Sau gần 15 năm các trường ĐH Việt Nam thực hiện đào tạo theo hình thức tín chỉ, sinh viên vẫn chật vật đăng ký môn học mỗi đầu học kỳ.
Từng 1 kỳ “thất học”
N.T.H, sinh viên trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết từ ngày vào trường đến nay, kỳ nào cũng có tình trạng website cổng thông tin đăng ký môn học của trường bị nghẽn. Có đợt nghẽn 1 - 2 tiếng đồng hồ, có đợt nghẽn lâu hơn.
Nhưng có lẽ H nhớ nhất là học kỳ II năm thứ nhất, em đã “thất học” đúng một học kỳ vì không đăng ký được môn học nào. “Tất nhiên là những môn Ngoại ngữ không phải đăng ký thì vẫn học bình thường vì do nhà trường sắp xếp lịch học. Còn những môn khác phải đăng ký thì em nhờ bạn em đăng ký hộ cũng không được bất kỳ một môn học nào. Cả học kỳ II năm đó em chỉ đến trường học tiếng buổi chiều, còn buổi sáng ở nhà chơi” - H chia sẻ.
N.T.H cũng cho biết thêm, cứ mỗi đợt đăng ký, em và các bạn chỉ mong đăng ký được đủ môn để học, không thể nói là được lựa chọn môn này hay môn kia.
Cũng là sinh viên của trường ĐH Ngoại ngữ, N.T chia sẻ : Khi vào trường, em được thông tin là hoàn toàn có thể làm chủ thời gian đăng kí những môn mình muốn vào giờ mình chọn. Nhưng sự thật là lần nào em vào đăng ký cũng khó khăn và nhìn thấy môn nào còn thì vơ vội chứ cũng không sắp xếp được thời gian gì hết”.
Còn V.H.H thì cho hay em đã ra trường được hơn 4 năm, mỗi lần nhớ về thời sinh viên thì "ám ảnh kinh hoàng nhất" chính là việc đăng ký môn học.
Một cựu sinh viên khác của trường thì phản ánh, cách đây 6 năm, khi còn học tại trường ĐH Ngoại ngữ, em cũng đã gặp khó khăn khi đăng ký lịch môn học. “Một vấn đề mà qua 6 năm vẫn chưa giải quyết được. Những tưởng chuyện của mình là những kỷ niệm vui. Nhưng so sánh với hiện tại, lại thấy một thoáng buồn” - cựu sinh viên này cho hay.
Theo Phó trưởng ban Đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội, ông Nguyễn Tiến Thảo, nếu đào tạo tín chỉ một cách chuẩn chỉnh như quy định của quốc tế thì sinh viên được phép chọn giảng đường, được phép chọn thầy, chọn giờ học, chọn môn học. Nhưng ở Việt Nam chưa làm được. Hiện sinh viên các trường mới được chọn môn học, chọn giảng đường. Còn chọn giờ học thì không phải tất cả và chọn giảng viên thì gần như không thể.
Ông Thảo cho hay, từ năm 2006, ĐH quốc gia Hà Nội đã triển khai đào tạo tín chỉ. Thi thoảng cũng có tình trạng nghẽn mạng. Còn sự việc tại trường ĐH Ngoại ngữ vừa qua là do sự cố đứt mạng internet.
“Nguyên nhân nghẽn mạng là do ĐH Quốc gia Hà Nội có khoảng gần 30.000 sinh viên. Các trường, khoa chia nhau thời gian đăng ký. Nhưng giai đoạn tiếp giáp giữa trường nọ với trường kia có nghẽn một chút. ĐH Quốc gia cũng đang tiến hành nâng cấp phần mềm, nâng cấp cơ sở hạ tầng để khắc phục” - ông Thảo nói.
Sinh viên có quyền lựa chọn giờ học phù hợp với mình nhất. Chính vì vậy xảy ra tình trạng có những lớp quá tải, có những lớp không có ai. Trường hợp chọn theo giờ mong muốn không đủ được nhưng không kịp quay về chọn giờ khác cũng là có.
Còn đại diện phòng đào tạo trường ĐH Hà Nội cho rằng không phải trường nào cũng có đường truyền internet có khả năng để chịu được một lượng lớn sinh viên truy cập. Không những thế sinh viên không chỉ truy cập một lần, mà càng chậm thì càng truy cập nhiều lần nên càng nghẽn mạng.
Ở ĐH Hà Nội, đợt vừa qua chỉ chậm chứ không sập mạng. Giải pháp mà trường đưa ra là thông báo sớm thời gian đăng ký cho sinh viên.Tuy nhiên thông báo sớm hay muộn thì đến thời điểm mở cổng hầu hết sinh viên đều có tâm lý ùa vào đăng ký.
Vị đại diện này cũng thừa nhận số lượng phòng học có thể đủ nhưng số lượng giảng viên giảng dạy khó đáp ứng nguyện vọng của sinh viên. Trường nào cũng vướng nếu số lượng sinh viên học quá ít trong một lớp. Vì thế, nên thực hiện theo hướng lớp nào dù đã lựa chọn, đã đăng ký rồi nhưng với số lượng không đủ vẫn phải chuyển sang thời điểm khác.
“Nếu sắm một máy chủ tốn khoảng chục tỷ chỉ để phục vụ đăng ký môn học cũng rất lãng phí. Trong khi máy đủ dùng thì lại không chịu tải được trong thời gian rất ngắn có lượng truy cập lớn. Chính vì vậy, trường dùng giải pháp công nghệ để giảm tải cho sinh viên”- vị đại diện của trường ĐH Hà Nội nói.
Theo PGS. Bùi Quốc Tính, trường ĐH Công nghệ Tokyo, Nhật Bản, sinh viên của Nhật đăng ký học tín chỉ rất nhàn. Họ không phải chật vật như sinh viên Việt Nam. Thậm chí, sinh viên còn có thể học thử một thời gian, nếu thích thì tiếp tục học tiếp, không thì hủy.