“Anh Văn Thành là một trong những diễn viên trẻ và rất có khả năng khi đầu quân về Nhà hát Tuổi trẻ khoảng cuối những năm 1980, đầu những năm 1990. Anh ấy sở hữu hình thể và khuôn mặt kép chính đẹp, chất giọng Hà Nội cũng rất đẹp. Tuy nhiên, ở nhà hát cùng thế hệ còn có anh Anh Tú, Chí Trung nên Văn Thành đóng vai phản diện nhiều hơn”, NSƯT Sĩ Tiến, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ nói.
Văn Thành được đánh giá là người yêu nghề, bất kể là vai lớn hay nhỏ đều không ngại và luôn dồn tâm sức một cách nghiêm túc. Văn Thành cũng một trong những diễn viên rất triển vọng của Nhà hát Tuổi trẻ những năm 1990 cho tới những năm 2000 với rất nhiều vai dễn thứ chính, vai phụ để lại ấn tượng.
Không tham gia phim ảnh nhiều, nhưng nghệ sĩ Văn Thành góp mặt ở một số phim truyền hình như “Sa ngã”, “Chuyện phố phường” (VFC sản xuất lên sóng năm 2004), “Sống mãi với thủ đô”.
Một trong những vai diễn trên màn ảnh ghi dấu ấn của Văn Thành chính là đại tá Thanh trong “Tiếng cồng định mệnh” của đạo diễn Lê Thi, Nguyễn Khắc Lợi. Phim từng mang lại giải Nam diễn viên xuất sắc cho NSND Hoàng Dũng tại giải thưởng Cánh diều năm 2005, giải vàng cho Thiết kế Mỹ thuật.
“Tiếng cồng định mệnh” của Điện ảnh Quân đội là phim được đánh giá khá tốt khi ra mắt năm 2004. Phim đề tài chiến tranh chuyển thể tử tiểu thuyết “Khúc tráng ca cuối cùng” của nhà văn Chu Lai. Tướng Phạm Ngọc Tuấn (NSND Hoàng Dũng) đầy bản lĩnh, thành công ở nghiệp nhà binh, dám sống vì tình yêu và lí tưởng nhưng lại chọn sai đường.
Tiếc rằng tài năng và sự lao động nghệ thuật của nghệ sĩ Văn Thành sớm tắt. Sau khi lâm vào bệnh tật và sức khỏe sa sút, nghệ sĩ Văn Thành rời xa sự nghiệp diễn viên. Ông ra đi ở tuổi 59 vì tai biến.
Nghệ sĩ Văn Thành tên thật là Nguyễn Tiến Thành sinh năm 1962 tại Hà Nội, tốt nghiệp khóa 1 trường ĐH Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, ông về Nhà hát Tuổi trẻ công tác và gắn bó với sân khấu suốt khoảng hai chục năm. Lễ viếng nghệ sĩ Văn Thành vào 12h trưa 3/3 tại Nhà tang lễ Thành phố, 125 Phùng Hưng.