Nữ nghệ sỹ họ Tiêu không so sánh trình độ khán giả ở bất cứ đâu, với chị “không hiểu” cũng là một trạng thái tích cực.
Sung Tiêu cho biết chị cũng nhiều lần không hiểu tác phẩm của nghệ sĩ khác, chính sự “ không hiểu” mới kích thích sự tò mò, suy luận và tưởng tượng. “Khi bạn biết được lịch sử, hoàn cảnh của tác phẩm bạn sẽ hiểu”.
Cảm xạ kỳ thú về tâm linh
Sắp đặt gian phòng triển lãm “Cảm xạ từ xa” tại Nhà sàn Colective khiến hầu hết khán giả giật mình vì sự trống trải. Trong lồng sắt song thưa có một màn hình chiếu phim. Ngoài lồng sắt là hai bục gỗ dán mi ca đen đặt bốn bộ thiết bị âm thanh. Khi màn hình chiếu phim, âm thanh sẽ phát ra qua 4 loa này. Trên hai mặt tường đối diện dán ba bài báo và một vài hình ảnh tư liệu nhỏ xíu.
Đoạn phim 20 phút được xử lý dạng âm bản trắng đen. Mở đầu phim là cảnh rừng cây um tùm xen tiếng vọng rùng rợn , kế tiếp là cảnh lễ cầu cúng tại một gia đình. Vì là phim âm bản nên khán giả chỉ thấy những hình bóng đa số là phụ nữ ngồi khoanh chân, người thắp hương, đốt mã, khấn lạy, người làm phép...Tiếng đọc lời khấn của thấy cúng có lúc vang lên rõ ràng, rồi những âm thanh âm u, hình ảnh rừng đêm, sông nước ma mị lại tái hiện.
Sung Tiêu cho biết cảnh cúng bái là đoạn video được quay trước đây vài năm. Lúc đó chị từ Đức về thăm quê nhà ở Hải Dương, thấy chị chưa chịu lấy chồng (mặc dù mới có 27 tuổi), cho rằng cháu gái bị người âm quấy, cô bác trong họ mở lễ cúng cắt tiền duyên cho Sung.
Những âm thanh rợn người vang trong rừng là Sung cắt từ Cuộn băng ma số 10 lấy trên mạng. Cuộn băng ma này từng được quân đội Mỹ sử dụng trong “Chiến dịch tâm lý” hồi thập kỷ 60 tại chiến trường miền Nam Việt Nam nhằm vào binh lính của quân đội nhân dân VN. Lính Mỹ kỳ vọng phát những âm thanh hồn ma từ máy bay trực thăng sẽ khiến quân đội đối thủ sợ hãi, vứt bỏ vũ khí.
Hai câu chuyện dường như chẳng kiên quan nhưng Sung Tiêu nhìn thấy ở đó có điểm trùng là con người trông đợi vào quyền lực của thế giới âm.
Trên tường là những bài báo giả tưởng ấn bản thập kỷ 60 nói về câu chuyện Cuộn băng ma. Một bài báo khác là Sung Tiêu viết về Mỏ Cày và Núi Bà Đen dưới con mắt của một du khách Việt Kiều.
Theo giám tuyển Đỗ Tường Linh, bản thân chị và các cộng sự tại Nhà Sàn học được nhiều điều trong một tháng làm việc cùng Sung Tiêu. “Nghệ thuật tối giản và ý niệm khá phổ biến ở các nước Âu-Mỹ, ở ta có vài nghệ sĩ cũng sử dụng nhưng chuẩn và nét như Sung Tiêu thì đây là lần đầu tiên”. Ngoài ý tưởng, triết lý độc đáo, Sung là người giỏi về chất liệu. Sung học nghệ thuật hội họa chuyên sâu về điêu khắc vì thế bục bệ, khung sắt thiết kế giản lược nhưng có hiệu ứng tối đa. Bức tường trắng trước đó Sung chưa ưng, chị yêu cầu sơn lăn lại thật mịn. “Một vết bẩn mờ cũng làm hỏng mấy khung treo bài báo. Hiện vật tối giản cần được nổi bật để khán giả tập trung hơn”.
Cập nhật người Việt với thế giới
Sung Tiêu thuộc thế hệ trẻ em cùng cha mẹ vượt rừng nhập cư vào Đức cuối thập kỷ 80. Từng theo học trường đại học Nghệ thuật ở Đức nên cô được những người Việt đồng hương ở Khu chợ Đồng Xuân (Berlin) gọi là họa sĩ. Năm 2015, châu Âu rộ lên làn sóng tiếp nhận người tị nạn và dư luận phản đối, kỳ thị người nhập cư. Sung Tiêu xin phép một người Việt chủ quầy đèn điện tử trong chợ làm một sắp đặt đèn led. Trong vài tháng liền, các đèn trong quầy chạy những dòng chữ với con số, thông tin về người nhập cư cũ và mới tại Đức. Nhiều con số thống kê nói về đóng góp đáng kể của người nhập cư cho nền kinh tế Đức từ sau chiến tranh tới 2015.
Sung cùng một bạn người Việt thiết kế một số bộ quần áo may từ bao vải dứa bọc hàng. Loại túi kẻ sọc này gắn liền với hành trang của tiểu thương thuộc thành phần nhập cư. Sung mang bộ sưu tập thời trang nhập cư này tới một số Triển lãm nghệ thuật quốc tế và gây được sự chú ý đặc biệt.
Lần khác Sung cùng bạn lập dự án mang tên “Trời ơi!”. Tại một số đường đi bộ ngầm ở Berlin có lượng lớn người Việt làm nghề bán hoa tươi. Ki-ốt của họ nhỏ, hoa bán giá rẻ mạt nên khách hàng của họ chỉ là người Việt hoặc người châu Á thu nhập nhấp. Người bán hàng rất ít cơ hội trò chuyện giao lưu với người Đức. Sung Tiêu đã nghĩ ra một lý do để người Đức tiến vào những ki-ốt chật chội đó. Chị thiết kế ra 50 chiếc áo phông in họa tiết đương đại và đưa cho một số chủ quầy treo bán cùng hoa. Khách hàng tiến đến, từ hỏi mua áo họ chuyển sang hỏi chuyện chủ quầy. Sung chia sẻ, tôi là sinh viên nên không có vốn để in nhiều áo nhưng 50 cái áo đã bán hết và đồng hương của tôi đã có ngần ấy cơ hội trò chuyện với người bản địa. “Tại sao dự án lại tên là “Trời ơi”?”. Sung giải thích: “Đơn giản đó là một câu tôi rất thích, khi người ta vui, buồn, giận đều thốt ra câu đó”.
Sung Tiêu hiện đang theo học chương trình thạc sĩ tại Học Viện Hoàng Gia Nghệ Thuật, London, Anh Quốc. Những triển lãm và trình diễn cá nhân của cô gần đây bao gồm Art Basel Statements (Art Basel Art fair /Thụy Sĩ), Hamburger Kunstverein cùng Christian Nạujoks (Hamburg/Đức), Học Viện Hoàng Gia Nghệ Thuật (London/UK), Sfeir Semler Gallery (Hamburg/Beirut) và Micky Schubert Gallery (Berlin/Germany).
Thực hành nghệ thuật của Sung luôn ở trạng thái thương lượng không ngừng, không chỉ ở khái niệm về địa lý mà còn giữa quá khứ và hiện tại, giữa hư cấu và phi hư cấu, giữa lý trí và tinh thần.