Nghệ sĩ trẻ, hoang mang...

Tọa đàm nhân triển lãm Nghệ sĩ trẻ đang làm gì?. Ảnh: Duy nghĩa
Tọa đàm nhân triển lãm Nghệ sĩ trẻ đang làm gì?. Ảnh: Duy nghĩa
TP - Với hai triển lãm của họa sỹ trẻ vừa diễn ra, người xem có thể biết hôm nay họ đang làm nghề trong hoang mang và bế tắc nhiều hơn là nghiêm túc, chuyên nghiệp, nhưng biết đâu đấy trong lần sau...

Trong tuần vừa rồi, hai triển lãm của các họa sĩ trẻ ở quanh Hà Nội gây chú ý ít nhiều với công chúng yêu mỹ thuật. Triển lãm thứ nhất có cái tên thật cắc cớ: Ba ba, của nhóm bảy đồng môn K47- khoa Hội họa, Đại học Mỹ thuật Việt Nam, từ ngày 14 đến 18/3. Họ chung tiền thuê địa điểm ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam để “chơi cuộc này”.

Triển lãm thứ hai có cái tên thời sự: Nghệ sĩ trẻ đang làm gì?, tập hợp 67 sáng tác của 65 tác giả, trong đó tuyệt đại đa số là tranh vẽ, bên cạnh một vài bức điêu khắc nhỏ và tác phẩm không biết nên gọi là gì. Đây là triển lãm đầu năm của CLB họa sĩ trẻ thuộc Hội MTVN, tiếp theo chủ đề triển lãm năm trước có tên cũng gây thảng thốt không kém: Nghệ sĩ trẻ đang nghĩ gì?

Ba ba của bảy người

Quả là có ba bảy đường đi sau khi học xong Đại học MTVN. Trong nhóm bảy người này, người duy nhất tạm coi là họa sĩ toàn thời gian (full -time) là Nguyễn Thế Hùng, nghệ danh Hùng “mán”, được biết đến với những bức tranh cắt dán hoặc tổng hợp chất liệu và hình ảnh phụ nữ cùng những mẫu hoa văn phổ biến trong mỹ thuật Bắc bộ truyền thống như mây, hoa cúc, hoa sen.

Nghệ sĩ trẻ, hoang mang... ảnh 1

Phạm Văn Hoàng, Nuôi tác phẩm, tổng hợp, 50cm x 40cm x 40cm, ảnh chụp lại của Duy Nghĩa

Người thứ hai cũng mới trở lại làm họa sĩ full- time là Trịnh Minh Tiến, đang nổi lên như một gương mặt đáng chú ý với các bức tranh cực thực, gây tranh cãi nhỏ to trong giới là có can thiệp của nhiếp ảnh và công nghệ in kỹ thuật số hay không. 

Còn những người khác, có người thì đến triển lãm này mới vẽ trở lại sau sáu, bảy năm kể từ khi ra trường. Có người vẫn túc tắc vẽ như một họa sĩ chủ nhật, có thời gian và hứng thú thì làm. Họ kiếm sống với đủ loại việc, bên cạnh các hoạt động nghệ thuật đương đại hoặc làm giảng viên đại học.

Không khó để nhận ra sự chênh lệch về kỹ thuật tạo hình của chính các đồng môn này, dù không ít người trong số họ từng được giới thiệu là học hình họa vững nhất lớp. Có những bức mà thật khó để được gọi là bài tập hình họa vững vàng, chưa nói đến ý tưởng hay ý niệm gì đó hay ho. 

Có bức lại trông giống như phong cách tranh Klimt, họa sĩ danh tiếng người Áo từ cuối thế kỷ XIX. Có những bức nude gây khó chịu vì người vẽ dường như không biết đâu là ranh giới giữa thẩm mỹ và dung tục. Cộng thêm với những ý niệm nghệ thuật tưởng như “cập thời” mà thực ra là ngô nghê, kiểu như nói về gái đẹp trên internet chẳng hạn...

Ngược lại, những bức tranh bút sắt của Nguyễn Đức Hùng hoặc tranh đồ họa in kẽm nóng của Trương Triều Dương, tuy không có hấp lực thị giác tức thời như sơn dầu, song lại khá cuốn hút bởi sự nghiêm túc và tỉ mỉ, giàu cảm xúc và suy tư, cho dù câu chuyện mà họ muốn trình bày vẫn là những mảnh ghép cuộc sống thường nhật, không có gì đặc sắc.

Triển lãm gây chú ý trong dư luận nghề nghiệp vì có 4 bức tranh không được treo do nhạy cảm quá mức trong cách thể hiện nude. Nhưng có lẽ, nếu nghiêm khắc hơn với chính mình, nhóm nghệ sĩ nên tìm một người tư vấn nghệ thuật độc lập, có một cái nhìn khách quan hơn về những gì họ đang làm để giúp họ có được một triển lãm hội họa tinh lọc hơn cả về kỹ thuật thể hiện lẫn ý niệm nghệ thuật, tương xứng hơn với hình thức một triển lãm của cả một nhóm đồng môn đại học Mỹ thuật cùng bao chi phí tổ chức.

Hoang mang và bế tắc?

Trong triển lãm này của CLB họa sĩ trẻ, phải nói là thêm một lần, người xem được chứng kiến khoảng cách khá lớn, hệt như trong triển lãm Ba ba, giữa các nghệ sĩ trẻ về cả kỹ thuật tạo hình lẫn ý niệm nghệ thuật.

Nghệ sĩ trẻ, hoang mang... ảnh 2

Hoàng Duy Vàng (chủ nhiệm CLB họa sĩ trẻ), Không hiểu, tổng hợp, 50cm x 50cm, ảnh chụp lại của Duy Nghĩa

Có không ít bức vẽ cho thấy tác giả thực sự nghiêm túc với nghề nghiệp như một số nữ nghệ sỹ vẽ lụa, sơn mài. Có những bức tranh cho thấy tác giả quả là muốn đứng yên để an toàn. Và thật nhiều bức tranh lẫn điêu khắc khác cho thấy nghệ sĩ hoang mang, không biết chính mình đang làm gì, đang nói gì với nghệ thuật. Đến mức có người còn vô tình (hay cố ý?) ảnh hưởng tranh của chính những người cũng trẻ như mình nhưng kịp có chút tiếng tăm hơn mình nhờ làm triển lãm riêng.

Không phải ngẫu nhiên mà trong tọa đàm kết thúc triển lãm, họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Ủy viên thường vụ BCH Hội MTVN, người được giao trách nhiệm với lớp nghệ sĩ trẻ, đã thẳng thắn cho rằng: Trang mới của mỹ thuật đương đại Việt Nam vẫn để trắng, chờ các bạn trẻ! 

Ông cũng không ngần ngại đề cập đến sự hoang mang và bế tắc của những cây cọ trẻ hôm nay vì dường như họ làm gì, vẽ gì cũng dễ dàng đụng phải người đi trước. Nhưng có lẽ, ông muốn họ tự hiểu ra một điều muôn năm cũ: Tâm hồn nghệ sĩ thì chẳng có của ai giống của ai cả, chỉ có điều nghệ sĩ trẻ có muốn lắng nghe lại tâm hồn họ dành cho nghệ thuật như thế nào hay không mà thôi. Vì thế mà ông đã nói đến sự trung thực và tận tâm cho nghệ thuật nữa.

Còn ông Lê Quốc Bảo- một lão làng trong hội MTVN thì cho rằng, CLB Họa sĩ trẻ của Hội là sướng nhất cả nước vì có hội bảo trợ cho một năm triển lãm vài ba lần, các CLB trẻ ở Huế, Đà Nẵng, TPHCM đều chết yểu rồi. Vì thế mà các nghệ sĩ trẻ càng phải trân quý điều kiện này để mà sáng tạo cho tốt.

Những ồn ào hoan hỉ của một khai mạc triển lãm rồi cũng trôi qua. Sau đó, cái lắng lại trong mỗi nghệ sĩ trẻ có thể là gì, cũng tùy tạng người. Với người xem triển lãm, có lẽ chỉ là không nên thôi hi vọng về họa sĩ trẻ…

MỚI - NÓNG