Đây là phương thức dẫn đường tiên tiến đang được áp dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Phương thức bay mới sẽ phân tách vệt bay tiếp cận và khởi hành tại sân bay Nội Bài thành 2 luồng riêng biệt nên không có giao cắt, thuận lợi cho công tác điều hành và giúp giải tỏa được các xung đột về quỹ đạo của tàu bay khi tiếp cận hạ cánh và khi khởi hành.
Đồng thời Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam triển khai phân chia lại phân khu kiểm soát tiếp cận, từ 1 phân khu trước đây, được phân chia lại thành 2 phân khu riêng biệt: Phân khu kiểm soát trung tận và phân khu kiểm soát đến.
Phương thức mới sẽ cho phép giảm yêu cầu dẫn dắt bằng rađa, rút ngắn quãng đường dẫn dắt, giảm cường độ liên lạc, cường độ làm việc của kiểm soát viên không lưu và người lái; tăng khả năng giám sát và điều hành tàu bay; hạn chế tối đa các luồng tàu bay đi/đến hội tụ về cùng một điểm; giúp kiểm soát viên duy trì độ giãn cách tiêu chuẩn chính xác hơn, an toàn hơn; giúp cho tàu bay có được quỹ đạo hoạt động tối ưu, chủ động biết trước thứ tự tiếp cận hạ cánh, giảm đáng kể lượng tiêu thụ nhiên liệu, giảm bớt lượng khí thải phát ra môi trường và tăng hiệu quả kinh tế. Phương thức bay mới và việc phân chia lại phân khu kiểm soát tiếp cận Nội Bài giúp tăng năng lực tổng thể khu vực sân bay Nội Bài lên từ 10% đến 15% so với trước khi chuyển đổi.
Hiện nay sân bay Nội Bài có mật độ hoạt động bay cao, trung bình một ngày đêm 400 lần chuyến, ngày cao điểm là trên 450 lần chuyến, dự báo sẽ tiếp tục gia tăng nhanh trong thời gian tới. Thực tế lưu lượng hoạt động bay phân bổ không đều trong ngày vì vậy sẽ gia tăng rất lớn về cường độ và sự phức tạp trong công tác điều hành bay.
Theo kế hoạch, cuối năm 2017, Tổng Cty Quản lý bay Việt Nam sẽ triển khai áp dụng phương thức bay mới tại sân bay quốc tế Đà Nẵng. Tổng công ty đã có kế hoạch triển khai thực hiện việc áp dụng thức dẫn đường theo tính năng (PBN) rộng rãi tại tất cả các Cảng hàng không trong toàn quốc trước năm 2020.