Ngày đầu đăng ký biển số xe máy điện: Mang đến lại... mang về

Sau nhắc nhở, nếu xe máy điện lưu thông trên đường không có biển số sẽ bị xử phạt. Ảnh: Anh Trọng
Sau nhắc nhở, nếu xe máy điện lưu thông trên đường không có biển số sẽ bị xử phạt. Ảnh: Anh Trọng
TP - Hôm qua (2/6) là ngày đầu tiên thực hiện đăng ký biển số phương tiện theo quy định mới (Thông tư 15, Bộ Công an). Tuy nhiên hầu hết chủ phương tiện có xe máy điện mang xe đến các điểm đăng ký đã phải mang về. Trong khi đó nhiều xe máy điện không biển số lưu thông trên đường đã bị CSGT tuýt còi.

Biết được thông tin từ ngày 1/6 xe máy điện không có biển số sẽ bị CSGT xử lý, nên từ 6 giờ sáng qua chị Nguyễn Thị Hoa, ở tổ dân phố 20 phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội mang chiếc xe máy điện đến điểm đăng ký xe quận Hoàn Kiếm tại 90 Trần Nhật Duật làm thủ tục đăng ký biển số.

Tuy nhiên, sau hơn hai giờ chờ đợi, đại diện phòng đăng ký xe ở đây ra kiểm tra giấy tờ thì phát hiện xe của chị cùng 6 trường hợp khác thiếu giấy tờ không thể làm đăng ký biển số.

Theo cán bộ CSGT Đỗ Ngọc Lộc, phụ trách đăng ký xe máy điện, hầu hết các xe thiếu các giấy tờ cần thiết như hóa đơn đỏ, phiếu kiểm định an toàn chất lượng phương tiện. Sau khi kiểm tra, đội đăng ký xe đã yêu cầu các chủ phương tiện về bổ sung giấy tờ còn thiếu.

Chị Lợi, trú tại phố Lương Ngọc Quyến cho biết: “Chiếc xe máy điện của chị đã mua được 2 năm, trước khi đến điểm đăng ký chị có ra hỏi lại cửa hàng bán xe, người bán nói không có hóa đơn, không có giấy chứng nhận an toàn gì đó. CSGT và người bán hàng nói thế giờ để xe có biển số chúng tôi không biết phải làm thế nào?”.

Cùng cảnh ngộ, vợ chồng anh Quân, phố Nguyễn Thiện Thuật sau khi đến điểm đăng ký xe 90 Trần Nhật Duật cũng phải quay về vì chỉ xuất trình được hóa đơn mua xe máy điện. Anh Quân bức xúc: “Xe tôi mua lại, chỉ có hóa đơn mua xe và giấy bán với chủ cũ, đến cửa hàng bán xe tôi cũng không biết ở đâu thì làm sao lấy được giấy kiểm định an toàn chất lượng?”.

Ngày làm việc đầu tiên tại các điểm đăng ký xe máy điện quận Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Long Biên… đều có đông người dân mang xe đến đăng ký biển số, nhưng hầu hết đều phải ra về vì thiếu giấy tờ. Điểm đăng ký xe quận Hai Bà Trưng, địa chỉ 128C Đại La đã sẵn sàng cho lượng xe máy điện đến đăng ký trong ngày đầu tiên bằng việc dành bãi đỗ riêng. Tuy nhiên sau nhiều giờ đồng hồ chờ đợi gần 10 trường hợp đã phải dắt xe ra về vì thiếu giấy tờ.

Xe máy điện không biển số bị tuýt còi


Trao đổi với PV Tiền Phong ngày hôm qua, Thượng tá Bùi Văn Tiến, Phó Trưởng Công an quận Thanh Xuân cho rằng, hầu hết các trường hợp CSGT trả phương tiện về là do thiếu các giấy tờ cần thiết như biên lai nộp thuế trước bạ, phiếu kiểm định an toàn chất lượng. Theo ông Tiến nếu người dân mang xe đến và cứ chiếu theo quy định hiện hành thì sẽ không đăng ký được trường hợp nào, do vậy những ngày tới rất cần một hướng dẫn, chỉ đạo mới từ cấp trên.

Chiều qua, Trung tá Đinh Thanh Thảo, đội trưởng Đội đăng ký và quản lý phương tiện - Phòng CSGT, CATP Hà Nội cho biết, tính đến cuối giờ chiều qua vẫn chưa thấy các đội đăng ký xe trên địa bàn thành phố thông báo về số lượng xe điện đã làm được đăng ký biển số.

Trong khi đó, ngày hôm qua, CSGT chốt trực tại các nút giao thông trên địa bàn TP bắt đầu xử lý xe máy điện không biển số. 9h sáng 2/6, tại ngã tư Bà Triệu - Trần Hưng Đạo, tổ công tác của đội CSGT số 1 đã dừng và nhắc nhở hàng chục xe máy điện vi phạm.

Theo các CSGT làm nhiệm vụ ở chốt này, các trường hợp xe máy điện chưa có biển số được CSGT dừng lại để tuyên truyền, nhắc nhở phải đi đăng ký biển số mới được lưu thông trên đường; riêng các trường hợp người điều khiển không đội mũ bảo hiểm bị CSGT xử phạt 150.000 đồng.

Nhiều bệnh nhân chấn thương liên quan đến xe đạp điện

Tin từ Bệnh viện Việt Đức cho biết, thời gian qua tiếp nhận nhiều ca cấp cứu tai nạn giao thông do điều khiển xe đạp điện. Bác sĩ nội trú Đặng Hoàng Giang, Khoa Chấn thương chỉnh hình 2 cho biết, trung bình mỗi tuần có 1 hoặc 2 bệnh nhân trong độ tuổi từ 20-24, nhập viện vì tai nạn liên quan đến xe đạp điện. Các chấn thương thường gặp là gãy tay, chân, cần từ 3-6 tháng mới hồi phục nhưng thường để lại di chứng như xương yếu hơn, khoèo chi, lệch chi.

Mới đây nhất, ngày 31/5, Khoa cấp cứu tiếp nhận bệnh nhân nữ (15 tuổi ở Thái Bình), trong tình trạng sốc mất máu, lóc tách toàn bộ da đùi cẳng chân phải, lóc da gãy kín cẳng chân trái, đặc biệt là bệnh nhân bị gãy xương chậu… vì đi xe đạp điện đâm trực diện vào ôtô. Hiện tình trạng bệnh nhân này vẫn rất nguy kịch, nguy cơ nhiễm trùng và phải phẫu thuật nhiều lần.

Thái Hà


MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.