Nếu ai đã từng đọc truyện cổ tích Andersen hẳn sẽ biết đến câu chuyện cảm động về Nàng tiên cá xinh đẹp. Nhiều người cho rằng, Nàng tiên cá đơn thuần chỉ là nhân vật hư cấu và không có thật. Tuy nhiên, có khá nhiều bằng chứng được đưa ra chứng minh Nàng tiên cá là có thật.
Mới đây, một bằng chứng mới cũng được công bố cho thấy sự tồn tại của Nàng tiên cá khi hai người thủy thủ đang lặn ở lòng biển Greenland bất ngờ phát hiện bàn tay màu trắng đặt trên tấm kính tàu ngầm phía sau lưng.
Bàn tay có 5 ngón thì 4 ngón dính liền với nhau như có lớp màng chân vịt. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, hình ảnh bàn tay đó chỉ là một trò đùa của ai đó chứ chưa đủ thuyết phục rằng sinh vật "nửa người nửa cá" kia là có thật.
Bàn tay của "Nàng tiên cá"?
Trước đây, vào năm 2012, kênh truyền hình Animal Planet phát sóng một chương trình chỉ ra những bằng chứng cho thấy Nàng tiên cá là có thật. Chương trình này xuất hiện như một bộ phim tài liệu hoàn chỉnh, với các cuộc phỏng vấn "nhà khoa học, chuyên gia" phân tích, đánh giá sự tồn tại của sinh vật "nửa người nửa cá" này.
Tuy nhiên, Cục Đại dương và Khí quyển Quốc gia của Hoa Kỳ (NOAA) đã chính thức lên tiếng và đăng một tuyên bố trên trang web của mình tố cáo sự không chính xác trong chương trình của Animal Planet. Và những "nhà khoa học" đó là những diễn viên được trả tiền theo yêu cầu.
Theo họ, nhiều lời đồn đại và không ít bằng chứng trong quá khứ làm cho người cá trở thành một trong những bí ẩn lớn nhất của đại dương. Niềm tin về sinh vật "nửa người nửa cá" xuất hiện ngay từ buổi bình minh của loài người, trong các bức tranh hang động giai đoạn cuối thời kỳ đồ đá cũ cách đây khoảng 30.000 năm, khi con người bắt đầu giương buồm đi chinh phục biển cả.
Sinh vật có một nửa hình dáng giống con người (được gọi chung là chimera) cũng từng “làm mưa làm gió” trong rất nhiều câu chuyện thần thoại, truyền thuyết. Và kể từ năm 1403, việc phát hiện ra không ít xác ướp người cá lại càng khiến giới khảo cổ học trên thế giới vô cùng bối rối.
Một xác ướp được cho là của "Nàng tiên cá" được phát hiện ở Nhật Bản
Những truyền thuyết đầu tiên của Nàng tiên cá có nguồn gốc khoảng 1.000 năm TCN - câu chuyện kể về nữ thần Syria nhảy xuống hồ để biến thành một con cá. Tuy nhiên, vẻ đẹp tuyệt vời của Syria đã không thể biến hoàn toàn thành cá mà chỉ có nửa dưới biến đổi được thôi. Kể từ đó, nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới cùng tạo ra các câu chuyện về sinh vật kỳ lạ này.
Trong suốt lịch sử, các nhà thám hiểm cũng cho biết họ nhìn thấy Nàng tiên cá, nổi tiếng nhất trong số đó là Christopher Columbus. Columbus tuyên bố nhìn thấy Nàng tiên cá gần Haiti vào năm 1493 và mô tả rằng "Nàng tiên cá không xinh đẹp như truyền thuyết, khuôn mặt của Nàng trông giống nam giới nhiều hơn".
Vẫn còn rất nhiều bằng chứng khác chỉ ra sự tồn tại của Nàng tiên cá cũng như nhiều hóa thạch có hình dáng của "mỹ nhân ngư". Tuy nhiên, nhóm chuyên gia NOAA xác nhận: "Đúng là có không ít nhà khoa học tin tưởng vào giả thuyết cho rằng, tổ tiên loài người từng là một sinh vật sống dưới biển nhưng hiện tại, các chuyên gia vẫn chưa từng ghi nhận bất kỳ bằng chứng thuyết phục nào liên quan đến người cá".