'Nghĩa địa' tàu thuyền tại hồ Tây

Nhà hàng nổi xuống cấp, hoen gỉ trên mặt hồ Tây.
Nhà hàng nổi xuống cấp, hoen gỉ trên mặt hồ Tây.
TP - Sau khi di dời đến khu vực Đầm Bảy (phường Nhật Tân), toàn bộ nhà hàng nổi đang nằm phơi sương nắng, hoen gỉ trên mặt nước. Doanh nghiệp thiệt hại hàng chục tỷ đồng, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng cho mặt nước hồ Tây.

Đã hơn 1 năm kể từ khi UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các du thuyền, nhà hàng nổi ngừng kinh doanh ở khu vực bến thủy Hồ Tây (từ số 2 đến số 10 đường Nguyễn Đình Thi), toàn bộ các nhà hàng, thuyền nổi đã được di chuyển về bến mới Đầm Bảy (phường Nhật Tân) theo Thông báo số 38 của UBND thành phố Hà Nội. Nội dung Thông báo 38 nêu: UBND thành phố đang triển khai xây dựng kế hoạch đầu tư, xây dựng, cải tạo, chỉnh trang, quản lý, khai thác khu vực hồ Tây thành một điểm du lịch, văn hóa tiên tiến, có hệ thống xử lý môi trường theo tiêu chuẩn quốc tế.

Để đạt được mục tiêu trên, UBND thành phố giao UBND quận Tây Hồ chấm dứt hoàn toàn hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, văn hóa, thể thao du lịch, vui chơi giải trí, nuôi trồng, khai thác thủy sản trong phạm vi quản lý hồ Tây; Xác định vị trí tập kết và tổ chức di chuyển các tàu, thuyền, phương tiện nổi về một vị trí tập kết; hoàn thành việc tháo dỡ, di dời các phương tiện này khỏi hồ Tây; tháo dỡ các cầu dẫn, sàn nổi trên hồ trong quý I/2017.

Ghi nhận thực tế khu vực Đầm Bảy, Thông báo 38 của UBND thành phố dường như mới chỉ thực hiện được một nửa. Sau khi di chuyển, các doanh nghiệp không tháo dỡ, di dời khỏi mặt nước mà án ngữ một phần diện tích mặt hồ. Những khối thép han gỉ từng ngày dập dềnh trên mặt nước hồ Tây khiến cảnh quan khu vực bị xuống cấp trầm trọng. Những nhà hàng nổi trước đây luôn sáng đèn thì nay đều trong tình trạng khóa trái.

Đại diện một doanh nghiệp cho hay, các tàu đều đã thực hiện chủ trương của UBND Thành phố Hà Nội di dời về địa điểm mới, thế nhưng lối đi tiếp theo cho 14 doanh nghiệp di dời thì không được xác định. Vị này cho biết, UBND thành phố yêu cầu các doanh nghiệp có báo cáo về quá trình hoạt động, kinh doanh của doanh nghiệp tại khu vực hồ Tây; nguồn gốc, xuất xứ của tàu, thuyền, phương tiện nổi; hợp đồng lao động, số lượng lao động được doanh nghiệp sử dụng, những khó khăn, vướng mắc của người lao động khi doanh nghiệp chấm dứt hoạt động kinh doanh trong phạm vi quản lý hồ Tây; nguyện vọng của doanh nghiệp đối với kế hoạch đầu tư, xây dựng, cải tạo, chỉnh trang, quản lý, khai thác khu vực hồ Tây của UBND thành phố, trong đó, có kế hoạch đóng tàu thuyền đạt tiêu chuẩn quốc tế để đề nghị UBND thành phố xem xét, lựa chọn. Mặc dù tất cả hồ sơ đã được gửi từ giữa năm 2017, đến nay vẫn chưa có bất cứ quyết định nào liên quan đến số phận của những nhà hàng nổi này. Trong khi đó, doanh nghiệp thiệt hại ít 500 triệu, có doanh nghiệp gần 2 tỷ đồng thiệt hại từ khi đóng cửa. “Đến nay nhiều tàu thuyền vẫn còn thời hạn đăng kiểm, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh…”, đại diện tàu thông tin.

Trao đổi với PV Tiền Phong, lãnh đạo UBND phường Nhật Tân cho biết, hiện khu vực trên vẫn được lực lượng chức năng kiểm tra, theo dõi thường xuyên, không để xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự. Còn việc thanh thải ra sao phải chờ chỉ đạo của UBND quận Tây Hồ. Trong khi đó, sau nhiều lần liên hệ, lãnh đạo UBND quận Tây Hồ vẫn chưa có phản hồi về việc thanh thải những nhà hàng nổi tại Đầm Bảy. Đã đến lúc Hà Nội cần kiên quyết, triệt để hơn trong việc thanh thải những chướng ngại chiếm giữ mặt nước, gây ô nhiễm để trả lại hồ Tây vẻ đẹp tự nhiên, trở thành một điểm du lịch trung tâm như mong muốn của UBND thành phố.

MỚI - NÓNG
Lai Châu bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục
Lai Châu bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục
TPO - Tại Kỳ họp thứ hai mươi (Kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh Lai Châu khóa XV thông qua 13 nghị quyết có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, tỉnh có Nghị quyết phê duyệt bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục năm 2024.