đầu, anh em bị giam giữ riêng biệt. Sau gần 1 năm, 9 anh em được đưa về một khu, lúc đó, nhiều người mới biết nhau. Những chàng trai trẻ năm đó không dám nghĩ đến ngày về. Gần 3 năm 8 tháng, 9 anh em chịu đựng khổ ải cùng cực, nương tựa vào nhau, động viên nhau cùng sống.

 Ở cùng phòng với anh Dũng, anh Hiền hiểu rõ tính nết của đồng đội. Chính anh Hiền đặt biệt danh “Tôn Ngộ Không” cho anh Dũng bởi anh nhỏ con nhưng tháo vát, lanh lẹ. “Sống với nhau trong tù nên anh em có quá nhiều kỷ niệm để kể. Dũng lúc nào ngủ cũng mở mắt, nên có lẽ nó khổ đến tận bây giờ”, anh Hiền nói. Anh kể về anh Dũng và khó khăn của đồng đội như để giấu đi khó khăn của chính mình và gia đình. Năm 1991, được trả tự do về nước, phục viên về quê với hai bàn tay trắng, anh Hiền lập gia đình, không có việc làm. Từ đó đến nay, anh Hiền làm thợ hồ nuôi sống gia đình. Con trai đầu đã phải nghỉ học sớm, theo cha phụ nề.

“Được sống là hạnh phúc lắm rồi. Anh em sống đến nay nào quản khó khăn gì. Chỉ thương rằng đời con cái cũng khổ cực như ba mẹ nó”, anh Hiền tâm sự.

Mang theo một ba lô thuốc để vào Đà Nẵng thăm đồng đội, cựu binh Gạc Ma Nguyễn Văn Thống (Nhơn Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình) cho biết, may mắn hơn đồng đội là được hưởng chế độ thương binh 1/4, nên cuộc sống phần nào bớt khó khăn. Những vết thương vì bom đạn năm xưa khoét sâu trên khuôn mặt, tay chân anh hằng ngày vẫn tra tấn anh mỗi khi trở trời. Đồng cam cộng khổ, hay tin đồng đội bị bệnh, dù sức khỏe không được như xưa, nhưng anh vẫn quyết tâm có mặt. “Làm sao không có mặt được khi mà đồng đội đang cần mình. Như năm xưa, nơi đất khách, bị giam cầm, không có anh em đồng đội, tôi nào sống được, để trở về và có ngày hôm nay”, anh Thống nói.

Nghĩa tình Gạc Ma ảnh 1

Cựu binh Gạc Ma Dương Văn Dũng được tiếp thêm sức mạnh từ đồng đội. Ảnh: Nguyễn Thành.

Vượt ngục để cứu đồng đội

Có mặt ở Đà Nẵng muộn nhất vì đường xa, anh Phạm Văn Nhân (đội 1, thị trấn Rạng Đông, Nghĩa Hưng, Nam Định) dáng người khắc khổ, đậm chất nông dân. Anh Nhân bảo, hay tin đồng đội bệnh nặng, anh gác việc đồng áng để tức tốc có mặt. Đó là mệnh lệnh của con tim, của những người đồng đội vào sống ra chết có nhau. Gặp lại đồng đội cũ, tay bắt mặt mừng. Mấy anh em cười bảo, anh Nhân hay “đào ngũ” về trước trong những lần gặp mặt. Anh chỉ cười hiền lành: “Gặp gỡ cũng muốn nán lại gặp mặt anh em lắm chứ. Nhưng ở quê, ruộng đồng nào ai lo”. Sau ngày được trả tự do, anh Nhân về quê lập gia đình. Vợ chồng làm nông với 4 sào ruộng, cố nuôi 2 con ăn học. Nhắc đến hoàn cảnh gia đình, thấy đồng đội buồn, anh Trần Thiện Phụng vỗ vai động viên: “Tao nào có sướng gì hơn. Mày có ruộng cày là sướng, tao phải bưng bát cho vợ bán quán”. Rồi anh Phụng cười đùa: “Tao cấm, từ nay gọi không điện cho tao lúc nửa đêm”.

Nước mắt chảy trên nụ cười mãn nguyện. Ước mơ gặp lại những người một thời vào sinh ra tử của anh Dũng đã thành hiện thực.

Anh Phụng và anh Nhân năm xưa bị giam cùng phòng nên quá hiểu tính nhau. Sau khi phục viên vẫn thường xuyên liên lạc với nhau, buồn vui đều tâm sự hết. “Có những buồn vui ở đời, bạn cần người sống chết với mình mới có thể sẻ chia được”, anh Nhân lý giải về những cuộc điện thoại cho đồng đội lúc nửa đêm. Anh Phụng rỉ tai: “Nhân tốt và lo cho anh em lắm. Năm xưa, nó mấy lần vượt ngục để tìm đường cứu anh em đó. Riêng về khoản trốn, kể cả trốn nhậu, anh em tôi phục nó”.

Anh em kể lại, ở trại giam, sống trong khổ cực nên tất cả bí mật gom góp những đồng tiền ít ỏi mà hằng tháng phía Trung Quốc cấp để mua nhu yếu phẩm. Tiền để giúp anh Nhân tìm đường vượt ngục. Cuộc vượt ngục đầu tiên vào cuối năm thứ 2 hay đầu năm thứ 3 anh Nhân và đồng đội không nhớ rõ. Sống trong giam cầm nào biết đến thời gian. Lần đó, anh lén ra khỏi trại với bộ áo quần độc nhất trên người và một ít tiền anh em gom góp. Anh kể, cứ nhằm hướng Đông rồi xuống hướng Nam mà đi để tìm đường về nước. Hết nhảy xe tải lại đi bộ. Khi cách biên giới khoảng 70km, anh bị bắt lại.

“Tôi không nghĩ mình bị đưa lên ti vi. Thấy tôi trên tivi nên dân quân họ bắt lại, nếu không đừng hòng. Khi bị bắt, phía Trung Quốc cho hay còn 70km nữa là đến biên giới”, anh Nhân kể. Chuyến vượt ngục đó ròng rã gần 13 ngày đêm. Suốt thời gian đó, anh chỉ mặc một bộ áo quần, tối ngủ bìa rừng, xin ăn dọc đường đi với hy vọng tìm đường về nước để tìm cách cứu anh em. Bị bắt lại, anh Nhân bị giam riêng một phòng. Mãi về sau mới được về lại cùng phòng giam với anh Phụng.

Bị bắt, nhưng vẫn nung nấu ý chí vượt ngục. Lần sau đó, khi đang chuẩn bị phá song sắt, anh bị phát hiện và tiếp tục bị giam riêng một khu với lính canh chừng cẩn mật. “Giam giữ không có niên hạn, không có ngày về, chỉ còn tính cách vượt ngục để tìm đường sống cho anh em đồng đội”, anh Nhân tâm sự. Bỏ hoàn cảnh cũng như cuộc sống của gia đình mình sang một bên, anh Nhân bùi ngùi: “Gian khổ ngày đó mình còn sống. Chỉ thương bạn mình, giờ phải đối diện với bệnh tật, éo le hoàn cảnh”.

Nghĩa tình Gạc Ma ảnh 2

Đồng đội luôn bên nhau những lúc khốn khó.

Món quà bất ngờ bên giường bệnh

Lúc 16h ngày 19/11, phòng bệnh của khoa Chăm sóc giảm nhẹ - Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng vỡ òa trong cảm xúc nghẹn ngào khi anh Dũng bất ngờ được gặp lại đồng đội. Đang mệt lả đi vì thuốc và hóa chất, anh Dũng không tin vào mắt mình là anh em năm xưa lại có mặt đông đủ ngay trước mặt mình bằng da bằng thịt. Nước mắt chảy trên nụ cười mãn nguyện. Ước mơ gặp lại những người một thời vào sinh ra tử của anh Dũng đã thành hiện thực.

Từng vòng tay, nụ hôn ấm áp từ đồng đội dành cho anh như tiếp thêm sức mạnh. Trong chiếc áo lính hải quân được anh em mặc cho, anh Dũng như tươi tỉnh hẳn. Chị Trần Thị Lợi, vợ anh Dũng, chứng kiến giây phút đồng đội về bên chồng mình, đã không cầm được dòng lệ. “Thật không ngờ lại có gặp mặt ý nghĩa vậy. Mấy hôm cơn đau hành hạ, trong cơn mê, anh ấy vẫn ú ớ gọi tên đồng đội, gọi tên Gạc Ma”, chị Lợi tâm sự. Sức khỏe không cho phép anh Dũng nói chuyện nhiều với đồng đội. Nhưng nhìn ánh mắt tươi tỉnh cùng nụ cười mãn nguyện, ai cũng tin rằng, anh đã được tiếp thêm “liều thuốc bổ” từ chính đồng đội của mình.

Ông Đặng Công Ngữ, nguyên Chủ tịch huyện đảo Hoàng Sa, chia sẻ: Thật không ngờ có buổi gặp mặt anh em, đồng đội ý nghĩa như vậy. Đây sẽ là nguồn động viên lớn không riêng gì anh Dũng mà tất cả những anh em khác đã chiến đấu, ngã xuống vì chủ quyền Tổ quốc thiêng liêng. Đây sẽ là sự kết nối lâu dài cho những con người vì Gạc Ma.

Anh Nguyễn Văn Tấn, Trưởng ban liên lạc bộ đội Trường Sa (1984 - 1986), nói: “Tôi tin rằng, buổi gặp mặt ý nghĩa này sẽ giúp anh Dũng chiến đấu với bệnh tật, sống lạc quan như năm xưa anh chắc tay súng ở Gạc Ma, cùng đồng đội chiến đấu kiên cường để bảo vệ đảo, bảo vệ từng tấc đất, chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc”.

MỚI - NÓNG