Nghĩ về 'Người hay cãi'

Nghĩ về 'Người hay cãi'
TP - Nhiều năm qua và cả bây giờ mỗi khi ngồi vào bàn viết tôi lại nhớ điều mà cố nhà báo Hữu Thọ tâm niệm: BÚT SẮC, TÂM SÁNG có lẽ, đó cũng là tâm niệm của nhiều người viết báo ở nước ta.

“Mắt sáng, lòng trong, bút sắc”  là mệnh đề mà sinh thời nhà báo Hữu Thọ đưa ra trong một bài viết, sau này, ông tập hợp lại những bài viết của mình và đưa vào cuốn sách  “Người hay cãi”.

Tôi gặp nhà báo Hữu Thọ lần đầu vào năm 1982, trên một chuyến bay từ Tiệp Khắc (cũ) về Việt Nam sau khi vừa hoàn thành một khóa học ngắn hạn về báo chí. Lúc đó ông là trưởng ban biên tập (ban Nông nghiệp thì phải) của báo Nhân Dân, còn tôi vừa lên làm phó ban Công nghiệp báo Tiền Phong.

Ông không những là một chính khách, một người quản lý báo chí mà còn là một nhà báo thực thụ, ngay cả khi ông làm Tổng Biên tập báo Nhân Dân, chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, hay Trưởng Ban Tuyên giáo của Đảng.  Những bài ông viết trong mục“ Chuyện đời”; “Chuyện làm ăn” là những bài báo sắc sảo, ngắn gọn, súc tích, không ngại va chạm, không ngại cả những chuyện được coi là “nhạy cảm”.

Ông tâm sự: “Tôi không biết viết thế nào để thành công vì mỗi bài báo là một thử thách,  nhưng tôi chắc chắn bài báo sẽ thất bại nếu vừa lòng mọi người” (Trích “Người hay cãi”).

Dạo ông là Tổng biên tập báo Nhân Dân tôi thường qua chơi với những người bạn cùng trang lứa cũng làm ở đây như Thu Thành, Kim Anh, Vũ Kiểm, Phạm Thị Sửu ( Phạm Hồ Thu)... Những lần như vậy, ông thường gọi tôi vào phòng trò chuyện. Khi đó tôi mới làm Tổng Biên tập báo Tiền Phong, có tổ chức một số diễn đàn được bạn đọc rất quan tâm như diễn đàn “Nếu tôi là lãnh đạo”. Đó là diễn đàn gây chấn động dư luận thời bấy giờ. Ông đọc một số bài đăng trên diễn đàn này và có lần ông bảo tôi: “Làm báo phải thế, có nhiều ý kiến trái ngược mới hay, nếu ai cũng bằng lòng thì thất bại...Nhưng, phải cẩn thận với một số ý kiến quá đà...”. Tôi thấy ông nói rất đúng...

Khi Ban Biên tập báo Tiền Phong có sáng kiến tổ chức một số cuộc thi tìm hiểu về lịch sử cách mạng nhằm góp phần giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ, tôi sang báo Nhân Dân đề nghị phối hợp tổ chức, ông đồng ý và rất vui. Mấy cuộc thi chúng tôi tổ chức rất thành công, có hàng chục ngàn bài dự thi, hàng vạn người hưởng ứng, gây được tiếng vang trong dư luận xã hội.

Có một câu nói của cố nhà báo Hữu Thọ mà tôi rất tâm đắc : “Sự tin cậy của xã hội là phần thưởng cao quý nhất của người làm báo” (Trích cuốn “Người hay cãi”).

Đúng vậy, không có phần thưởng nào cao quý hơn đối với người làm báo đó là sự tin cậy của bạn đọc, của dư luận xã hội, của người dân đối với những bài viết của mình.

Muốn vậy, bút phải sắc, tâm phải sáng.

Nhiều lần, tôi được mời vào nói chuyện với sinh viên báo chí, văn chương ở mấy trường đại học, tôi đưa ra mệnh đề này và giải thích, chứng minh bằng những dẫn chứng cụ thể qua nhiều năm làm báo của mình.

Nếu ngòi bút sắc sảo, biết đưa ra, khơi gợi, phản ảnh nhanh nhạy những vấn đề nóng hổi với cách viết thông minh, sâu sắc, dí dỏm, giàu sức thuyết phục chắc chắn sẽ thu hút được đông đảo bạn đọc. Nếu ta có tâm sáng nhưng ngòi bút không sắc, bài không sinh động, thiếu sức thuyết phục thì cái tâm của người viết có sáng đến đâu cũng khó thu hút bạn đọc...

Bởi vậy, với người làm báo phải luôn mài sắc ngọn bút và luôn tu dưỡng để cái tâm để luôn BÚT SẮC, TÂM SÁNG.

Viết tại nhà vườn Sóc Sơn 6/2018

MỚI - NÓNG