Nghị lực của cậu học học trò thiếu hai cánh tay

Không có tay Nhẫn vẫn quyết tâm dùng Chân để viết tiếp giấc mơ của mình: Ảnh: Thiên Ân.
Không có tay Nhẫn vẫn quyết tâm dùng Chân để viết tiếp giấc mơ của mình: Ảnh: Thiên Ân.
Sinh ra đã không có hai cánh tay, bố lại mất sớm, Nhẫn vẫn cố gắng tập viết bằng đôi chân để đến lớp và đang ấp ủ giấc mơ trở thành kỹ sư công nghệ thông tin.

Gần 11h trưa, đi học về tới nhà thấy mẹ đang hái rau ngoài vườn, Nguyễn Đình Nhẫn (17 tuổi) dùng đầu đẩy chiếc rổ nhựa gác trên bếp rơi xuống nền rồi dùng chân từ từ đá ra vườn cho mẹ đựng rau. Xong em lại vội quay vào lấy chổi quét dọn nhà cửa. Những công việc tưởng chừng như đơn giản đó nhưng đối với em lại là cả một quá trình kiên trì khổ luyện.

Là con thứ năm của chị Nguyễn Thị Vinh ở xã Nghi Kim, thành phố Vinh (Nghệ An), từ lúc lọt lòng Nhẫn đã không có hai tay. “Sinh ra nó cứ như một cục thịt dài thuồn thuột chẳng cọ quậy gì, lại có dấu hiệu khó thở làm tôi cứ nghĩ con khó sống nổi. Nhưng rồi nó cũng lớn dần mà chẳng ốm đau gì”, người mẹ 50 tuổi kể.

Lên 5 tuổi dù đi chưa vững nhưng thấy bạn bè tới trường, Nhẫn đòi mẹ cho đi học. Chiều ý con, người mẹ đều đặn chở em tới trường học mỗi ngày với hy vọng chỉ mong sao con có được niềm vui, biết thêm con chữ. Từ đó, hàng ngày Nhẫn dùng chân kéo giấy bút ra ngồi hì hục tập viết. Do cúi nhiều, sử dụng toàn bộ sức lực để điều khiển đôi chân nên lưng của em dần bị cong vẹo, vai nhô ra. Những lúc quá mệt mỏi, khắp người tê cứng, Nhẫn lại nằm ngửa ra nhà. 

“Tập mãi vẫn không tiến bộ, em đành phải lấy phấn ra tập viết ngoài sân cho đỡ tốn giấy. Nhiều lúc quá mệt, em định vứt phấn bút đi, nhưng khi được mọi người khen em lại có thêm động lực tập tiếp. Lâu dần chữ của em bắt đầu tròn nét và dễ đọc”, Nhẫn kể lại thời gian khó khăn khi bắt đầu tập viết.

Ngoài tập viết, Nhẫn cũng tự mình tập mặc quần áo, đánh răng, rửa mặt… để không phải làm phiền mọi người. Thành thạo những việc đó, cậu tiếp tục tập làm việc vặt trong nhà để mẹ có thời gian nghỉ ngơi sau những buổi chợ.

Mỗi lần nhìn đứa con trai gầy guộc còng lưng xuống tận đầu gối, cố gắng dùng đầu kẹp lấy chiếc chổi quét nhà, người mẹ xót xa. “Thấy con vật lộn với công việc, tôi tự trách bản thân vì đã không cho con được cái cơ bản nhất là một thân thể bình thường. Muốn bù đắp cho Nhẫn, nhưng tôi cũng chẳng thể làm được gì ngoài những lời động viên”, chị Vinh tâm sự.

Nghị lực của cậu học học trò thiếu hai cánh tay ảnh 1 Những buổi không tới trường, Nhẫn giúp mẹ đi chăn bò. Ảnh: Thiên Ân.
Gánh nặng thật sự đè lên vai gia đình chị Vinh khi người chồng đột ngột qua đời vì tai nạn giao thông, lúc Nhẫn mới 9 tuổi. Cả bảy miệng ăn trong nhà chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng và gánh hàng rong của người mẹ. Khoảng thời gian khó khăn này khiến Nhẫn rơi vào trầm cảm, có lúc muốn chấm dứt cuộc sống.  

Nhưng sau đó em tình cờ được nói chuyện với hiệp sĩ công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng (người đã qua đời). Với suy nghĩ, người chỉ cử động được một ngón tay như anh Hùng mà vẫn làm được nhiều chuyện đáng tự hào, huống chi mình còn cả hai bàn chân, Nhẫn quyết tâm rèn luyện bản thân mỗi ngày bằng việc mượn bạn bè sách tin học về tìm hiểu thêm.

Vừa học ở trường vừa tự tìm tòi, lâu dần vốn kiến thức về công nghệ của Nhẫn thêm cải thiện. "Ước mơ của em là sau này sẽ thành kỹ sư công nghệ thông tin", Nhẫn nói. 

Thầy Trần Xuân Liên, giáo viên chủ nhiệm lớp 11A8 trường THPT Nguyễn Duy Trinh nơi Nhân theo học cho biết, bản thân Nhẫn gặp nhiều bất hạnh, nhưng ý chí và nghị lực sống của em lớn hơn nhiều học sinh khác. Nhẫn học khá, sống vui vẻ, cởi mở nên được nhiều bạn bè yêu quý.

“Năm thi vào lớp 10, biết về hoàn cảnh của Nhẫn nên nhà trường đã định xét tuyển thẳng cho em. Nhưng em một mực từ chối và vẫn muốn tham gia kỳ thi để vào học bằng chính khả năng của mình. Nhiều lần Nhẫn được nhà trường lấy làm tấm gương sáng cho các học sinh noi theo”, thầy Liên cho biết thêm.


Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG