Nếu chỉ là một màn múa đương đại với các động tác đơn giản như đứng im, đi lại, chạy nhảy để diễn tả sự đưa tiễn, chia ly, ký ức hoài niệm nơi sân ga thì dù có có tác động mạnh tới cảm xúc khán giả, nó cũng giống như các vở múa đương đại phổ biến hiện nay ở Việt Nam. Sự độc đáo và sáng tạo của “Hoài niệm - Những điều để nhớ” chính là sự kết hợp với các yếu tố đa phương tiện như tai nghe, điện thoại di động, mã vạch cùng với nghệ thuật sắp đặt khiến cho khán giả có thể tự cảm nhận và cùng hoài niệm về một ga tàu gắn bó với họ nhiều kỷ niệm trong quá khứ và hiện tại.
Ga Long Biên gắn nhiều với ký ức của người Hà Nội nhất. Đó cũng chính là lý do mà NONI chọn địa điểm này sau một cuộc trắc nghiệm tại Hà Nội, bà Kim Kyung Hee, biên đạo múa của nhóm NONI chia sẻ. Rất may, thủ tục xin phép biểu diễn khá thuận lợi, nếu không, nhóm đành phải chuyển sang lựa chọn thứ hai - khu đô thị An Khánh đang xây dở dang.
Theo bà Kim Kyung Hee: “Tác phẩm hướng đến mục tiêu chuyển động hóa sự vật và sự vật hóa con người dựa trên hai cơ sở con người trên bình diện vật chất, và những sự vật qua bàn tay của con người sử dụng trong một thời gian dài mang trong mình những kí ức riêng”. Hình thức nghệ thuật mà nhóm NONI đang theo đuổi hiện nay được gọi là site - specific (nghệ thuật gắn với một địa điểm có sẵn) đang khá phổ biến trên thế giới. “Hoài niệm- Những điều để nhớ” là tên chung cho chuỗi sự kiện của nhóm. Với mỗi địa điểm khác nhau trên thế giới, họ có sáng tạo phù hợp. Nhóm đã từng thành công với màn trình diễn “Hoài niệm - Những điều để nhớ” ở nhà ga Seoul.
Trong chương trình hợp tác với Việt Nam lần này, chỉ có mình biên đạo múa Kim Kyung Hee tới Việt Nam hướng dẫn cho các nghệ sỹ múa đương đại Việt Nam thể hiện tác phẩm. Đi cùng bà Kim là các chuyên gia kỹ thuật và các đạo cụ mang từ Hàn Quốc sang (trong chương trình không có sự hiện diện của các nghệ sỹ múa Hàn Quốc). Theo lý giải của Trung tâm văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam, đơn vị chủ trì chương trình, là do ngân sách hạn hẹp. Các thành viên tham gia tác phẩm là sinh viên các trường nghệ thuật Việt Nam như Đại học Sân khấu điện ảnh, một số thành viên của các nhóm nhảy đương đại như nhóm Parkour...
Bắt đầu chương trình, các khán giả được phát tai nghe và làm theo những chỉ dẫn phát ra từ tai nghe. Khán giả được chỉ dẫn đi vòng xuống đường gầm cầu, len qua các dãy bán hàng trong khu chợ Đồng Xuân, rồi lộn ngược lên sân ga, thay vì đi thẳng vào sân ga rồi lên tàu như những hành khách thông thường.
Để tham gia chương trình, khán giả phải có điện thoại kết nối 3G, tải phần mềm đọc mã vạch “QR code reader” về máy. Các mã vạch được đặt dọc đường lên sân ga cạnh những tác phẩm sắp đặt, khi thì là chiếc khay có chiếc ly đang thắp ba nén nhang, khi là những chiếc lồng chim phủ khăn đỏ. Dọc sân ga, còn có những chiếc đèn pin đặt trong các thùng carton hắt lên những tia sáng trong màn đêm.
Điểm quét mã vạch chính là tác phẩm sắp đặt.
Khán giả chỉ cần dùng điện thoại chụp code mã vạch là có thể xem được đoạn video các diễn viên đang biểu diễn. Theo biên đạo Kim, khán giả có thể vừa đi trên sân ga, vừa xem được các màn biểu diễn đã được chuẩn bị sẵn. Sự kết hợp này sẽ giúp khán giả phát hiện ra những điều mới mẻ trong mối quan hệ giữa không gian thường nhật, sự vật và hình thể con người.
Kết thúc hành trình, khán giả được mời trở lại phòng chờ của sân ga để xem các nghệ sỹ múa. Các diễn viên vào vai như những hành khách, có người ngồi im trên hàng ghế như đang chờ tàu đến, có người thì hối hả chạy huỳnh huỵch diễn tả hành động khi tàu đến, có cặp đôi ôm nhau vội vã như những cảnh chia tay bịn rịn thường thấy nơi sân ga…
Biên đạo Lưu Thu Lan của nhóm múa đương đại “Nơi đến” cũng là một trong số những người trải nghiệm buổi diễn. Chị cho biết, chị rất tò mò được xem sự sáng tạo của các nghệ sỹ Hàn Quốc như thế nào. Theo chị, kết cấu của chương trình khiến khán giả nói chung và bản thân chị nói riêng không khỏi bất ngờ, hồi hộp. Chị nhận xét, chương trình khá thú vị và đáng để học hỏi. Tuy nhiên, chị mong muốn phần múa nên kéo dài hơn.
Ông Trương Nhuận, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, người đã từng xem nhóm NONI trình diễn tại hội chợ nghệ thuật Seoul năm ngoái chính là “ông mối” mát tay cho chương trình này. Nhà hát của ông là đơn vị đối tác với phía Hàn Quốc để lo giúp các thủ tục xin phép biểu diễn. Ông cho biết, đây là hình thức nghệ thuật khá mới mẻ và sáng tạo, hứa hẹn thu hút nhiều khán giả trẻ ở Việt Nam. Ông khẳng định, đã đến thời của “Kịch +”, dạng sân khấu hộp, chết cứng giờ không còn phù hợp nữa, mà cần có sự phối hợp với các phương tiện đa phương tiện cũng như những hình thức sân khấu mới mẻ khác. Bản thân Nhà hát Tuổi trẻ cũng đang có nhiều thay đổi theo chiều hướng này.