Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn, cho biết sau 10 năm thực hiện Luật BHYT, tỷ lệ người dân tham gia BHYT tăng lên gần gấp đôi (từ 45% năm 2009 lên 89,6% năm 2019). Trong đó người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi và các đối tượng chính sách xã hội đã được Nhà nước hỗ trợ toàn bộ mức đóng BHYT.
“Quyền lợi về khám chữa bệnh BHYT tương đối toàn diện và ngày càng được mở rộng. Danh mục thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật được sử dụng theo năng lực chuyên môn, tuyến chuyên môn kỹ thuật, để đảm bảo tối đa quyền lợi của người có thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh”, ông Sơn cho hay.
Để đảm bảo việc thực hiện chính sách BHYT bền vững, tiến tới bao phủ BHYT toàn dân, theo Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn, BHXH Việt Nam luôn xác định việc phát triển đối tượng tham gia BHYT là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành, tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đạt được mục tiêu mà Nghị quyết 20-NQ/TW đã đề ra.
Đồng thời với việc tích cực tham gia đóng góp ý kiến xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về thực hiện chính sách BHYT với các Bộ, ngành, BHXH Việt Nam chỉ đạo BHXH các tỉnh phối hợp chặt chẽ với các ngành trong việc triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn.
BHXH Việt Nam cũng tổ chức các hội nghị hoặc làm việc trực tiếp với lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh, các Sở ngành địa phương có tỷ lệ bao phủ BHYT thấp để bàn về các giải pháp phát triển đối tượng. Tăng cường công tác tuyên truyền; phối hợp với các Đại lý thu triển khai các hình thức như phát động lễ ra quân, tổ chức hội nghị tuyên truyền trực tiếp với người dân, vận động, khuyến khích 100% thành viên thuộc hộ gia đình tham gia BHYT đầy đủ trong năm tài chính để được giảm trừ mức đóng theo quy định.
Ngoài ra, theo ông Sơn, hệ thống đại lý thu BHXH, BHYT cũng được mở rộng đến xã, phường. Ngành cũng thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ việc chấp hành các quy định tại BHXH các tỉnh, thành phố; thực hiện thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, xử lý các đơn vị trốn đóng, nợ đóng BHXH, BHYT. Đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT và tích cực cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia BHYT.
“Tính đến hết tháng 6/2020, toàn quốc có trên 86 triệu người tham gia BHYT, đạt tỉ lệ bao phủ BHYT là 90% vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định 1167/QĐ-TTg. Trong đó đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình đạt 17,5 triệu người, tăng 1,7 triệu người so với năm 2018 (tương đương tăng 10,8%)”, Phó Tổng giám đốc Phạm Lương Sơn cho hay.
Theo lãnh đạo BHXH Việt Nam, chủ đề, thông điệp truyền thông của Ngày BHYT 1/7 năm nay là “Thực hiện nghiêm luật BHYT hướng tới mục tiêu bao phủ, chăm sóc sức khỏe toàn dân”. Theo đó, nội dung tuyên truyền sẽ hết sức ngắn gọn, chính xác, dễ hiểu, tạo thuận lợi cho các nhóm đối tượng được tiếp cận đầy đủ thông tin về chính sách, pháp luật BHYT.
Trong đó, BHXH Việt Nam sẽ tập trung tuyên truyền chú trọng đến từng nhóm đối tượng, đặc biệt là người thuộc hộ gia đình cận nghèo, hộ gia đình làm nông, lâm, ngư và diêm nghiệp, học sinh, sinh viên (HSSV), nhóm có tỷ lệ tham gia BHYT thấp...
“Với những nỗ lực của mình, BHXH Việt Nam mong muốn, việc tăng cường bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong, hướng tới bao phủ BHYT toàn dân sẽ đạt được trong thời gian không xa”, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn bày tỏ.
Theo Phó Tổng giám đốc Phạm Lương Sơn, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố chủ động tham mưu với Tỉnh ủy, Thành ủy, HĐND, UBND tỉnh/thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị về BHYT,…
Đồng thời, chủ động tổ chức các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm ngày BHYT Việt Nam 1/7 trên địa bàn thông qua việc phối hợp với Sở Y tế, các cơ sở khám, chữa bệnh, Đài Phát thanh và truyền hình địa phương và các cơ quan truyền thông, báo chí khác thực hiện các phóng sự, chuyên mục, tọa đàm…; Tổ chức treo các băng rôn, khẩu hiệu... Các hoạt động truyền thông của BHXH Việt Nam đã tạo hiệu ứng sâu rộng, lan tỏa chính sách BHYT đến với đông đảo quần chúng nhân dân.