“Đặc cách” cho du thuyền hoạt động trên hồ Tây?

Du thuyền bên cạnh nhà hàng Buffet.
Du thuyền bên cạnh nhà hàng Buffet.
TP - Mặc dù UBND thành phố Hà Nội đã có Thông báo yêu cầu thanh thải toàn bộ du thuyền trên mặt hồ Tây, nhưng, một du thuyền vẫn tiếp tục “bám trụ”, phần đất được cải tạo sửa chữa làm một nhà hàng giữa mặt hồ.

Nhiều ngày nay, một nhà hàng kèm thuyền nổi trên mặt hồ Tây đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Đặc biệt trong bối cảnh toàn bộ gần chục thuyền nổi trên mặt hồ Tây đều chấp nhận di dời về khu vực Đầm Bảy theo Thông báo số 38 ngày 7/2/2017 của UBND thành phố Hà Nội về kiểm tra toàn diện hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh tại khu vực hồ Tây.

Theo ghi nhận của PV, nhà hàng có tên Bay Buffet tổ chức khai trương rầm rộ cuối tháng 3/2018 nằm trên phố Yên Hoa (phường Yên Phụ). Nhà hàng được xây dựng đồ sộ với diện tích khoảng 500m2 có hàng chục nhân viên nườm nượp ra vào đón khách, bên cạnh là du thuyền đã được hoán cải để làm bể bơi. Thực tế, du thuyền này đã không còn sử dụng được mà đang cải tạo thành khu vực bếp nấu ăn phục vụ cho nhà hàng. Xung quanh khu vực nhà hàng, bùn đất, bèo tây kết thành vùng nước đọng ô nhiễm.

Đại diện du thuyền P (một chủ thuyền vừa di dời sang Đầm Bảy) thắc mắc, những doanh nghiệp được kinh doanh trên mặt nước hồ Tây sẵn sàng ủng hộ chủ trương của UBND thành phố trong Kế hoạch đầu tư, xây dựng, cải tạo, chỉnh trang, quản lý, khai thác khu vực hồ Tây thành một điểm du lịch, văn hóa du lịch, vui chơi giải trí và có hệ thống xử lý môi trường theo tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, việc “đặc cách” một du thuyền kinh doanh trên mặt hồ không những tạo sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp mà còn tạo ra nhiều hệ lụy với môi trường hồ, xấu đi cảnh quan của hồ Tây…

Theo hồ sơ PV có được, công trình trên thuộc sở hữu của Cty Liên doanh Hà Nội Lake View Sport (Cty Lake View) và đã được cấp “sổ đỏ” vào năm 2005 với tổng diện tích là hơn 4.000 m2. Ngày 13/3/2017, Cty có công văn gửi Sở KH&ĐT Hà Nội đề nghị giữ lại du thuyền. Trong đó, Cty này cho rằng: “Do thuyền bể bơi là “tài sản” nằm trong vốn góp liên doanh của bên Việt Nam và chỉ là phương tiện đặt bể bơi, không lắp máy di chuyển, đã ngập sâu trong bùn từ khi hạ thủy đến nay… chỉ phục vụ khách trong tòa nhà”. Do đó Cty đề xuất không phải di chuyển theo chủ trương chung của thành phố.

Chờ quyết định “đặc cách”?

Sau 1 năm gửi công văn, Cty Lake View vẫn tiếp tục sửa chữa và cho du thuyền ở lại bất chấp Sở KH&ĐT Hà Nội chưa có công văn chấp thuận. Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Sở KH&ĐT Hà Nội giải thích việc chậm trễ văn bản trả lời Cty là do Cty Lake View gắn du thuyền là tài sản liên doanh nên Sở còn xin ý kiến của các cơ quan liên quan về việc này. Vừa qua, Sở KH&ĐT cũng đã có buổi họp liên quan đến giữ hay di dời du thuyền. Liên ngành yêu cầu Cty phải có báo cáo phương án cụ thể về việc sử dụng du thuyền trên, sau đó Sở sẽ tổng hợp báo cáo thành phố để quyết định.

Đại diện phía đăng kiểm đường thủy cho biết thêm, du thuyền của Cty Lake View đã có hồ sơ hoán cải thành bể bơi, tuy nhiên đã hết đăng kiểm từ lâu. Để tiếp tục hoạt động Cty này phải làm hồ sơ để làm đăng kiểm lại. “Đạt hay không đạt thì phải trực tiếp kiểm tra thì mới biết được”, vị này nói.

Đặt vấn đề về xả thải của nhà hàng, ô nhiễm môi trường nước hồ, đại diện UBND quận Tây Hồ cho biết, thời điểm nhà hàng hoạt động chính quyền vẫn chưa được biết. Đồng thời, sẽ sớm có đoàn kiểm tra môi trường liên quan đến hoạt động nhà hàng và trả lời báo chí.

MỚI - NÓNG