Nghi vấn máy bay Malaysia bị khủng bố

Nghi vấn máy bay Malaysia bị khủng bố
TP - Tại Ủy ban An ninh hàng không ngày 9/3, ông Đinh Đức Tuấn - Phó trưởng ban An toàn chất lượng, an ninh của Vietnam Airlines (VNA) đưa ra nghi vấn máy bay mất tích bị khủng bố. Tiền Phong phỏng vấn ông Tuấn xung quanh nghi vấn này.

Ông Tuấn là cơ trưởng, giáo viên dạy bay Boeing 777, đồng thời là thanh tra viên của Cục Hàng không Việt Nam. Ông cho rằng, Boeing 777 có thể hoạt động trong thời tiết khắc nghiệt; máy bay Malaysia mất liên lạc trong điều kiện thuận lợi nên yếu tố thời tiết có thể loại bỏ. Về kỹ thuật, có các giả thuyết: Nếu máy bay hở buồng kín phi công vẫn có khoảng hơn 4 phút để liên lạc với mặt đất. Nếu máy bay chết 2 động cơ thì còn khoảng 20 phút, lướt thêm 200 dặm, đủ để phi công xử lý. Trường hợp cháy hoặc có khói trong buồng lái thì phi công vẫn đủ thời gian thông báo về trung tâm.

Nghi vấn máy bay Malaysia bị khủng bố ảnh 1

Ông Đinh Đức Tuấn - Phó trưởng ban An toàn chất lượng, an ninh của Vietnam Airlines

Ông có thể nói rõ hơn về nghi vấn có tác động của con người trong sự cố này?

Trên chiếc Boeing 777 có các hệ thống liên lạc bằng radio, bằng phương thức truyền tin nhắn, điện văn. Ngoài ra, còn có ra đa nhận dạng. Ra đa này liên tục thông báo cho mặt đất tọa độ, tốc độ bay. Trên thế giới chưa ghi nhận trường hợp nào máy bay hoạt động bình thường mà tất cả các hệ thống liên lạc với mặt đất bị cắt hoàn toàn.

Trong sự việc này, việc mất liên lạc có hai khả năng.

Thứ nhất, là máy bay nổ trên không tức thời khiến tất cả hệ thống liên lạc ngừng hoạt động. Vụ nổ đó, nếu xảy ra, phải là do bom do con người gây ra. Trường hợp thứ hai là có người tắt cùng lúc tất cả hệ thống liên lạc. Với một chuyến bay bình thường điều đó không thể xảy ra; chỉ có sự can thiệp không đúng phương thức của con người mới tạo nên như vậy.

Việc một nhóm người xâm nhập buồng lái có dễ xảy ra không, thưa ông?

Điều này phụ thuộc vào chính sách an ninh buồng lái của từng nhà khai thác. Tuy nhiên, như những nơi được canh chừng nghiêm ngặt khác, một cửa buồng lái cũng có thể bị xâm phạm. Phi công cũng được đào tạo để xử lý những trường hợp như thế. Việc đầu tiên là vận động, thuyết phục những kẻ thâm nhập bất hợp pháp, đặt mục tiêu an toàn cho hành khách lên trên lý do chính trị.

Khi những kẻ khủng bố không tuân thủ thì sao, thưa ông?

Thông thường xảy ra hai tình huống. Thứ nhất, kẻ xâm nhập không biết lái và yêu cầu phi công bay đến chỗ nào đó, thường là vì lý do chính trị. Lúc đó, vì an toàn của hành khách, phi công phải làm theo. Trong quá trình này tiếp tục thuyết phục, vận động.

Trong buồng lái của các máy bay hiện đại như Boeing 777 có hệ thống nhận dạng và thông báo cho phía dưới biết máy bay đang bị can thiệp bất hợp pháp. Khi đó, nếu hạ cánh, phía dưới sẽ triển khai các biện pháp để đối phó không tặc và hỗ trợ tốt nhất khi máy bay hạ cánh. Khả năng không tặc cầm lái cũng xảy ra nếu chúng từng là phi công điều khiển loại máy bay đó. Trường hợp này rất tồi tệ.

Cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG