Nghệ sỹ Tiến Hợi: “Nước mắt rơi trong mọi đêm diễn về Bác”

Nghệ sỹ Tiến Hợi vào vai Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Hãng phim truyện Việt Nam
Nghệ sỹ Tiến Hợi vào vai Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Hãng phim truyện Việt Nam
“Diễn vai Chủ tịch Hồ Chí Minh là một vinh dự lớn nhưng cũng là một áp lực không nhỏ đối với một diễn viên trẻ như tôi khi ấy,” nghệ sỹ ưu tú Tiến Hợi tâm sự.

Vẫn đôi mắt sáng, vầng trán cao, giọng nói ấm áp như bao lần xuất hiện trên sân khấu, truyền hình trong các vai diễn về Bác Hồ, nghệ sỹ ưu tú Tiến Hợi bảo: “Người nghệ sỹ vinh dự khi được gọi tên bằng vai diễn. Nhắc tới tôi, công chúng nhớ tới những vai diễn về vị cha già kính yêu của cả dân tộc. Đó là một niềm hạnh phúc lớn lao!”

Tuổi đời - vai diễn

Trầm ngâm bên chén trà, người nghệ sỹ ấy kể, trong cuộc đời làm nghệ thuật của mình, dù ông cũng đóng khá nhiều vai hài nhưng khán giả hầu như chỉ nhớ đến ông ở những vai diễn về Bác trong kịch “Đêm trắng” hay qua các bộ phim “Hẹn gặp lại Sài Gòn,” “Hà Nội mùa đông 46”…

“Vào vai lãnh tụ là một vinh dự lớn nhưng cũng là một áp lực không nhỏ đối với một diễn viên trẻ như tôi khi ấy,” nghệ sỹ tâm sự.

Ký ức ùa về như thước phim quay chậm, mở ra trước mắt nghệ sỹ ưu tú Tiến Hợi kỷ niệm về những ngày đầu mới đóng vai Bác Hồ. “Năm 28 tuổi, tôi hóa thân thành một vị lãnh tụ vĩ đại ở tuổi 60 trong vở kịch ‘Đêm trắng.’ Khi đã ở tuổi 30, tôi lại tái hiện hình ảnh người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ở tuổi đôi mươi trong phim 'Hẹn gặp lại Sài Gòn',” nghệ sỹ chia sẻ.

Nghệ sỹ ưu tú Tiến Hợi xuất thân là diễn viên kịch nói của Đoàn nghệ thuật Trường Sơn (Quân khu 2). Năm 1987, đơn vị dựng vở “Đêm trắng”(kịch bản Lưu Quang Hà, đạo diễn Doãn Hoàng Giang). Diễn viên Tiến Hợi được chọn vào vai Bác Hồ vì có ngoại hình giống Bác nhất.

“Nhận tin báo, tôi không khỏi bất ngờ và lo lắng. Một vai diễn quá lớn với một diễn viên trẻ còn ít kinh nghiệm như tôi khi ấy! Câu hỏi thường trực trong đầu tôi là: phải diễn làm sao để thể hiện được thần thái của nhân vật?” nghệ sỹ nhớ lại.

Suốt hơn hai tháng, ngày nào người nghệ sỹ ấy cũng miệt mài đọc tài liệu, nghe lại băng thu âm giọng nói của Bác và xem lại băng ghi hình để học từng điệu bộ, cử chỉ (từ cách Người cầm thuốc, dáng vẻ suy tư, trăn trở…).

Thế nhưng, theo nghệ sỹ Tiến Hợi, điều khó khăn nhất là làm sao thể hiện được giọng nói của Bác cho giống nhất: “Càng nghe băng thu âm nhiều lần, tôi càng cảm thấy giọng Người rất đặc biệt - vừa cương quyết, mạnh mẽ vừa bao dung, ân cần, đôi khi lại khá dí dỏm.”

Nghệ sỹ Tiến Hợi kể, ông dành hầu như tất cả các buổi tối trong suốt thời gian dựng vở để tập từng câu thoại, từng cách phát âm, nhả chữ sao cho giống với cách nói của Bác… Để rồi sau đó, đến bộ phim “Hẹn gặp lại Sài Gòn,” nghệ sỹ Tiến Hợi là người lồng tiếng cho vai diễn Nguyễn Tất Thành của chính mình.

“Vẫn biết làm diễn viên thì phải biến hóa liên tục nhưng khi nhận lời đóng vai người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành trong bộ phim ‘Hẹn gặp lại Sài Gòn,’ tôi vẫn không tránh được cảm giác lo lắng, hồi hộp,” nghệ sỹ nhớ lại.

Cùng thể hiện hình tượng Bác Hồ nhưng “Hẹn gặp lại Sài Gòn” khắc họa hình ảnh Người khi còn là một thanh niên yêu nước ở tuổi đôi mươi. Để nhập được vào vai diễn, nghệ sỹ Tiến Hợi chia sẻ, ông đã đi thực tế nhiều nơi (Nghệ An, Huế, Sài Gòn…), tìm gặp những người thân trong gia đình Bác và những bậc cao niên để tìm hiểu về tuổi trẻ của Người và để nuôi dưỡng cảm xúc.

“Cứ thế, những câu chuyện về Bác ngấm dần vào tôi. Đến khi diễn, mọi cảm xúc dồn nén, mọi biểu cảm được thể hiện một cách rất tự nhiên. Tôi diễn bằng lòng thành kính, ngưỡng mộ và vô cùng biết ơn vị cha già của dân tộc,” nghệ sỹ Tiến Hợi nghẹn ngào chia sẻ.

Nghệ sỹ Tiến Hợi: “Nước mắt rơi trong mọi đêm diễn về Bác” ảnh 1 Nghệ sỹ Tiến Hợi năm 28 tuổi - năm đóng vai Bác Hồ trong kịch "Đêm trắng". Ảnh: Vietnam+
Không đêm diễn nào không có nước mắt!

Đến bây giờ, nghệ sỹ vẫn không thể quên niềm hạnh phúc vỡ òa khi vở kịch “Đêm trắng” lần đầu được công diễn ở Nhà hát Lớn.

“Những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt khán giả khi xem tới cảnh Bác vừa giận vừa thất vọng trước cảnh người cán bộ tham nhũng quỳ gối xin tha tội. Tôi thấy họ cùng nắm tay nhau và sau đó, nhiều người đã rất bất ngờ khi biết tôi còn khá trẻ,” diễn viên Tiến Hợi nhớ lại.

Sau đó, “Đêm trắng” được diễn khoảng 300 suất liên tục phục vụ. Ông kể, dù diễn ở trong rạp hay ngoài trời, khán giả cũng đều đến chật kín chỗ ngồi.

“Không đêm diễn nào mà nước mắt khán giả không rơi! Tất cả cùng lặng đi, chăm chú dõi theo từng chi tiết. 300 đêm diễn, cảm xúc của tôi mỗi đêm một khác. Càng diễn nhiều, càng hiểu hơn về nhân cách cao đẹp của Bác và thấm thía hơn về sự hy sinh vĩ đại của Người đối với dân tộc,” người nghệ sỹ nói, giọng nghẹn ngào.

Hỏi người nghệ sỹ ấy, kỷ niệm nào đọng lại trong âm sâu đậm nhất sau hơn 300 đêm diễn ấy, ông kể: Đó là một đêm diễn ở Phú Thọ. Một cụ già chống gậy, dáng lụ khụ giơ tay nói muốn gặp Bác Hồ.

Nghệ sỹ kể, khi ông bước xuống, cụ cúi lạy rồi ôm người diễn viên, khóc nghẹn giọng và nói: “Lâu lắm rồi, cháu không được gặp lại Bác.’ Diễn viên Tiến Hợi và cả đoàn vội giải thích, tôi chỉ là diễn viên đóng vai Bác Hồ.

“Lặng người đi một lúc, cụ bảo: Anh diễn giống Bác quá!,” nghệ sỹ Tiến Hợi nhớ lại. Cụ già ấy là cựu chiến binh của Trung đoàn sông Lô năm xưa. Cụ bảo, khi xem vở diễn, cụ như được sống lại quãng thời gian Bác đến thăm đơn vị.

Người nghệ sỹ dõi đôi mắt về phía xa xăm. “Bác đã đi xa nhưng hình ảnh, những câu chuyện về Bác vẫn mãi in sâu trong tâm thức mỗi người dân đất Việt!” nghệ sỹ Tiến Hợi bày tỏ.

"Sáng tháng Năm trời trong xanh quá/ Bốn phương về tụ Ba Đình/ Hãy nhè nhẹ bàn chân Bác đang tròn giấc mơ/ Những bước chân bồi hồi xao xuyến/ Cháu con trở về bên Người..." lời ca "Chúng con bên giấc ngủ của Người" vang ngân giữa trời tháng Năm.

Theo Theo Vietnam+
MỚI - NÓNG