Nghề nào dễ xin việc trong tương lai?

TS.Trần Văn Tình chia sẻ thông tin với học sinh trường THPT Việt Đức, Hà Nội tại buổi tọa đàm
TS.Trần Văn Tình chia sẻ thông tin với học sinh trường THPT Việt Đức, Hà Nội tại buổi tọa đàm
TPO - Chỉ còn một học kỳ nữa lại đến mùa thi, mùa tuyển sinh. Nhưng với nhiều gia đình, cuộc chiến “chọn nghề” cho con dường như chưa có hồi kết.  

Tại Tọa đàm cung cấp thông tin dự báo thị trường lao động và tư vấn hướng nghiệp phục vụ tuyển sinh ĐH 2019 do Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và cung ứng nhân lực, Bộ GD&ĐT tổ chức vừa qua, các chuyên gia đã có những chia sẻ hữu ích cho các em học sinh trước ngưỡng cửa chọn nghề sắp tới.

“Vừa qua,  cả gia đình một em học sinh ở trường THPT chuyên Trần Phú, Hải Phòng lên Hà Nội gặp tôi chỉ để xin ý kiến mỗi việc bố mẹ muốn con học kế toán để sau này ra có thể làm việc tại công ty gia đình nhưng con lại có tâm hồn bay bổng, muốn học dầu khí để ra biển khơi. Vậy tư vấn thế nào để phụ huynh, học sinh nhận ra  được nên chọn nghề nào là tốt nhất?” – TS.Trần Văn Tính, giảng viên trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội chia sẻ.

TS.Tính cho biết ông gặp rất nhiều những trường hợp như gia đình em học sinh ở trường chuyên Trần Phú, Hải Phòng kia. Có trường hợp sau đó bố mẹ phải theo con nhưng cũng có trường hợp con phải theo bố mẹ. Như vậy cái gì đúng thì theo, cái gì hợp lý thì định hướng cho con.

Chính vì vậy, TS. Trần Văn Tính cho rằng trước khi hướng nghiệp cho học sinh, cho con, phụ huynh cũng như giáo viên cần trả lời một số câu hỏi: Nghề phát triển như thế nào; Nghề nào phát triển tốt nhất, dễ xin việc nhất; nghề nào là nghề danh giá; Nghề nào thu nhập cao nhất; Học ĐH có phải là con đường duy nhất để thành công không; Chọn một ngành học có phải là công việc của cả đời không; Cần phải học gì để thành công.

Trả lời các câu hỏi này, TS. Trần Văn Tính cho rằng trong xã hội luôn có nghề mới xuất hiện. Hiện nay một số nghề mới đã xuất hiện như nghề đại diện thương hiệu (PG), nghề kinh doanh online. Theo thống kê, năm 2016, 60% giá trị hàng hóa giao dịch tại thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc là do bán hàng online. Xu thế này cũng đang phát triển ở Việt Nam. Nghề kiểm định cũng là một nghề mới. Nghề tổ chức sự kiện. Rồi nghề làm đẹp. Ở Hàn Quốc, nghề làm đẹp mang lại cho đất nước này  20% GDP.

Tuy nhiên, TS.Tính cho rằng bên cạnh những nghề luôn thay đổi thì có những nghề dù xã hội phát triển đến đâu cũng không thay đổi. Ví dụ như nghề dạy học. Đặc biệt là nghề giáo viên mầm non.

Vậy nghề nào là nghề dễ xin việc nhất? TS. Tính đặt câu hỏi. Theo ông, nghề dễ xin việc nhất thời gian tới có thể là công nghệ xe hơi, thực phẩm chức năng.

“Chọn được rồi nhưng nếu xét thấy năng lực của bản thân không đáp ứng được hay phù hợp được đòi hỏi của nghề thì cũng không được” – TS. Tính nhấn mạnh.

TS Tính cũng cho rằng các phụ huynh và học sinh cần xóa bỏ định kiến về nghề danh giá để lựa chọn ngành nghề phù hợp.

“Nghề danh giá là nghề đem lại giá trị cho xã hội, phát triển và đáp ứng nhu cầu của cá nhân, giữ được nhân cách con người tốt đẹp. Như vậy, không nên so sánh nghề này với nghề kia bởi nghề nào đáp ứng được những tiêu chí đó cũng đều danh giá”.

Ngoài ra, ông còn đặc biệt đề cao tính chuyên nghiệp của mỗi nghề. Ông lấy ví dụ, cũng là gà rán, tại sao gà rán KFC lại đắt dù không ngon hơn gà rán thủ công? Vì đơn giản, họ có sự chuyên nghiệp và sự chuyên nghiệp đó được thể hiện bằng thương hiệu.

Trí tuệ nhân tạo sẽ thâm nhập vào cả những lĩnh vực chuyên môn cao

Ông Nguyễn Thế Hà, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực, Bộ GD&ĐT cho biết CMCN 4.0 sẽ có tác động mạnh mẽ tới mọi mặt đời sống, kinh tế, xã hội, chính phủ, doanh nghiệp/kinh doanh, tổ chức, cá nhân, an ninh…

Thứ nhất,tác động đến số lượng, chất lượng việc làm thông qua sự thay thế sức lao động bằng máy móc, rô-bốt, trí tuệ nhân tạo và ứng dụng công nghệ thông tin đối với một số ngành, nghề đang diễn ra nhanh chóng thâm nhập nơi làm việc trên thị trường lao động Việt Nam. Điều này cũng sẽ làm thay đổi bản chất của việc làm, sẽ làm một số công việc biến mất nhưng đồng thời sẽ tạo ra nhiều công việc mới như Uber hay Grab taxi. Thậm chí, không phải là những công việc nặng nhọc mà cả những công việc đòi hỏi chuyên môn cao như luật sư, các nhà phân tích tài chính, bác sĩ, nhà báo, kế toán…có thể được tự động hóa một phần hoặc hoàn toàn.

Thứ hai, tác động đến chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu cuộc CMCN 4.0.Theo nhiều nghiên cứu cho thấy, kỹ năng lao động cần thiết trong kỷ nguyên công nghệ mới ngoài yêu cầu cứng về kỹ năng kỹ thuật (mức trung bình và cao) bao gồm những kiến thức và kỹ năng chuyên biệt thuộc về CMKT nhằm thực hiện công việc cụ thể thì cần phải có những kỹ năng làm việc mềm hay cốt lỗi như: Khả năng tư duy sáng tạo và tính chủ động trong công việc, kỹ năng sử dụng máy tính, internet, khả năng ngoại ngữ, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng an toàn và tuân thủ kỷ luật lao động, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng tập trung.

Thứ ba, với nền tảng tảng công nghệ số, tích hợp tất cả các thông tin về công nghệ, quy trình, phương thức sản xuất, nhu cầu về ngành, nghề, kỹ năng...  và nhất là khả năng kết nối, chia sẻ trên toàn thế giới thông qua các thiết bị công nghệ... sẽ làm thay đổi cách thức kết nối giữa cung và cầu trên thị trường lao động.

 Thứ tư, tác động lớn đến công tác phân tích, dự báo thông tin thị trường lao động. CMCN 4.0 sẽ tác động mạnh đến số lượng, chất lượng hay bản chất chất của việc làm hiện tại và tương lai.

Chính vì vậy, việc định hướng nghề cho học sinh thời gian tới cần rất nhiều tham số tham khảo. Nghề nào phù hợp với con em mình, câu trả lời không dễ với bất cứ ai!

MỚI - NÓNG