Nghệ sỹ Chí Trung phủ nhận chơi thân Bộ trưởng Đinh La Thăng
> Chí Trung 'Táo Giao thông' - Tiếc nuối và dấu ấn kinh điển
> Chí Trung tươi rói bên vợ sau khi bỏ Táo Giao thông
Nghệ sỹ Chí Trung phủ nhận thông tin cho rằng, ngoài đời nghệ sỹ chơi thân với Bộ trưởng Đinh La Thăng nên có chút áp lực khi vào vai Táo Giao thông.
Lý giải cho việc mình rời khỏi vai Táo Giao thông, Chí Trung cho biết thật ra là vì anh thấy “nói mãi cũng nhàm, trong khi người ta có tiến bộ đấy chứ.” Dù anh vẫn được mời vào vai diễn này nhưng Chí Trung nhất định từ chối. “Thực tế là tôi vẫn được mời vào vai Táo Giao thông, nhưng tôi thực sự muốn đổi sang một vai diễn khác mới mẻ hơn”.
Ngay sau khi Chí Trung quyết định từ bỏ vai Táo Giao thông- vốn đã trở thành "thương hiệu" của anh, đã có thông tin cho rằng, nguyên nhân sâu xa của việc từ bỏ này là do ngoài đời, Chí Trung chơi rất thân với Bộ trưởng Đinh La Thăng.
Trả lời về thông tin này, Chí Trung cho biết: “Tôi cũng nghe nhiều người nói, tôi chơi với anh Thăng (Bộ trưởng Đinh La Thăng – PV) nên tôi “chùn chân” nhưng xin thưa không phải. Tôi chẳng việc gì phải sợ ai cả, thân hay không thân cũng không liên quan.
Anh Thăng vẫn là Bộ trưởng còn tôi vẫn là Táo. Nhưng những gì người ta sai thì mình nói, người ta làm tốt thì phải ghi nhận. Nhiều người nói là nếu người ta làm tốt thì anh khen ngợi đi. Nhưng xin thưa là hài kịch không có chức năng khen ngợi, hài kịch là phê phán, là chọc ngoáy. Mà nếu như chúng tôi khen, người ta lại nói là “ôi dào, thân nhau nên khen nhau thôi.” Đấy, như thế càng mệt hơn”.
Chí Trung cho biết thêm, “Nói thẳng luôn, tôi, anh Đỗ Thanh Hải là đạo diễn, anh Trần Bình Minh là giám đốc VTV, chúng tôi chẳng chịu áp lực của ai cả. Áp lực là ở chính mình, chúng tôi không muốn “giết chết” chính nhân vật của mình. Bạn biết những năm “Táo” thành công, ra đường ai gặp mình cũng hồ hởi, cũng tâm đắc, mình cũng sướng lắm. Có những năm người ta vừa xem xong, gặp mình người ta ơ hờ: “Anh Trung ạ” rồi lại cúi mặt xuống. Người ta không chê mình nhưng thái độ người ta như thế thì chúng tôi cũng buồn lắm...”
Quan điểm của Chí Trung là khen hay chê cũng cần phải thuyết phục, không thì thôi, đừng làm. “Tôi nghĩ muốn nói xấu ai đó thì phải nói xấu cho đúng, cho hay, cho thuyết phục. Năm trước, năm kia thì đúng là có nhiều chất liệu, năm ngoái đã “cố quá” rồi, năm nay thì sao? Đường, cầu đã được xây, ý thức người dân cũng tốt lên nhiều... Những vấn đề như đường xá lún, cầu cống sập... vẫn là có nhưng đỡ hơn mọi năm rất nhiều. Bây giờ mà cứ “chọc ngoáy” mãi lộ... thì nói mãi cũng nhàm.”
Chí Trung cho biết thêm, năm nay còn có nhiều vấn đề nổi cộm hơn mà chương trình “Táo Quân” nên nói tới, ví dụ như Y tế, Giáo dục... “Chắc chắn là y tế năm nay có nhiều việc để nói, kiểu gì cũng có một nhân vật “đặc thù” xuất hiện. Giáo dục cũng có nhiều vấn đề. Ví dụ như Bà mẹ Việt Nam anh hùng được cộng điểm khi đi thi đại học... Tôi nghĩ những vấn đề như vậy mới là những vấn đề đáng nói tới.”
Không đóng Táo Giao thông nữa, Chí Trung cũng không vì thế mà nhàn hạ hơn, anh nói mình sẵn sàng đóng bất kỳ một vai nào trong “Táo Quân”, miễn không phải là Táo Giao thông. Hơn nữa, anh cũng bận rộn với việc “mang quân đi đánh xứ người” khi cùng với gần 50 nghệ sĩ của Nhà hát Tuổi trẻ “Nam tiến”. Với vị trí là Phó giám đốc nhà hát Tuổi trẻ, phụ trách tới 4 đoàn kịch, có thể nhận thấy rõ Chí Trung bận rộn tới mức nào, tuy nhiên anh vẫn “đóng” hẳn một tháng ở Sài Gòn để diễn kịch.
Mặc cho nhiều người nói mang kịch Bắc vào Nam chỉ như “gánh củi về rừng”, bởi sân khấu kịch miền Nam sôi động bao nhiêu thì sân khấu kịch miền Bắc èo uột bấy nhiêu. Hơn nữa, chất kịch Bắc khá kén khán giả miền Nam, kể cả hài kịch.
Chí Trung khẳng định, “Bạn thấy sân khấu kịch Hà Nội im ắng, sân khấu kịch miền Nam sôi động, điều đó hoàn toàn chính xác thôi. Nhưng so sánh tương quan lực lượng giữa các ngành nghề, cơ sở hạ tầng... thì điều đó lại chưa hẳn chính xác. Tôi nói ví dụ tỉ lệ nhà hàng ăn uống ở đây chắc gấp cỡ 100 lần Hà Nội, nhưng số lượng sân khấu gấp thế là còn ít đấy. Hơn nữa, việc mang kịch Bắc vào Nam không có gì lạ hết, bởi chúng tôi đã từng nhiều lần làm rồi. 8 năm gần đây tôi không “Nam tiến” là bởi tôi quá bận với công việc ngoài kia.”
Theo Chí Trung, “Nhân 25 năm ngày mất của anh Lưu Quang Vũ, chúng tôi mang hai vở kịch là “Lời thề thứ 9” và “Mùa hạ cuối cùng” vào miền Nam để “thắp lại lửa” như cách chúng tôi đã làm “rực lửa” Hà Nội trong 12 suất diễn trước. Hơn nữa, lớp khán giả trước đây từng mê Lưu Quang Vũ cũng muốn thưởng thức lại, còn lớp trẻ hẳn sẽ tò mò xem những giá trị mà các ông bà, cha mẹ, cô dì... mình yêu thích là gì? Hơn nữa người Bắc ở miền Nam rất đông, tôi chẳng lo gì không có khán giả.”
Tuy “nói cứng” là thế, nhưng Chí Trung cũng thừa nhận anh có nhiều lo lắng, dù mang hai vở kịch nổi tiếng, dù mang theo thương hiệu “Đời cười” cũng rất nổi tiếng và quen thuộc. Anh ví von rất hài hước rằng anh cần phải “làm quen” lại với khán giả miền Nnam bởi “vợ chồng xa nhau đi công tác một tháng, tối đầu tiên về cũng cần phải “làm quen” lại từ đầu nữa là...” Mang quân “Nam tiến” một tháng trời, tiền ăn ở, đi lại... của anh em cũng khiến ông phó giám đốc đau đầu. “Tiền ăn ở thì cập rập ngay trước mắt mà chưa thấy khán giả đâu.”
Nói là “làm quen lại” với khán giả miền Nam nhưng không vì thế mà các nghệ sĩ miền Bắc phải “ép” mình theo phong cách miền Nam để chiều khán giả. Chí Trung thừa nhận “điều ngu xuẩn nhất của những kẻ đi gây dựng ước mơ là trộn lẫn những giấc mơ của các vùng miền lại với nhau. “Chúng tôi là “phở Bắc” thì vào Nam chúng tôi phải bán phở Bắc chứ, không lẽ bán bò kho, hủ tíu thì người ta mua của chúng tôi làm gì? Nếu tôi vào đây mà tôi giống anh Thành Lộc, giống chị Hồng Vân thì chúng tôi vào đây làm gì? Đây có phải là hội diễn đâu?”
Chí Trung là thế, nói gì, làm gì cũng suy tính thấu đáo. Như cách anh thừa nhận mình “không được như Thành Lộc hay Lê Khanh, những con thiêu thân cứ thấy ánh lửa là lao ngay vào, là hi sinh hết cho nghệ thuật. Tôi thuộc tip cứ phải bay vòng vòng quanh đốm lửa đó khoảng vài ngàn lần, coi lao vào thì có chết không, có được gì không rồi mới thử.”
Theo Phan Anh
Dân Trí