Vợ chồng nghệ sỹ Tạ Am từng bán… cơm bụi

Vợ chồng nghệ sỹ Tạ Am từng bán… cơm bụi
NSƯT Tạ Am “lên phim” thường là trọc phú, trùm buôn lậu, “lão gia” lắm tiền. Thế nhưng, ít ai biết đằng sau sân khấu, “lão gia” ấy đã từng có những tháng ngày khốn khó, theo gánh tạp kỹ, bán cơm vỉa hè...
Nghệ sỹ Tạ Am (phải) trong một cảnh phim Tết 2014. Ảnh: Gia đình Xã hội
Nghệ sỹ Tạ Am (phải) trong một cảnh phim Tết 2014. Ảnh: Gia đình Xã hội.

Nghệ sỹ… bán cơm

Nghệ sỹ Tạ Am đến với sân khấu như sự sắp đặt của cuộc đời. Ít ai biết được rằng ông đã từng theo học Trường Trung cấp Sư phạm Hà Nội để trở thành nhà giáo.

Tuy nhiên vào năm 1963, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn ác liệt, chàng thanh niên Tạ Am đã bỏ dở việc học để viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Vào bộ đội, ông được phát hiện khả năng diễn xuất và trở thành văn công sư đoàn, nhưng vài năm sau lại phải xuất ngũ vì lý do sức khỏe.

Tạ Am không trở lại học tiếp mà quyết định thi tuyển vào Đoàn kịch Hà Nội (nay là Nhà hát kịch Hà Nội) để theo đuổi nghiệp diễn. Khi đó Đoàn kịch đang tập vở “Hà Nội đầu năm 1946”, ông được cho thử vai một người tẩm quất. Tạ Am đội mũ, tay cắp chiếu, tay quơ gậy và rao "tẩm... quất".

Chữ "tẩm" kéo trầm xuống, còn chữ "quất" vút cao khá ấn tượng khiến ông được tuyển chính thức vào đoàn. Tuy nhiên, trong những năm tháng công tác tại đây, Tạ Am toàn được giao vai chính diện, nhưng chỉ là “kép phụ”.

Nhưng chính sân khấu kịch nói đã giúp ông tìm được một nửa của đời mình. Vợ ông là con gái của NSƯT Tuấn Nghĩa – nguyên Trưởng đoàn cải lương Chuông Vàng và NSƯT Kiều Oanh thuộc đoàn cải lương Kim Phụng.

Gia đình ông không ai theo nghệ thuật còn gia đình vợ có truyền thống cải lương, bản thân vợ ông cũng là thành viên của đoàn kịch Hà Nội. Nhưng để đến được với nhau phải vượt qua quy định của đoàn, vợ ông đã chấp nhận rời khỏi đoàn.

Những năm 1990, cả gia đình chỉ trông vào đồng lương ít ỏi của ông ở nhà hát kịch, cuộc sống quá chật vật, ông xin về hưu sớm (khi chưa đến 50 tuổi).

Gia đình ông chuyển về ở nhà vợ tại số 4 Nguyễn Hữu Huân, ông tâm sự: “Gia đình vợ đều là nghệ sỹ của đoàn cải lương nên cũng chả phải khấm khá gì.

Tiếng là chuyển về ở cùng nhưng là cùng số nhà thôi vì nhà cũng chẳng rộng rãi, các cụ tầng trên, dưới sân có cái bếp nho nhỏ và để xe. Hai vợ chồng tôi cơi nới cái nóc phía trên bếp được khoảng 12m2 và ở tạm. Rồi bàn nhau: Nếu cứ sống thế này thì khổ quá nên quyết định mở hàng cơm.

Hai vợ chồng nghệ sỹ mà chẳng khác gì con buôn. Sáng dậy sớm đun nấu, chuẩn bị đồ ăn ở gian bếp bé tí tẹo rồi cho vào thùng đẩy ra khoảng vỉa hè phía trước bán từ 10h – 13h; nghỉ ngơi 1 tiếng là bắt tay vào chuẩn bị cơm chiều luôn.

Thuở đấy bán hàng cơm thì vất vả mà thu nhập chỉ đủ miệng ăn, 3 vợ chồng con cái toàn ăn cơm thừa canh cặn. Thế mà cũng cố được 2 năm đấy. Cuộc sống, vợ con mà khổ sao toàn tâm toàn ý cho đam mê được.”

Bươn chải cuộc đời

Hơn 20 năm tại Nhà hát kịch Hà Nội, toàn đóng những vai chính diện làng nhàng (những vai trung bình ) khiến Tạ Am hầu như không được người xem biết đến - mặc dù có khả năng. Gánh nặng của người trụ cột gia đình và nỗi lo cơm áo gạo tiền khiến những nghệ sỹ như Tạ Am không thể cống hiến hết mình cho nghệ thuật.

Ông tâm sự: “Người ta nói có thực mới vực được đạo mà dạo đấy khó khăn quá, nên đành chơi kiểu “nhà văn kiêm con buôn” đi theo một gánh tạp kỹ diễn dọc Bắc Nam, diễn từ chính kịch đến hài kịch. Gần 10 năm tôi đi “lưu diễn” như thế, đi từ Bắc vào Nam không có chỗ nào không đặt chân đến. Vất vả và nguy hiểm, có đến 2 lần suýt chết đấy.

Lần thứ nhất, đi diễn ở Vinh, cả xe ô tô của đoàn lao xuống giữa đầm sen vào khoảng 2h30 đêm, may mà nước chỉ ngập đến bụng, xe bị nghiêng nên mọi người mở cửa chui ra và lội vào bờ. Lúc bấy giờ, đường vắng tanh, không một bóng người, nói dại, nếu có làm sao thì cũng chẳng ai biết.

Lần thứ hai, đoàn đi diễn ở trại Thủ Đức. Xe đang đi trong khuôn viên trại giam thì phía trước có một đoàn tù nhân đi ngược chiều. Theo nội quy thì họ đứng lại ngả mũ chào cán bộ.

Bất ngờ bánh xe bị trượt xuống rệ ao mới đào sâu đến 2 – 3m… chúng tôi đứng tim cho đến khi hoàn hồn thì mới biết một nửa xe đã ở dưới ao… chứ nếu cả xe rơi xuống thì không biết thế nào. Ấy thế mà cuộc sống cũng có khấm khá hơn đâu”.

Ngẫm lại chặng đường nghệ thuật của mình, nghệ sỹ ngậm ngùi: “Mải khóc mải cười với các nhân vật trên sân khấu chứ cuộc đời mình cũng đáng khóc lắm.

Năm 1994 mẹ tôi qua đời, lúc đó vẫn đang chuyến hành trình Bắc Nam nên tôi cũng không biết được mà về. Tôi là con trưởng dưới còn 2 người em. Đáng lý việc này tôi phải đứng ra lo liệu nhưng công việc cuốn đi, khi về đến nhà thì mọi người đã lo chu toàn”.

Cho tới năm 2000 trở về đây, ông bắt đầu được khán giả đón nhận khi chuyển sang cộng tác với Hãng phim Truyền hình Việt Nam bằng những bộ phim truyền hình.

Dấu ấn đầu tiên là “Chớm nắng” của đạo diễn Vũ Minh Trí. Kể từ đó, ông liên tiếp nhận vai trong seri phim Cảnh sát hình sự như: Cổ cồn trắng, Tuyết đen, Cô gái đến từ Bangkok, Đằng sau tội ác.

Ngoài ra, ông còn tham gia một số phim khác “Blog nàng dâu”; dài hơi nhất và ghi điểm trong lòng công chúng với vai diễn Lý Hào “trưởng giả học làm sang” trong phim “Cầu vồng tình yêu”.

Có duyên với truyền hình là thế nhưng nghệ sỹ Tạ Am vẫn “nuối tiếc” sân khấu kịch.

Ông bảo: “Tôi vẫn mê kịch lắm. Điện ảnh rất đời thường nhưng khi diễn thì làm sao được bằng sân khấu. Có những cảnh xúc động mà diễn đi diễn lại, quay đi quay lại thì cuối cùng còn nước mắt, cảm xúc đâu mà diễn. Nhưng kịch thì khác, tôi có thể điều chỉnh vai diễn, quan trọng là đo được phản ứng của khán giả mà điều chỉnh vai diễn. Vui nhất là có khán giả trực tiếp”.

Theo An Khánh
Gia đình Xã hội

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG