Nghệ thuật từ những thứ đơn giản, gần gũi
Trao đổi trong tọa đàm, KTS Võ Trọng Nghĩa khẳng định điểm cốt lõi trong nhiều năm học kiến trúc bên Nhật là: “Đặt ra các câu hỏi đơn giản đúng bản chất vấn đề và giải quyết chúng một cách đơn giản”.
Với tư duy như thế, cộng thêm 5 năm “ngồi không” - thời gian mở văn phòng kiến trúc nhưng không có khách sau khi từ Nhật về - rèn tính kiên nhẫn và tích lũy ý tưởng, Võ Trọng Nghĩa quyết định đưa thiết kế của mình về thời “nhà tranh vách nứa”. Chọn tre làm vật liệu chủ đạo, một thứ vật liệu chẳng đồng đều về cả kích cỡ lẫn chất lượng: “Chúng tôi không đơn thuần làm kiểu thủ công mỹ nghệ mà muốn tạo ra công trình kiến trúc bền vững của thời đại mới”.
“Trồng cây xanh lên mái nhà, mặt tiền và càng nhiều nơi nếu có thể trong một công trình càng tốt. Nếu chúng ta thành công, những vùng đất được cây xanh che phủ sẽ tăng lên khoảng 10 lần”.
KTS Võ Trọng Nghĩa
Công trình Bamboo Wing (Đại Lải, Vĩnh Phúc) đoạt giải International Architecture Award (Mỹ) hay không gian cộng đồng làm bằng tre tại đảo Kim Cương (Q.2, TPHCM) mới được giới thiệu trên CNN đều tận dụng khả năng tạo ra những đường cong mềm mại mang đầy tính nghệ thuật của tre. TS Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty sách Thái Hà cho biết: “Tôi thích nhất việc anh Nghĩa dùng cây tre vào kiến trúc bởi tre tượng trưng cho người Việt, thân thẳng nhưng có thể uốn cong để vượt bão rồi lại đứng thẳng”.
TS Hùng làm MC cho tọa đàm, cũng là người đưa ra câu hỏi đã gây khó cho Võ Trọng Nghĩa ở đầu bài, yêu cầu anh giải thích ý tưởng thiết kế không gian cộng đồng tại đảo Kim Cương. “Tôi nhìn thấy cái nơm úp gà của người nông dân Nam bộ thấy đẹp nên làm lại đúng như thế nhưng với tỷ lệ lớn” - anh Nghĩa giải thích - “Từ chi tiết đến cách đan đúng nguyên bản của một cái nơm”.
KTS Võ Trọng Nghĩa.
Trước ý kiến “Liệu có phải tính Việt (dùng tre, dựng nơm…) đã đem lại thành công cho anh”, Võ Trọng Nghĩa đáp thẳng: “Ta nói mãi về bản sắc, truyền thống một cách sáo rỗng. Tôi được đào tạo và bị ảnh hưởng sâu đậm của kiến trúc Nhật. Tôi mang tư duy đó nhưng ứng dụng với phong thổ, khí hậu, văn hóa và con người Việt Nam. Tự khắc tạo thành bản sắc chứ chẳng phải tìm ở đâu”.
Màu xanh giữa đô thị ngột ngạt
“Thế giới có 7 tỷ người. Quá nhiều, và còn nhiều hơn nữa, dẫn tới sự ô nhiễm nghiêm trọng. Việc xây dựng công trình kiến trúc là hoạt động tiêu tốn năng lượng nhiều nhất trong các hoạt động của con người. Chỉ cần xây dựng đã là phá hoại thiên nhiên rồi. Nên tôi luôn chú trọng cây xanh trong các thiết kế của mình”.
Lắm khán giả không tin trong một kiến trúc xanh của Võ Trọng Nghĩa với diện tích nhà năm chục mét vuông mà có tới 15 gốc cây cỡ vừa. “Tôi làm được nhờ cách nghĩ đơn giản” - anh Nghĩa nhấn mạnh.
Ngồi ghế diễn giả, PGS.TS Phạm Thúy Loan thừa nhận bị ấn tượng bởi mẫu nhà cho cây (house for tree). Theo anh Nghĩa, cũng rất đơn giản: “Chúng ta chặt cây làm nhà tại sao không làm ngược lại, làm nhà cho cây rồi sống chung với chúng”.
Cả hai diễn giả Võ Trọng Nghĩa và Phạm Thúy Loan cùng bị “ngột ngạt” bởi môi trường đô thị và cùng tìm tới việc ngồi thiền để tĩnh tâm và thanh lọc đầu óc. Đó là khởi nguồn của những thiết kế xanh mà Võ Trọng Nghĩa theo đuổi đồng thời giúp anh được giới kiến trúc quốc tế công nhận.
Việc xuất bản cuốn Vo Trong Nghia Architects - tập hợp các công trình xanh Võ Trọng Nghĩa và cộng sự thực hiện trong 8 năm sẽ được gửi tặng tầm ngàn rưởi cuốn cho thư viện và lãnh đạo tất cả các tỉnh thành trong cả nước.
KTS Võ Trọng Nghĩa từng nhận giải Tòa nhà của năm 2012 của tạp chí kiến trúc danh tiếng Archdaily, với tác phẩm Stacking Green House (tạm dịch Ngôi nhà xanh) thuộc hạng mục Nhà ở. Dù các tác phẩm của anh gây ra nhiều tranh cãi trong nước nhưng ra nước ngoài luôn được đánh giá cao. Gần đây nhất anh và cộng sự nhận 4 giải thưởng Kiến trúc xanh của Mỹ mang tên Green Good Design 2014.