Chìm dần chợ nổi miền Tây - bài cuối: Bảo tồn văn hóa chợ nổi, hành động ngay

0:00 / 0:00
0:00
TP - Chợ nổi - một nét điển hình của văn hóa, cuộc sống sông nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng nay dần chìm, khi đường sông không cạnh tranh được với đường bộ, chợ nổi không cạnh tranh được với các loại chợ trên bờ, trung tâm thương mại, siêu thị. Chợ nổi “chìm dần”, nét văn hoá, cái hồn của miền sông nước cũng mất, điều này đã diễn ra trên thực tế, muốn bảo tồn cần sự vào cuộc của chính quyền.

Nút thắt hạ tầng

Sự đi xuống của chợ nổi có thể dự đoán được, khi đường bộ phát triển, cầu đường nối thông mọi xóm, ấp, hàng hoá, nông sản của người dân cũng có xe tới tận vườn thu mua thay vì chở bằng ghe, tàu. Hiện, gần như cả miền Tây chỉ chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) xôm tụ mỗi sáng sớm, dù vẫn tồn tại, nhưng khách du lịch nhiều hơn thương hồ, cư dân địa phương. Có một thực tế góp phần vào làm cho chợ nổi Cái Răng “chìm” nhanh hơn, là việc đầu tư hạ tầng chưa thật sự quan tâm tới chợ nổi.

Ông Bùi Văn Bảy, năm nay 52 tuổi, có gần 30 năm gắn với chợ nổi Cái Răng, nhìn chợ giờ khách du lịch nhiều hơn thương hồ ông cũng buồn, vì cuộc sống thương hồ gắn với chợ nổi ngày càng khó làm ăn. Chợ nổi chìm nhanh, ông Bảy cho rằng, có một phần từ việc xây dựng tuyến kè sông Cần Thơ đã không tính tới lối mở cho chợ. Trước khi có bờ kè sông này, cả tuyến bờ sông dài quanh chợ nổi Cái Răng đâu cũng có thể thành bến cho ghe, tàu cập vào chuyển hàng lên - xuống dễ dàng. “Từ khi có bờ kè, việc cập ghe tàu vào bờ để lên xuống hàng rất khó khăn, chỉ còn 1 bến tàu và khách dùng chung, một số người làm cầu tàu tự phát dọc bờ sông để cập bờ, lên xuống hàng, nhưng cũng rất bất tiện. Khi nước triều lên ghe còn đậu được sát mép bờ kè để lên bờ, xuống ghe, chứ khi nước xuống phải đậu phương tiện ở quãng xa bờ vài mét, thêm bờ kè cao vài mét như một bức tường ngăn trở hoạt động vận chuyển hàng hoá qua lại giữa trên bến, dưới thuyền. Từ đó, người ta phải tìm cách khác để luân chuyển hàng hoá tiện lợi hơn, và chợ nổi tự khắc bị bỏ rơi”, ông Bảy nói.

Bên cạnh đó, việc kết nối giữa đường bộ và chợ nổi cũng chưa thuận lợi, các tuyến đường kết nối với bến tàu chợ nổi chưa thuận lợi cho xe tải lớn ra vào. Điển hình như chợ nổi Cái Răng, đường vào chợ chỉ cho xe tải tối đa 10 tấn ra/vào. Cùng đó, do chỉ có 1 bến tàu, cuối tuần khách du lịch đông, cầu tàu bị quá tải, vận chuyển hàng hoá của người dân gặp nhiều khó khăn. Do đó, người dân, thương hồ ở chợ nổi Cái Răng đều mong cấp chính quyền có phương án điều chỉnh lại thiết kế bờ kè, ngoài chống sạt lở, triều cường còn tạo điều kiện cho chợ nổi hoạt động thuận lợi, có như vậy mới giữ được chợ này.

Tìm cách “neo” hồn chợ nổi

Nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP Cần Thơ - Vũ Thống Nhất chỉ ra, nếu điểm lại số lượng chợ nổi còn tồn tại, ở khắp miền Tây gần như chỉ còn chợ nổi Cái Răng, nhờ vào khách du lịch. Để giữ được hình ảnh nếp sống, văn hoá sông nước phải giữ được chợ nổi. Tập quán sinh sống, phương tiện đi lại, giao thương, cuộc sống trên ghe, thuyền, thương hồ… của người dân miền sông nước Cửu Long, tất cả đều nằm rõ nhất ở chợ nổi. “Nếu để mất luôn chợ nổi Cái Răng, xem như mất cái hồn sông nước”, ông Nhất trăn trở. Ông Nhất cho rằng, chợ nổi lâu nay tồn tại được nhờ vào giao thương đường thủy, văn hoá thương hồ, sông nước, giờ muốn lưu giữ cũng phải bảo tồn và khai thác được các sản phẩm du lịch gắn với nếp văn hoá bản địa đó. Trong khi lâu nay du lịch miền Tây chủ yếu dựa vào những cái sẵn có, chưa ai quan tâm đầu tư cho sản phẩm đặc trưng, nên đi cả vùng đều thấy sản phẩm, dịch vụ trùng lắp, gây nhàm chán cho du khách.

Chìm dần chợ nổi miền Tây - bài cuối: Bảo tồn văn hóa chợ nổi, hành động ngay ảnh 1

Người dân mua bán hàng hóa tại chợ nổi Cái Răng. Ảnh: Hòa Hội.

TS Nguyễn Thị Nhung, Phó Trưởng khoa Du lịch (ĐH Nam Cần Thơ) cho rằng, chợ nổi khác chợ trên bờ, nên việc quản lý cũng phải khác biệt. Chợ nổi ở miền Tây, như chợ nổi Cái Răng, không đơn thuần điểm hoạt động mua bán, đã thành di sản văn hoá, nhưng đang cùng lúc chịu sự quản lý của 4 - 5 cơ quan, từ ngành văn hoá - du lịch, tới giao thông, thương mại, môi trường… Do đó, đơn vị quản lý chợ cũng cần đa ngành, thay vì chỉ cấp quận quản lý, vận hành như hiện nay. Khi có sự điều hành chung, bài bản, có thêm các dịch vụ du lịch đa dạng, ngăn chặn được tình trạng kinh doanh du lịch tự phát, “chặt chém” khách, để tiếp tục duy trì và phát triển chợ nổi Cái Răng.

Chìm dần chợ nổi miền Tây - bài cuối: Bảo tồn văn hóa chợ nổi, hành động ngay ảnh 2

Chợ nổi Cái Răng chỉ có 1 bến lên hàng hóa, kết hợp đón khách, nên không đủ đáp ứng nhu cầu lên xuống cho thương hồ. Ảnh: Hòa Hội.

Chìm dần chợ nổi miền Tây - bài cuối: Bảo tồn văn hóa chợ nổi, hành động ngay ảnh 3

Bến lên hàng ở cuối chợ nổi Cái Răng triển khai nhưng chưa hoàn thành. Ảnh: Hòa Hội.

TS Nhung dẫn kinh nghiệm làm du lịch tại chợ nổi Damnoen Saduak của Thái Lan, chợ nổi này được chính quyền xây dựng để tạo thêm sản phẩm du lịch cho du khách trải nghiệm. “Nói là đi chợ nổi, nhưng thực chất tới đây khách chủ yếu trải nghiệm các dịch vụ trên bờ, với đa dạng dịch vụ, từ nghỉ ngơi, thư giãn, đến ăn uống, mua đồ đặc sản, quà lưu niệm. Du khách cũng có thể thuê thuyền chèo tay để trải nghiệm sông nước”, TS Nhung nói thêm.

Từ chợ nổi Ngã Bảy, Ngã Năm, tới chợ nổi Cái Răng, Cái Bè, Trà Ôn, Phong Điền, Vĩnh Thuận, Cà Mau, Long Xuyên… việc mua bán, trao đổi hàng hóa ngay trên sông, giữa ghe tàu với nhau, không mất thêm chi phí chuyển hàng lên bờ. Tuy nhiên, theo quy luật phát triển, đường bộ dần thay thế đường sông, xe cộ thay cho ghe, tàu nhỏ, siêu thị, trung tâm thương mại thay dần chợ truyền thống, việc chợ nổi chìm dần cũng tất yếu...

Về vấn đề hạ tầng tại chợ nổi Cái Răng, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Lê Văn Hoàng - Trưởng phòng Văn hóa thông tin quận Cái Răng cho biết, địa phương đang đầu tư làm một bến hàng chuyên biệt cho chợ nổi này, vị trí ở cuối chợ. Cầu chuyên phục vụ hàng này ban đầu dự kiến hoàn thành năm 2024, nhưng đã phải điều chỉnh, dự kiến trong tháng 4 này sẽ hoàn thành đưa vào khai thác. Cùng với bến hàng riêng cho chợ nổi Cái Răng (không dùng chung với bến khách), địa phương cũng triển khai nâng cấp, mở rộng đường bộ kết nối vào chợ nổi, cho phép xe tải trọng trên 20 tấn vào chợ, dự kiến trong năm nay sẽ thực hiện.

Các chuyên gia, nhà nghiên cứu cùng cho rằng, để chợ nổi tồn tại, phải giữ được gốc của hoạt động này là việc giao thương, mua bán của các thương hồ. Khi tới chợ nổi không còn cảnh thương hồ trao đổi, mua bán sản vật trong vùng, cảnh tấp nập trên bến - dưới thuyền không còn như trước, khách du lịch rồi cũng sẽ rời xa chợ nổi...

MỚI - NÓNG
Bình luận

Có thể bạn quan tâm

Nông dân tự chế “thủy điện xanh”

Nông dân tự chế “thủy điện xanh”

TP - Một nông dân mới chỉ học hết lớp 3 nhưng chế tạo tua bin thủy điện mang thương hiệu riêng. Trong hơn 30 năm, ông đã tự xây dựng thành công 3 tổ máy thủy điện nhỏ thân thiện với môi trường.
Kỳ lạ bộ hài cốt trong hang động Quảng Bình

Kỳ lạ bộ hài cốt trong hang động Quảng Bình

TP - Ngày 17-11, ông Cao Thanh Bình, Bí thư Đảng ủy xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) cho biết: Các chuyên gia của Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh đã có mặt ở hang Ton để nghiên cứu về hai bộ hài cốt mà người địa phương vừa phát hiện.
Coi thi nghiêm túc, khó có gian lận

Coi thi nghiêm túc, khó có gian lận

Ngày 6-6, Công an huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang đã mời hai thí sinh thực hiện việc quay clip gian lận thi cử đến làm việc. Vị giáo viên lưu giữ và cung cấp clip cũng được một công an tỉnh tới hỏi chuyện.
Năng lượng tái tạo từ biển

Năng lượng tái tạo từ biển

TP - Dựa vào Chiến lược Biển VN đến năm 2020, năng lượng biển đúng là đang bắt đầu được triển khai. Tuy nhiên, trong bối cảnh ngày càng nhiều nước đầu tư mạnh cho năng lượng biển, hoạt động triển khai ở nước ta vẫn chưa được tiến hành hệ thống.
Cần hàng nghìn nhân lực cho dự án điện hạt nhân

Cần hàng nghìn nhân lực cho dự án điện hạt nhân

TP - Ban Quản lý Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận vừa cho biết: Để vận hành hai nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 trong thời gian tới, số lượng nhân viên dự kiến lên đến 2.200 người, phân bổ cho các ngành kỹ thuật hạt nhân, công nghệ thông tin, thí nghiệm và điều khiển điện tử, an toàn bức xạ...?