Thêm một lần chia ly
Nạn nhân ở Iwate sau thảm họa phải đối mặt với thời tiết lạnh giá,
tuyết rơi khi không có hệ thống lò sưởi.
Chiều 18 tháng 3, khi chúng tôi chuyển từ phòng tập thể dục đầu tiên đến khu di tản khác nhau và các trạm cấp cứu, Luna khóc lớn vì không muốn rời xa tôi.
Cô bé đã phải chịu nỗi đau khi mất mẹ. Bây giờ dù hoàn cảnh và hình thức chia tay khác nhau, tôi lại làm cho cô bé đau đớn thêm lần nữa...
Tôi hứa rằng chúng tôi sẽ gặp lại nhau, hoặc tôi sẽ viết thư cho cô, nhưng Luna không có địa chỉ cụ thể nào cả. Với tình cảm chân thành, tôi động viên cô bé rằng sẽ đến và gặp lại cô bé khi thành phố được khôi phục.
Cuối cùng, lời hứa không khóc, thêm một lần bị phá vỡ dễ dàng. Ngồi trong xe nhìn Luna đang vẫy tay chào, tôi khóc nấc lên. Chúng tôi lại trên đường đến các khu di tản và các bệnh viện cấp cứu tiếp theo.
19 tháng 3
Sáng nay sân trường đầy tiếng ồn. Xe tải nối đuôi nhau đi vào. Họ đến để xây dựng nhà tạm. Số lượng nhà tạm chỉ có hạn và phải căn cứ vào những ưu tiên cao nhất. Dẫu sao cũng là tin vui.
Xe sửa chữa từ các hãng điện thoại di động Docomo va AU đã đến. Và cuối cùng, dòng chữ “không tín hiệu” đã biến mất trên màn hình điện thoại di động của chúng tôi. Sau nhiều ngày bặt vô âm tín, rất nhiều người ở các trung tâm di tản đã liên lạc với người thân.
Trời ấm dần lên. Như đang mùa xuân. Xin trời đừng lạnh nữa. Từ hôm nay, có thể mỗi ngày chỉ có hai chuyến xe buýt nhưng xe tốc hành giữa Morioka và Rikuzentakata đang bắt đầu hoạt động lại.
Một cụ bà, người đã được xe cứu thương đưa đi từ phòng hồi sức cấp cứu trở lại trung tâm di tản với tình trạng sức khỏe tốt lên rõ rệt.
- Tôi đã về nhà. Bà cụ vui vẻ nói.
Do nghĩ rằng dòng chữ “Y TÁ / Kangoshi” in trên đồng phục quá nhỏ để trẻ em và người già có thể nhìn thấy nên ngay đêm đầu tiên ở đây, tôi đã gắn chữ Kangoshi in hoa trên lưng áo tôi bằng băng màu. Vì khi làm việc và ngủ, tôi đều mặc đồng phục nên chữ shi đã rơi mất, do đó trên lưng áo tôi chỉ còn chữ “Kangon”.
Sau đó, trẻ em và mọi người tại trung tâm di tản bắt đầu gọi tôi là “Kangon-san” (Cô kangon). Và hôm nay, cái tên đó lại được rút ngắn thành cái tên “Gon-chan” dễ thương và thân thiện! Tôi thấy hạnh phúc.
Hôm qua tôi đi đến thành phố lân cận và gọi cho một người bạn từ bốt điện thoại. “Một trung tâm di tản vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ nào, thông báo cho nhà chức trách giúp mình nhé”, tôi đề nghị.
Đến tối trung tâm đã liên lạc lại và cho biết họ đã nhận được hàng cứu trợ.
Các nhân viên cứu trợ khi đến nơi nói:
- Có người ở tít phía bắc Akita và phía nam Kyushu đã báo cho chúng tôi biết nơi đây chưa nhận được đồ tiếp tế. Đây là một khu di tản nhỏ nhưng cả nước đang hướng về các bạn.
Có rất nhiều tã, sản phẩm chăm sóc da được gửi cho trẻ em. Và cả những quả bóng gạo ngon cùng miso, Yakult, và hàng tấn bánh mì hiệu Nicestick của hãng Yamazaki.
Vào nửa đêm, có rất nhiều thuốc men, thuốc truyền tĩnh mạch và một máy hút bụi gửi từ các bệnh viện ở Tokyo.
Ngày khởi hành của tôi được đổi từ ngày 21 thành 23. Tôi ở lại thêm 2 ngày trước khi về Tokyo.
Đêm trăng
Người đàn ông này tìm kiếm kỷ vật còn sót lại sau thảm họa.
Đêm 19 tháng 3,
Có vẻ được nghỉ ngơi một chút, nhưng rất nhiều người bị sốt và đau bụng, vì vậy chúng tôi quyết định thay phiên nhau nghỉ trong xe cấp cứu.
Ngoài sân, chỗ ngồi của lái xe bỗng chốc sáng bừng lên. Tò mò, tôi đi kiểm tra xem ánh sáng có phải do bóng điện được bật lên, nhưng nó chính là ánh trăng. Ánh sáng chiếu xuống từ một mặt trăng khổng lồ!
Những người không ngủ được đã tập trung ở phòng tập thể dục để ngắm trăng. Họ đang mỉm cười, nụ cười hiếm hoi những ngày di tản.
Hôm nay tôi đã nói chuyện với một bà lão. Bà rất cảm động khi trở lại Takata, nơi bà sinh ra và sống trong chín mươi năm nay. Bà cụ từng trải qua thời kỳ nghèo đói sau chiến tranh nhưng bà cùng chồng làm việc chăm chỉ để xây được nhà, mua một chiếc thuyền đi câu cá. Họ đã tận hưởng cuộc sống tuổi già một cách bình yên. Nhưng sau đó trận động đất, sóng thần khủng khiếp xảy ra.
- Chúng tôi có thể bắt đầu lại như khi chúng tôi xây dựng mọi thứ sau chiến tranh. Nhưng chúng tôi không còn trẻ nữa - Bà cụ nức nở.
Nếu có một nơi sơ tán tạm thời thì cũng vô cùng khó khăn, căng thẳng đối với người cao tuổi khi phải rời Takata để chuyển sang quận khác.
Đường phố đã được dọn dẹp và lưu thông tốt hơn. Cuối cùng, xe tải chở nhiều máy móc hạng nặng vào Rikuzentakata. Các đống đổ nát được dọn sạch, nhiều thi thể được tìm thấy, được xe tải mang đi. Bên dưới đống đổ nát, tôi nghe tiếng chuông của chiếc điện thoại di động reng reng.
Người ta phát hiện thêm thi thể một phụ nữ mang thai!
Những người còn sống sót nói trên con phố có ngôi nhà của họ với đầy ắp kỷ niệm trước đây vài ngày giờ đã hoàn toàn biến mất.
Chúng tôi vào vị trí sẵn sàng với bộ dụng cụ cấp cứu vừa chờ đợi vừa xem các máy móc hạng nặng làm công việc tìm kiếm và dọn dẹp đống đổ nát. Chúng tôi chờ đợi để được cấp cứu những người may mắn sống sót nhưng đáng buồn thay, không có gì cho chúng tôi làm cả!
Tất cả những gì nhận được lúc này là tiếng thở dài não nề và nước mắt lăn trên những khuôn mặt buồn bã. Một cảm giác bất lực khủng khiếp dâng lên trong tôi. Tôi đã nói chuyện với một cậu bé bị sốt và không ăn uống được. Cậu bé chỉ cho tôi thấy một cuốn chuyện Đôrêmon được lôi lên từ đống bùn. Tôi hỏi cậu bé yêu thích những đồ vật, bảo bối nào nhất của mèo máy? Cậu trả lời:
- Cháu thích sử dụng bảo bối ozashiki tsuribori (lưới bắt cá trong nhà), nhưng bây giờ cháu yêu thích nhất là furoshiki taimu (bảo bối túi vải thời gian) để giúp nơi đây trở lại như trước.
Trong khoảng thời gian nghỉ ngắn, tôi đi xem một trong những khu vực mà người dân được phép tìm lại đồ cũ. Một ông già nói ông đang tìm kiếm các bộ sưu tập tem đã giữ trong 60 năm qua và những album ảnh gia đình.
Mọi người đổ xô đi tìm kiếm người thân. Người thì tìm kiếm cha mẹ, người khác kiếm chồng bị mất tích; có người lại tìm kiếm vật nuôi, cặp sách, đồ dùng học tập...
Tôi chỉ sợ một điều là trong khi tìm kiếm từ đống đổ nát một mình, tôi sẽ phát hiện ra thi thể ai đó, nhưng may là tất cả chúng tôi cùng nhau tìm kiếm. Chẳng tìm thấy ai cả.
Tôi không thể chịu được rằng thiên tai trong chốc lát lại có thể cướp đi sinh mạng và những gì giá trị nhất trong cuộc sống một cách quá dễ dàng như vậy.
Thật thảm hại là sức chịu đựng của tôi lại không thể bằng những người già. Chính họ là người an ủi tôi.
Tôi không thể cất lời để nói với mọi người rằng hãy cùng nhau cố gắng hơn nữa để kiên trì, hay thậm chí là chúng tôi nên sát cánh bên nhau trong mọi tình huống xấu nhất. Tôi như người quan sát và đã thấy họ đang cố gắng vượt qua một cách quá khó khăn.
Ngày hôm nay trời lại trở lạnh.
Nhưng tôi vẫn tin rằng mọi thứ đang dần trở nên tốt hơn.
JKTS – Phương Hiếu (dịch từ blog của JKTS)