Chẳng biết trời ưu ái hay do nỗ lực giữ gìn mà Trung Hiếu trẻ dai. Tưởng thời gian và trọng trách Phó giám đốc Nhà hát kịch Hà Nội khiến anh tăng cân, tóc ngả màu nhưng Trung Hiếu không thay đổi nhiều về ngoại hình. Âu cũng là một may mắn cho cá nhân anh và cho những người yêu mến anh, chắc chắn họ không mong thấy cảnh nhà quản lí nghệ thuật Trung Hiếu nhấn chìm nghệ sỹ Trung Hiếu.
Cực thích mới làm
Nếu so tuổi đời, Trung Hiếu đang ở độ chín của một người đàn ông. Còn so tuổi nghề thì anh đã đủ thỏa mãn một trong những tiêu chí để xét tặng danh hiệu nghệ sỹ nhân dân: Có trên 20 năm làm nghề. Trung Hiếu vào nhà hát từ năm 1993, đến nay đã 22 năm công tác liên tục. Nhưng nếu tính năm hoạt động nghệ thuật, Trung Hiếu càng không mới mẻ gì, từ năm 1990 anh đã tham gia đóng phim. Tuổi nghề cao, có sự tự hào nhưng cũng là áp lực: Làm thế nào để hoạt động nghệ thuật của mình không cũ như tuổi nghề? Trung Hiếu tự nhận mình là kẻ khắt khe với nghề. Điều này cũng lí giải cho sự nổi tiếng bền của anh. Không chỉ là một diễn viên “hot” trên truyền hình, Trung Hiếu trước hết, trên hết, là một gương mặt sáng giá lâu nay ở sân khấu kịch phía Bắc. Anh tâm sự: “Mình khắt khe với nghề thì mọi người mới không khắt khe với mình. Quan trọng nhất trong nghề là phải tránh được sự nhàm chán, luôn làm mới bản thân, luôn buộc bản thân phải thay đổi”.
“Những người trẻ sẽ lớn lên và phải nắm giữ những trọng trách, đó là chuyện hiển nhiên. Vậy tại sao ta không đặt niềm tin ở họ?”.
Nghệ sỹ Trung Hiếu
Như nhiều diễn viên, ở tuổi nghề đã chín, anh muốn thử sức ở vai trò đạo diễn. Nhưng ngay cả mảnh đất còn nhiều lạ lẫm này, Trung Hiếu vẫn giữ quan điểm không “ăn xổi”: “Vở nào hay thì tôi sẽ làm. Hiện tại tôi vẫn muốn trau dồi thêm nghề đạo diễn để nó chín hơn. Với tôi, dù làm đạo diễn hay diễn viên cái gì cực thích thì mới làm, không thì đừng làm. Chỉ thấy hơi thích hoặc thấy cũng được thì tốt nhất dừng lại. Mình không thấy hay thì làm sao làm cho hay được, mình không thấy hay thì khán giả sao thấy hay?”.
Có những nghệ sỹ khá ngại khi bị xếp vào “giới showbiz”. Họ khăng khăng khẳng định mình không thuộc giới giải trí. Trung Hiếu lại khác: “Tôi không biết mình thuộc giới nào. Chỉ biết mình làm nghề và say mê thôi”. Anh không xem thường những nghệ sỹ chạy theo bề nổi, bởi vì phải có “chìm”, có “nổi” mới tạo nên diện mạo đời sống văn nghệ. Tuy nhiên, anh lựa chọn hướng đi không ồn ào: “Tôi không chạy theo thị hiếu”. Trong lao động nghệ thuật, có biết bao nghệ sỹ vẫn lao động âm thầm, miệt mài đi tìm cái mới, có những người có tên cùng rất nhiều người không tên… Nhưng chính họ mới là những người giữ mạch sống của nghệ thuật ngày hôm nay, theo Trung Hiếu: “Bề nổi có thể mất đi nhưng bề trầm tiếp tục chảy ở dưới làm nên sức sống văn hóa của một dân tộc”.
Tranh: Nguyễn Văn Hổ.
“Lười” đóng quảng cáo, thích chấm hoa hậu
Trung Hiếu lăn lộn trên sân khấu và phim ảnh. Nhắc đến anh khán giả yêu kịch nói nhớ đến vai Tống Thoại trong vở “Cát bụi”, hai vai Linh, Đàm trong “Đứa con bị đánh cắp”, vai Lý Thường Kiệt trong vở “Tình sử nghìn năm”, vai Phiệt trong vở “Những mặt người thấp thoáng”, mới nhất là vai Năm Sài Gòn trong vở “Bỉ vỏ”, giành Huy chương vàng Cuộc thi sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc vừa qua. Ở mảng phim ảnh, Trung Hiếu để lại ấn tượng đặc biệt trong vai Tào, bộ phim “Mười ba bến nước”, một tác phẩm về đề tài hậu chiến, chuyển thể từ truyện ngắn của nhà văn quân đội Sương Nguyệt Minh. Với vai Tào, Trung Hiếu đã giành giải nam diễn viên chính xuất sắc nhất ở thể loại phim truyện video, Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 16 (2009). Tạo nên một “thương hiệu” đủ để sân khấu và phim ảnh đều muốn có nhưng điều lạ là Trung Hiếu hình như không muốn dùng “thương hiệu” để kiếm tiền. Hơn hai mươi năm trong nghề, tuyệt nhiên người ta không tìm thấy hình ảnh anh trong bất cứ quảng cáo nào trên các phương tiện truyền thông. Đây là điều hiếm thấy ở một nghệ sỹ có tên tuổi trong thời buổi các “sao” đang khao khát ngôi “nữ hoàng”, “ông hoàng” quảng cáo. Anh lí giải: “Không phải cái gì có nhiều tiền tôi cũng làm, hay ngược lại, có những cái rất ít tiền tôi vẫn nhận. Có những quảng cáo chỉ quay trong một, hai ngày có thể mang lại số tiền lớn nhưng tôi không nhận vì không thích. Tôi không thích đại diện cho một sản phẩm nào cả”. Nhưng anh cũng không chê bai hay phê phán việc đóng quảng cáo của nghệ sỹ: “Tôi không bình luận về việc làm của người khác. Tôi cũng không chê việc đóng quảng cáo là xấu, cũng không coi thường công việc này, bạn bè tôi cũng như bao nghệ sỹ chân chính vẫn đóng quảng cáo, đây chỉ là quan niệm của cá nhân tôi thôi”. Tất nhiên, anh cũng không bảo lưu quan niệm trên. Trung Hiếu nói đùa: “Bây giờ tôi đang sống với bố mẹ mọi thứ không quá áp lực. Sau này, lấy vợ cuộc sống áp lực, con khóc không có tiền mua sữa có khi tôi lại làm vì tương lai con em đấy”. Đóng quảng cáo thì “lười” nhưng nếu được tiếp tục mời làm giám khảo cuộc thi Hoa hậu Việt Nam lần nữa, Trung Hiếu sẽ vui vẻ nhận lời. Vị giám khảo cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2012 cho biết cảm giác khi ngồi trên chiếc ghế nóng nhiều nam giới tị: “Chấm người đẹp rất vui”.
Từng nhìn mặt mình thấy chán
Gặp Trung Hiếu khi anh vừa đi viếng cây “đại thụ” của sân khấu Việt Nam, GS. TS.NSND Đình Quang, một người thầy anh chưa từng được học nhưng lại gắn bó bằng nhiều kỉ niệm trong đời thường. Trước đó trong âm nhạc là sự ra đi của nhiều tên tuổi lớn: Phan Huỳnh Điểu, An Thuyên, Phan Nhân… Không ít người yêu nghệ thuật cảm thấy chống chếnh, hoài nghi với lực lượng kế cận. Riêng Trung Hiếu trong đau buồn vẫn tin tưởng: “Các cụ không thể sống mãi cùng chúng ta, đó là quy luật không thể cưỡng lại, nếu chúng ta cứ không tin vào lớp trẻ thì quả là thiệt thòi cho người trẻ và cho chính chúng ta. Những người trẻ sẽ lớn lên và phải nắm giữ những trọng trách, đó là chuyện hiển nhiên. Vậy tại sao ta không đặt niềm tin ở họ? Bên cạnh những mặt tiêu cực xuất hiện trong giới trẻ thì vẫn còn đó bao nhiêu người trẻ, bao nhiêu nghệ sỹ trẻ vẫn âm thầm làm việc và sáng tạo, bao nhiêu người vẫn đi học khắp nơi. Tại sao chúng ta có Ngô Bảo Châu, Đặng Thái Sơn, trước khi lừng lững như bây giờ họ đều trải qua một thời tuổi trẻ… Tôi thấy quanh tôi có rất nhiều nghệ sỹ trẻ giỏi. Nếu cứ thấy bao nhiêu cụ ra đi, tạo thành khoảng trống không bù đắp, cứ lo thế không lẽ chúng ta sống trong sợ hãi ?”.
Nói chuyện với Trung Hiếu người khác dễ bị cuốn hút bởi tinh thần hướng về ánh sáng. Anh nói say sưa nhiệt huyết, tràn trề niềm tin vào tương lai, vào con người. Trong công cuộc “làm dâu trăm họ” anh điềm tĩnh đón nhận mọi lời khen, tiếng chê. Ngày trước, khi anh chăm chỉ vào vai người tốt việc tốt, từ anh bộ đội về làng tới anh trí thức nghèo bị vùi dập…Vai diễn nào cũng thương thương, hiền hiền. Cho đến một ngày, ra quán bia, anh bị dội một lời nhận xét “phũ”: “Xem Trung Hiếu đóng mãi nhưng mà tôi thấy Trung Hiếu chẳng khác gì, hình như anh cứ bê nguyên người diễn viên Trung Hiếu lên đóng vai chứ tôi thấy không có gì sáng tạo cả”. Với một nghệ sỹ tự trọng thì lời chê ngoài quán bia ấy là một ấn tượng khó phai. Bỏ qua việc đã bị làm cho bẽ mặt giữa đám đông, về suy nghĩ, xem lại phim mình đóng, Trung Hiếu mới té ngửa: Mình nhìn mặt mình cũng chán thật. Anh đã lớn lên dần nhờ những “chén đắng” như thế.
Vở diễn gần đây nhất, Bỉ vỏ, dựa theo tiểu thuyết cùng tên của cố nhà văn Nguyên Hồng, Trung Hiếu vào vai Năm Sài Gòn. Ngay khi diễn đêm đầu tiên, anh đã nhận được nhiều lời khen ngợi, chúc mừng nhưng đó đây vẫn có những cái lắc đầu, đặc biệt lại từ phía chị em trong nhà hát: Năm Sài Gòn phần sau hơi nhạt, hơi nuối tiếc. Theo chị em, anh đã làm mất hình tượng của nhân vật giang hồ mã thượng, nhân vật bên ngoài xù xì, bên trong thánh thiện, làm mất đi độ đẹp, độ trong sáng của nhân vật. Trung Hiếu tự thấy: Năm Sài Gòn là nhân vật chiếm được cảm tình của phái đẹp, mà bây giờ phái đẹp lại buông lời chê Năm Sài Gòn có nghĩa, anh vẫn chưa tìm ra chìa khóa của nhân vật. Anh dồn thời gian nghiên cứu lại tác phẩm, mổ xẻ nhân vật, hôm sau lên diễn, vẫn chưa đạt. Hôm sau nữa, vẫn bế tắc… Chỉ đến khi bước vào tập những đêm cuối cùng để mang vở thi thố, Trung Hiếu mới giải mã được nhân vật. Anh thức trắng đêm để sửa lại lời, sửa lại kết cấu phần sau, khiến cho đêm thi cực kỳ bùng nổ, nhìn khán giả lên tặng hoa nước mắt lưng tròng họ dành cho anh những cái ôm thật chặt, anh thở phào: “Tạm thời yên tâm với Năm Sài Gòn”. Nhưng Trung Hiếu biết rằng, thắng được thử thách với Năm Sài Gòn vẫn còn đó những thử thách khác, tự nhắc mình: “Lộ diêu tri mã lực” (Đường dài hay sức ngựa), chớ vội hoan hỉ với thành công.
Thích đủ thứ
Trung Hiếu may mắn sinh ra trong cái nôi nghệ thuật. Bố mẹ anh đều là những nghệ sỹ nhiếp ảnh tên tuổi. Từ bé, anh đã được bố, nghệ sỹ nhiếp ảnh Trọng Pháo cõng trên vai đi uống rượu ở nhà bạn bè, là các văn nghệ sỹ nổi tiếng như Nguyễn Tuân, Văn Cao… Trung Hiếu có nhiều ảnh chụp với nghệ sỹ nhiếp ảnh Võ An Ninh. Ông hay đến nhà chơi, thường bế anh trên lòng mỗi khi uống rượu.
Có lẽ được sống trong bầu không khí nghệ thuật rộn ràng, được tiếp xúc với nhiều “cao thủ” trong nghệ thuật Việt Nam nên Trung Hiếu có nhiều thú chơi man mác hương xưa: Chơi thư pháp, chơi chim cảnh, cây cảnh… Như truyền thống của gia đình, anh cũng mê nhiếp ảnh. Ngoài ra còn thích vẽ tranh. Anh vẫn thường kí họa chân dung bạn bè trong những cuộc vui.