Tinh thần Ngày thơ vẫn lan tỏa

Năm thứ hai liên tiếp, Ngày thơ Việt Nam tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám phải hủy
Năm thứ hai liên tiếp, Ngày thơ Việt Nam tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám phải hủy
TP - Ngày thơ Việt Nam 2021 tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám bị hủy, nhưng Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều nói: Tinh thần thơ sẽ lan tỏa trên truyền hình, trên mạng xã hội trong Tết Nguyên tiêu.

Thơ trực tuyến

Trước Tết Nguyên đán chừng một tháng, khi tình hình COVID-19 chưa có dấu hiệu phức tạp, Ban Chấp hành Hội Nhà văn gửi công văn tới Tỉnh ủy, Ủy ban ND tỉnh và Hội VHNT các tỉnh thành trong cả nước thông báo việc hoãn Ngày thơ Việt Nam tại VM-QTG để đảm bảo an toàn tuyệt đối. Các tỉnh thành trong cả nước phụ thuộc vào tình hình của địa phương để quyết định tổ chức hay không và nếu tổ chức thì với hình thức an toàn nhất.

“Dù không có Ngày thơ Việt Nam nhưng các nhà thơ có thể tự tạo ra ngày thơ theo cách riêng. Rất may chúng ta có phương tiện 4.0 như trực tuyến trên mạng xã hội facebook, zalo, ngày thơ trên truyền hình. Cho dù không tổ chức ở không gian nhất định, không tập trung đông người nhưng tinh thần thơ ca vẫn được lan tỏa”, nhà văn Nguyễn Quang Thiều thông tin.

Chẳng hạn một nhóm nhà thơ sẽ quây quần ở gốc đa tại trụ sở báo Nhân Dân (Hàng Trống) để livestream đọc thơ, nói chuyện về thơ. Nguyễn Quang Thiều cũng hẹn đọc một số bài thơ và đưa lên facebook. Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên và Diễn đàn văn chương Quán Chiêu Văn tổ chức thi thơ trực tuyến chủ đề “Tổ quốc và Mẹ”, thành viên giám khảo gồm các nhà thơ Văn Công Hùng, Nguyễn Thúy Quỳnh và Đoàn Văn Mật. Hơn 500 bài thơ từ 168 tác giả hưởng ứng, chọn ra 31 tác giả vào chung kết và trao giải.

Ngày thơ Việt Nam năm nay ban đầu có chủ đề Tổ quốc và Mẹ. Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cũng dùng facebook cá nhân kêu gọi các nhóm, các nhà thơ bàn về thi ca trong ngày Rằm tháng Giêng (ngày thơ thường niên trước dịch COVID-19) đảm bảo tinh thần lễ hội của thơ ca không đứt đoạn. Không áp đặt một chủ đề bàn luận về thơ ca năm nay, Chủ tịch Hội Nhà văn kỳ vọng người làm thơ, đọc thơ có thể nhìn nhận tinh thần thi ca trú ngụ và tác động không nhỏ trong đời sống tinh thần xã hội đương thời.

Một số nhà thơ Việt Nam từng tham gia liên hoan thơ quốc tế trực tuyến vừa qua. Đây cũng là gợi ý của nhiều người cầm bút gửi tới Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, tuy nhiên lãnh đạo Hội chưa vội vàng chuyển sang hình thức này. Bởi Hội muốn lắng nghe thêm góp ý để chuẩn bị kỹ càng hơn, theo cách tổ chức mới mẻ hơn và đa dạng hơn trong tương lai.

Bỏ hay giữ Ngày thơ?

Tới nay vẫn có những ý kiến về việc nên dừng tổ chức Ngày thơ Việt Nam. Nhà văn Nguyễn Quang Thiều cho rằng dứt khoát phải duy trì ngày hội của thi ca. Bởi Ngày thơ Việt Nam là đặc điểm riêng có cho đất nước nhiều người yêu thơ. Các nước khác không có ngày thơ, nhưng họ có liên hoan thơ quốc tế, có thể kéo dài 5 ngày tới một tuần. Nguyễn Quang Thiều từng dự liên hoan như thế ở Colombia và một số nước khác, thơ ca thậm chí được trình diễn như carnival trên đường phố. “Chỉ có điều từ sang năm chúng tôi phải xem lại về cách tổ chức- bớt lễ đi và tăng thêm hoạt động thơ ca có tính chuyên môn sâu hơn. Như thế chúng ta vừa giữ được ngày hội cho thơ ca Việt Nam vừa phù hợp với tinh thần lễ hội tháng Giêng, mùa xuân cũng như truyền thống văn hóa Việt”, Nguyễn Quang Thiều nêu.

Ngày thơ Việt Nam đi qua gần 20 năm tổ chức, hầu như năm nào cũng có sạn và nhiều điều chê trách, nhất là lỗi chính tả, lỗi in ấn và nhầm lẫn không đáng có ở khâu tổ chức. Nhìn thẳng vào thực tế, nhà văn Nguyễn Quang Thiều thừa nhận, những năm trước ngày thơ được tổ chức luôn cập rập. Cựu Chủ tịch Hội bận rộn với việc Hội Nhà văn, Liên hiệp các Hội VHNT VN, vì thế thường sát Tết mới bàn tới tổ chức Ngày thơ.

“Từ năm nay chúng tôi chuẩn bị rất sớm, có thể từ đầu quý 2 đã phải chọn lọc những bài thơ hay để in ấn một cách tốt nhất. Ngày thơ thường niên rồi, không có lí do gì để sát sạt ngày diễn ra mới chạy đôn đáo chuẩn bị. Chúng ta có cơ hội chuẩn bị kỹ hơn chắc chắn tránh được sai sót không cần thiết”, Nguyễn Quang Thiều nói.

Mong muốn duy trì Ngày thơ Việt Nam, lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam vạch ra nhiều việc cụ thể phải xắn tay lên làm để có được ngày hội chất lượng thật sự. Đó là những sản phẩm được in ấn sau mỗi Ngày thơ để thấy rõ hơn diện mạo, tiến trình phát triển thơ ca hằng năm. Đó là các hoạt động chuyên sâu hơn các trường đại học, thư viện, trung tâm nghiên cứu thay vì chỉ có một ngày hội ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Và tham vọng hơn là mỗi năm sẽ mời một nhà thơ quốc tế danh tiếng, hoặc đưa các hiện tượng thơ trong năm thành khách mời đặc biệt.

Thơ COVID-19

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều cho hay nhiều người viết mượn cớ đại dịch để đặt ra các chủ đề lớn hơn: COVID-19 là một trong những thách thức nhân loại phải đối mặt, khi đối đầu với nó con người phải chứng tỏ bản lĩnh. Thơ viết về dịch bệnh nhan nhản nhưng liệu đọng lại được bao nhiêu? Nguyễn Quang Thiều cho rằng có những bài đúng là đơn giản tường thuật vấn đề, sự kiện, hoặc trực tiếp ngợi ca những tấm gương ở tuyến đầu chống dịch. Thế nhưng vẫn có những bài thơ nói lên tầng sâu hơn về con người, cách sống, đạo sống, thái độ của con người. Con người nhìn lại con đường hành xử với thiên nhiên, đặc biệt với trái đất họ cư trú. 

“COVID-19 cũng là hiện tượng đời sống. Mọi bài thơ đều bắt nguồn mạch cảm hứng từ hiện thực nhỏ bé và ngắn ngủi đó. Khi đại dịch qua đi, tôi tin rằng có thời gian lùi lại người ta có thể lấy COVID-19 làm hoàn cảnh sáng tác ra những tác phẩm có giá trị và nghệ thuật đạt đến đỉnh cao”, Nguyễn Quang Thiều nói.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.