Nghề làm thúng chai ở Phú Yên, quen mà lạ…

0:00 / 0:00
0:00
TP - Làng Phú Mỹ (xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) là một trong những làng hiếm hoi ở tỉnh Phú Yên còn duy trì nghề làm thúng chai để phục vụ đi lại và đánh bắt hải sản. Sản phẩm thúng chai của làng Phú Mỹ hiện đã được xuất đi nhiều nước trên thế giới.

Kỳ công làm thúng thủ công

Làng Phú Mỹ đã sản xuất ra một loại thuyền phục vụ đi biển là thuyền thúng. Loại thuyền này thường được gọi là “thúng chai” vì nó đặt theo tên của dầu chai, loại dầu dùng để làm lớp chống thấm cho thuyền. Qua nhiều thế kỷ, phần lớn các cư dân trẻ của làng Phú Mỹ đã rời đi nơi khác để tìm kiếm công việc, nhưng ngôi làng vẫn gìn giữ được nghề làm thuyền thủ công nhờ tâm huyết của nhiều nghệ nhân tận tụy.

Nghề làm thúng chai ở Phú Yên, quen mà lạ… ảnh 1

Ông Trương Văn Trung tỉ mỉ làm nan bằng phương pháp thủ công cho thúng chai Ảnh: Công Hoan

Thời kỳ cao điểm có trăm hộ dân làng Phú Mỹ làm thúng chai, nhưng do thu nhập bấp bênh nên đến nay chỉ còn ít hộ bám trụ với nghề. Một trong số đó là cơ sở của vợ chồng ông Trương Văn Trung và bà Trương Thị Bích Kiều. Đến trực tiếp nơi họ làm thúng chai mới thấy rõ sự kỳ công, tỉ mẩn của những người thợ. Dùng chiếc chày lớn giã vào phần đáy thúng cho đều, ông Trung cho hay để làm ra một chiếc thúng chai đẹp phải chọn loại tre mỡ, không già cũng không non. “Tôi quê ở Nghệ An, vào đây sinh sống và làm thúng chai cũng đã ngót nghét hơn 20 năm rồi. Toàn bộ công đoạn làm thúng chai đều do hai vợ chồng làm hết. Làm thúng chai thủ công cực lắm, nên ít ai mặn mà với nghề này”, ông Trung tâm sự.

Nghề làm thúng chai ở Phú Yên, quen mà lạ… ảnh 2

Bà Trương Thị Bích Kiều trát phân bò và nhựa dầu rái lên thúng chai để chống thấm. Ảnh: Công Hoan

Nguyên liệu làm thúng chai của cơ sở ông Trung và bà Kiều là những cây tre được lấy từ nhiều khu vực ven sông Cái của huyện Tuy An. Sau đó, chúng được chẻ nhỏ, đều và đem phơi 4 - 5 ngày ngoài nắng. “Khâu then chốt là làm mê thúng (đáy thúng), tre được vót mỏng và đan đều khít với nhau. Tiếp đến là công đoạn lận vành. Người thợ đào hầm đất làm khuôn rồi đặt nguyên tấm mê thúng đã đan xong xuống hầm. Đây là một trong những công đoạn quan trọng quyết định đến chất lượng sản phẩm để chiếc thúng sau khi lận cả vòng thúng và vành phải tròn đều, cân bằng và không biến dạng”, ông Trung nói.

Ngay sau khi ông Trung hoàn thành chiếc thúng, bà Kiều lại lăn chúng ra ngoài phơi nắng, sau đó để đến công đoạn đặc biệt giúp thúng luôn bền chắc và có màu nâu óng như sáp ong. Bà Kiều bê từng xô phân bò tươi và trát đều lên mặt thúng. Cách làm này nhằm bịt kín các kẽ hở của nan tre. Sau khi lớp đầu tiên khô, thợ lại trét thêm lớp thứ hai. Đợi phân bò khô, bà Kiều dùng nhựa dầu rái quét thêm hai lớp. Những chiếc thúng chai của vợ chồng bà Kiều hoàn thiện sau đó sẽ được ngư dân trong và ngoài tỉnh mua về dùng khi ra khơi, khi đi câu mực ban đêm, hay khi tham dự lễ hội cầu ngư hàng năm.

Xuất đi khắp thế giới

Nghề làm thúng chai ở Phú Yên, quen mà lạ… ảnh 3

Du khách nước ngoài xem ông Trương Văn Trung làm thúng chai bằng phương pháp thủ công Ảnh: Công Hoan

Nhiều năm qua, thúng chai Phú Mỹ đã được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới như: Thái Lan, Thụy Sĩ, Nhật Bản… Vào năm 2009, nhân dịp sang Việt Nam tham quan di sản văn hóa miền Trung, giáo sư tên Kin (người Thái Lan) đã đến tận nơi làm ra thúng chai Phú Mỹ để tìm hiểu về phương tiện độc đáo này và lên kế hoạch nhập khẩu về Thái Lan cung cấp cho các điểm kinh doanh du lịch. Đến năm 2011, chuyến hàng đầu tiên xuất ngoại bằng đường thủy với khoảng 200 chiếc thúng chai đã trở thành sự kiện trọng đại của làng Phú Mỹ. Giáo sư Kin còn thuê hẳn một thợ đan thuyền thúng và một ngư dân Phú Yên sang Thái Lan hướng dẫn bà con đi lại bằng phương tiện độc đáo này trong một tháng. Sau lần đó, một số công ty ở TPHCM đã về Phú Mỹ đặt hàng thuyền thúng để xuất sang Thái Lan. Một năm sau, thúng chai Phú Mỹ tiếp tục đón đơn hàng 200 chiếc từ một công ty du lịch của Thụy Sỹ.

Nghề làm thúng chai ở Phú Yên, quen mà lạ… ảnh 4

Ông Trương Văn Trung tỉ mỉ nắn lại vành thúng chai trước khi đem bán. Ảnh: Công Hoan

Bà Phan Thị Hồng Tuyết - Phó Chủ tịch UBND xã An Dân, cho biết: Ưu điểm của thúng chai Phú Mỹ là rất khó bị lật khi đi biển, dễ xoay trong không gian hẹp bởi dạng hình tròn. Hơn nữa, thúng chai làm bằng tre khi bị rách, thủng có thể đem về trét và vá lại được. Một chiếc thúng chai thành phẩm, đạt chất lượng để xuất ra thị trường từ lúc đan mê đến khi hoàn tất phải mất thời gian khoảng 8 - 10 ngày. Nhờ nguồn nguyên liệu có sẵn, nên giá sản phẩm thúng chai Phú Mỹ thường thấp hơn các địa phương khác, mỗi chiếc dao động từ 1,5 - 3 triệu đồng tùy theo kích cỡ và số nan.

Theo bà Phan Thị Hồng Tuyết, tại làng Phú Mỹ còn khoảng 10 hộ làm nghề làm thúng chai và hiện sản phẩm này đang được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. “Lãnh đạo xã khuyến khích các hộ gia đình tiếp tục giữ gìn và phát triển làng nghề đan thúng chai truyền thống. Đồng thời, xã có nhiều chính sách đẩy mạnh việc quảng bá sản phẩm đến gần người tiêu dùng và du khách thập phương nhằm tăng sức tiêu thụ, từ đó mang lại nguồn thu nhập tương xứng cho người dân sản xuất thúng chai”, bà Tuyết nói.

Để làng nghề truyền thống đan thúng chai Phú Mỹ tiếp tục phát triển và mang lại nguồn thu nhập cho người dân, UBND xã An Dân đã vận động người dân làng Phú Mỹ thành lập nhóm, tổ hợp sản xuất để đẩy nhanh việc thành lập thương hiệu sản phẩm. Sắp tới, xã này sẽ phối hợp với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Hội Nông dân tỉnh Phú Yên đầu tư một số trang thiết bị cho làng nghề để giảm bớt các công đoạn thủ công, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất cho sản phẩm thúng chai Phú Mỹ.

Ông Võ Văn Khương - Chủ tịch UBND xã An Dân, cho biết: Trước đây, làng Phú Mỹ có hàng chục hộ dân theo nghề làm thúng chai. Nhưng sau khi thúng composite ra đời, lao động đi biển ít sử dụng thúng truyền thống nên nhiều người đã bỏ nghề. Địa phương đang vận động người dân bám nghề, kết nối với các doanh nghiệp để tìm đầu ra cho thị trường, đăng ký sản phẩm OCOP để lan tỏa thương hiệu, tăng khả năng cạnh tranh cho thúng chai Phú Mỹ. Thúng chai của địa phương hiện đang được nhiều nước trên thế giới đặt hàng thông qua hộ bà Kiều, ông Trung.

MỚI - NÓNG