Nghê chưa hết phận bên rìa

Cuốn sách về nghê của Trần Hậu Yên Thế nối tiếp mạch những cuốn sách nghiên cứu về biểu tượng văn hoá Việt. Ảnh: Toan Toan.
Cuốn sách về nghê của Trần Hậu Yên Thế nối tiếp mạch những cuốn sách nghiên cứu về biểu tượng văn hoá Việt. Ảnh: Toan Toan.
TP - Nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế chủ biên cuốn Phác họa Nghê-Gã linh vật bên rìa (Nhìn từ đền Vua Đinh, Vua Lê) khá công phu, có giá trị cho giới quản lý và nghiên cứu văn hóa. Tác giả trò chuyện với Tiền Phong xung quanh “gã linh vật bên rìa”.

Tên cuốn sách “Phác họa Nghê-Gã linh vật bên rìa” (Nhìn từ đền vua Đinh, vua Lê) nghe đầy thương cảm?

Đúng là cũng có thân phận một chút, hơi bùi ngùi do bối cảnh tôi bắt đầu viết cuốn sách từ cách đây ba năm. Nói thực lúc đó hơi ảm đạm, trước thời điểm công văn 2662 của Bộ VHTTDL về dọn dẹp linh vật ngoại lai, nhận thức của giới văn hoá và cộng đồng rất mơ hồ. Họ biện minh rằng phải cởi mở trong bối cảnh toàn cầu hoá, nên chấp nhận biểu tượng ngoại lai. Tuy nhiên chúng ta phải rạch ròi- hoà nhập không du nhập bừa bãi.

Phật giáo cũng sử dụng biểu tượng sư tử. Vậy biểu tượng nghê khác biệt thế nào?

Giới chức quản lý văn hoá, chức sắc tôn giáo chưa phân biệt rõ các hệ thống linh vật ở các nền văn hoá khác nhau. Phật giáo của Trung Hoa và của nước ta có sự tương đồng nhất định, nhưng vẫn có sự khác biệt trong sử dụng biểu tượng linh vật. Trong hệ thống Phật giáo thời Lý-Trần, tượng Phật có kiểu thức Nghê toà đặc trưng cho tinh hoa Phật giáo thời kỳ này và Phật giáo Đại Việt. Sau này nó bị mai một do sự tàn phá của nhà Minh, cộng với sự hiểu biết không đầy đủ về con nghê trong Phật giáo. Khi sư tử đá Trung Quốc tràn vào, người ta thấy trong Phật giáo có sử dụng sư tử và suy luận nhầm hệ thống. Trong quá trình khảo cứu, chúng tôi nhận thấy những tư liệu cho thấy nghê có vai trò đặc biệt quan trọng trong Phật giáo người Việt.

Chiến dịch dọn dẹp linh vật của Bộ VHTTDL có lúc quyết liệt, có thời điểm trùng xuống. Anh đánh giá tác động của nó thế nào đến nhận thức của người Việt?

Hiện nay công văn 2662 đi cùng với văn bản của Giáo hội Phật giáo Việt Nam về việc không sử dụng linh vật ngoại lai trong di tích, nơi thờ tự. Tuy vậy, thực tế tôi thấy một số nơi chưa nhất trí về điều đó, còn nhiều ngôi chùa vẫn để tượng sư tử đá kiểu Trung Quốc. Bản thân mẫu sư tử đá này dùng mẫu thời Minh-Thanh cũng xa lạ với văn hoá Phật giáo nói chung.

Công văn 2662 vẫn dựa vào Luật Di sản văn hoá nhưng chỉ ở tầm khuyến cáo, đề cao nhận thức cộng đồng. Vì thế có những nơi nhận thức chuyển biến tốt, có chỗ vẫn vướng mắc.

Không chỉ người dân, phần lớn những người đang quản lý và trông coi các di tích cũng mơ hồ về linh vật Việt hay ngoại lai, phải chăng rất cần cẩm nang cho họ?

Tôi cho rằng phải đồng bộ. Ví dụ trong các bộ sách lịch sử Việt Nam tuyệt không có hình ảnh nghê, linh vật đặc sắc nào khác. Ngoài con nghê, uyên ương từng là biểu trưng huy hoàng nhưng gần đây không thấy sử dụng trong trang trí kiến trúc nữa. Uyên ương vừa đẹp, vừa có ý nghĩa về mỹ thuật và tâm linh và nhất là không lẫn linh vật khác nên xuất hiện trong sách sử để trẻ con biết. Bé không biết, lớn dễ hồ đồ. Việc đưa vào một vài hình ảnh con nghê khi giới thiệu về nhà Đinh là điều không quá khó, tuy nhiên các nhà soạn sách quan tâm đến sự kiện, chữ nghĩa nhiều quá mà bỏ qua biểu tượng văn hoá.

Cuối sách anh đăng lại bài phỏng vấn trên Tiền Phong ba năm trước rằng “không dễ để người Việt dùng linh vật Việt”, hiện nay tình trạng này khá hơn chưa?

Tôi nghĩ riêng vấn đề này chuyển biến rất tốt. Làng nghề Ninh Vân (Ninh Bình) chẳng hạn, họ ý thức được điều đó cùng với hiệu ứng xã hội, nên nghệ nhân mạnh dạn tư vấn cho những người đặt hàng. Họ làm các mẫu linh vật truyền thống nhiều hơn. Cuốn sách của tôi cũng cung cấp nhiều chất liệu để họ có thể sáng tạo, lắp ghép. Tuy nhiên cũng cần thấy rằng không phải sự sáng tạo nào cũng chấp nhận được. Ở hội chợ Milan, con nghê Bát Tràng bị bóp méo, sáng tạo thái quá thành dương vây xù lông, trợn mắt cũng là cái dở. Con nghê Việt có điểm chung gần gũi, mang biểu cảm thân thiện. Nghệ nhân muốn sáng tạo thế nào cũng phải nắm bắt được đặc tính, bắt được hồn phách của “gã linh vật” này.

Trong quá trình khảo cứu, chúng tôi nhận thấy những tư liệu cho thấy nghê có vai trò đặc biệt quan trọng trong Phật giáo người Việt.

Nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế

 

Cuốn sách Phác họa Nghê của nhóm Trần Hậu Yên Thế-Nguyễn Đức Hoà – Hồ Hữu Long bước đầu trình bày lai lịch, danh xưng, hình tướng, ý nghĩa biểu tượng của linh vật thân quen trong văn hoá Việt. Sách dày hơn 300 trang gồm nhiều bài viết khảo cứu, tư liệu, hình vẽ, hình ảnh xung quanh con Nghê và có những phân tích sâu ở nhiều góc độ của biểu tượng này.

MỚI - NÓNG