Ngành ngân hàng trao tặng 30 tỷ đồng an sinh cho vùng Tây Bắc

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình phát biểu ý kiến tại Hội nghị
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình phát biểu ý kiến tại Hội nghị
TPO - Ngày 10/12, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Bộ Lao động, thương binh & Xã hội và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phối hợp tổ chức Hội nghị bàn biện pháp giảm nghèo nhanh, bền vững 6 tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao vùng Tây Bắc.

Nhân dịp này, ngành Ngân hàng đã trao tặng 30 tỷ đồng cho 6 tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao vùng Tây Bắc để hỗ trợ các tỉnh thực hiện chủ trương xóa nhà tạm cho người nghèo trong năm 2016.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, vùng Tây Bắc luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm ưu tiên về đầu tư, cơ chế, chính sách để thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Các địa phương trong vùng Tây Bắc có nhiều nỗ lực và đạt được thành tích giảm nghèo nhanh nhất cả nước. Tuy nhiên, do còn nhiều khó khăn về điều kiện tự nhiên, đất sản xuất, hạ tầng cơ sở còn thấp, trình độ dân trí chưa cao nên tỉ lệ hộ nghèo vùng Tây Bắc vẫn cao gấp 2,67 lần bình quân cả nước và có nguy cơ khoảng cách này ngày càng nới rộng. Đáng chú ý là, tại 6 tỉnh trên địa bàn vùng, tỷ lệ hộ nghèo vẫn cao trên 20% như: Hà Giang (23%), Cao Bằng (20,05%), Yên Bái (20,56%), Sơn La (25%), Điện Biên (32,6%) và Lai Châu (23,71%).

Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình xác định được vai trò trọng yếu của khu vực Tây Bắc trong ổn định chính trị, phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, trong những năm qua, ngành Ngân hàng luôn bám sát chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước, triển khai các giải pháp để hướng dòng vốn tín dụng tập trung vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên; xây dựng chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Cùng với nguồn vốn tín dụng thương mại, nguồn vốn tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp, thủ tục vay đơn giản, không cần thế chấp tài sản là một giải pháp quan trọng giúp người nghèo tự lực vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, ổn định an ninh chính trị và xây dựng nông thôn mới vùng Tây Bắc. Các chương trình tín dụng chính sách được triển khai thông qua hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội ở vùng Tây Bắc trong những năm qua tập trung cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu vốn sản xuất kinh doanh; cho vay giải quyết việc làm, thu hút lao động nhàn rỗi; cho vay học sinh - sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; cho vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn; cho vay hộ nghèo chưa có nhà ở 

an toàn…

Theo số liệu thống kê của NHNN, tổng dư nợ cho vay tại vùng Tây Bắc ước tính đến cuối tháng 12/2015 đạt 175.047 tỷ đồng, tăng 17,85% so với 31/12/2014, chiếm tỷ trọng 3,9% so với tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế. Trong đó, tại 6 tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao dư nợ đạt 67.959 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 38,8%/tổng dư nợ tín dụng khu vực Tây Bắc, tăng 14,16% so với 31/12/2014. Riêng đối với hoạt động tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội, ước tính đến cuối 2015, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách vùng Tây Bắc đạt 30.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 21% tổng dư nợ toàn quốc, tăng 19.351 tỷ đồng so với đầu năm 2009, tương đương với tỷ lệ tăng là 181%, cao hơn tỷ lệ tăng trưởng toàn quốc.

Ngành ngân hàng trao tặng 30 tỷ đồng an sinh cho vùng Tây Bắc ảnh 1

Ngành Ngân hàng trao tặng 30 tỷ đồng cho 6 tỉnh vùng Tây Bắc

Bên cạnh các nguồn vốn tín dụng trong nước, trong những năm qua, NHNN đã tích cực đàm phán, ký kết với Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đầu tư các chương trình/dự án hỗ trợ cho các tỉnh khu vực Tây Bắc, đặc biệt là 6 tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao. Trong giai đoạn 2009-2015, đã có nhiều dự án/chương trình tập trung hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội khu vực Tây Bắc, với số vốn đạt trên 648 triệu USD, với một số dự án/chương trình tiêu biểu: dự án hỗ trợ y tế; dự án giảm nghèo giai đoạn 2; chương trình phát triển đô thị miền núi phía bắc; dự án xây dựng đường giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc; dự án phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn bền vững…

Ngoài ra, giai đoạn 2009-2015, ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều chương trình an sinh xã hội tại 14 tỉnh vùng Tây Bắc với tổng số tiền 2.262 tỷ đồng. Trong đó, tài trợ cho 6 tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao trên 20% đạt hơn 1.208 tỷ đồng (chiếm 58% tổng số hỗ trợ cho Tây Bắc).

MỚI - NÓNG