Ngành du lịch không được lùi

Mục tiêu cán mốc 13 triệu khách du lịch quốc tế khả quan nhưng không dễ dàng. Ảnh: Mạnh Thắng.
Mục tiêu cán mốc 13 triệu khách du lịch quốc tế khả quan nhưng không dễ dàng. Ảnh: Mạnh Thắng.
TP - “Thủ tướng giao nhiệm vụ cho ngành du lịch đạt mức tăng trưởng 30-50%, chúng ta không được lùi. Năm nay du lịch phải đón 13 triệu khách, được hơn càng tốt”, Bộ trưởng VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện phát biểu và nhắc đi nhắc lại: không được để du lịch tăng trưởng dưới 30%, tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của Bộ chiều 24/7.

Kỳ vọng

Khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục tăng trưởng 30,2% so với cùng kỳ năm ngoái, tương ứng hơn 6,2 triệu khách. Tháng 7 này, du lịch nước nhà đón hơn 1 triệu khách quốc tế, nâng lên tổng 7,24 triệu khách quốc tế thời điểm này. Khách nội địa cũng đạt hơn 40 triệu trong 6 tháng đầu năm, trong đó hơn 19 triệu khách lưu trú. “Chúng tôi cố gắng giữ mức tăng từng tháng để cuối năm đạt con số 13 triệu khách quốc tế”, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nói. Không chỉ “đếm đầu” khách, ông Tuấn đưa con số tổng thu từ du lịch đạt 254,7 nghìn tỷ đồng 6 tháng đầu năm, tăng 27,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Điểm sáng của du lịch thời gian qua chính là lượng khách quốc tế khá cao trong mùa hè - mùa thấp điểm của du lịch Việt Nam từ tháng 5-9 hàng năm. “Thủ tướng giao nhiệm vụ cho ngành du lịch đạt mức tăng trưởng 30-50%, chúng ta không được lùi. Năm nay du lịch phải đón 13 triệu khách, được hơn càng tốt”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nói. Ông lưu ý Tổng cục Du lịch phải theo dõi từng tháng, đảm bảo mức tăng trên 30% bởi chỉ cần 1 tháng giảm là gay go Chính phủ kỳ vọng ở sự tăng trưởng rất cao của du lịch, bù đắp ít nhiều cho một số ngành đang gặp khó.

Mục tiêu này theo đánh giá của giới chuyên gia không dễ dàng, nhất là khi du lịch còn vướng không ít hạn chế - theo ý kiến lãnh đạo Bộ VHTT&DL: Sơ suất trong tham mưu văn bản quản lý nhà nước. Một số sự cố, tai nạn đối với du khách ở một số địa bàn thách thức về năng lực quản lý, kiểm soát chất lượng kinh doanh dịch vụ phục vụ khách du lịch.

Chấn chỉnh đơn vị lữ hành

Người đứng đầu ngành du lịch đưa loạt giải pháp để duy trì mức tăng trưởng ít nhất 30% nửa cuối năm nay. Bốn nhóm giải pháp đồng thời của Tổng cục Du lịch: Đẩy mạnh quảng bá xúc tiến trong ngoài nước, thời gian tới tập trung cho thị trưởng trọng điểm như Trung Quốc, Đông Bắc Á, ASEAN, Úc, châu Âu cũng như đón khoảng 15 đoàn khảo sát từ thị trường trọng điểm. Ông Nguyễn Văn Tuấn đề xuất Bộ trưởng VHTT&DL làm việc với Tổng cục Thống kê và Bộ Tư lệnh Biên phòng bởi lượng khách đến bằng đường bộ và đường biển xưa nay thống kê chưa đầy đủ, không chính xác bằng khách từ đường hàng không. Hai nhóm giải pháp nữa là chấn chỉnh đơn vị lữ hành, hướng dẫn viên du lịch; phối hợp ngành hàng không xử lý chuyện lỡ chuyến, hủy chuyến cũng như nâng cao dịch vụ tại cửa khẩu.

“Kinh phí dành cho xúc tiến, quảng bá du lịch năm nay không hề tăng”, ông Tuấn khẳng định bên lề hội nghị. Tuy nhiên “Chúng tôi phối hợp với đối tác được hưởng lợi từ việc đưa khách sang Việt Nam. Ta chỉ phải tổ chức đoàn đi, còn lại đối tác bỏ kinh phí tổ chức sự kiện, dịch vụ. Giải pháp này vừa tiết kiệm vừa tăng hiệu quả. Ông Tuấn nhấn mạnh việc huy động địa phương và doanh nghiệp tham gia: Tổng cục mới có cơ chế thành lập CLB các nhà đầu tư và doanh nghiệp du lịch hàng đầu để tranh thủ nguồn lực xã hội hóa. Hiện 11 doanh nghiệp lớn tự nguyện góp 5 tỷ đồng trong ba năm 2017-2020 để hỗ trợ du lịch. “Tới đây sau khi Thủ tướng ký thông qua Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, chúng tôi có thêm nguồn lực tổ chức quảng bá quy mô đồng bộ và đạt hiệu quả hơn”, Tổng cục trưởng Tuấn nói.

Bộ trưởng yêu cầu Tổng cục Du lịch ưu tiên kích cầu thị trường gần như Trung Quốc, Đông Bắc Á, ASEAN và một số thị trường trọng điểm xa như Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Đức. “Phải làm thế nào có khách ngay trong năm nay, vừa phải tính đến mục tiêu lâu dài”, Bộ trưởng Thiện nói. Ông đề nghị Tổng cục tập trung chấn chỉnh tồn tại hoạt động du lịch như lữ hành, hướng dẫn viên để tạo môi trường du lịch hấp dẫn. Ông lấy ví dụ năm ngoái chấn chỉnh dịch vụ lưu trú và thu hồi sao của nhiều cơ sở lưu trú, khiến tác động tích cực - chính khách sạn bị thu sao cảm ơn Bộ vì có động lực cải tạo và làm dịch vụ tốt hơn.

Về quản lý nhà nước và tổ chức lễ hội 2017, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đánh giá có một số chuyển biến, bạo lực giảm tuy nhiên lại phát sinh hạn chế ở Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn: “Lễ hội khó ở chỗ gắn với tập tục truyền thống nên không thể một lúc nói cấm hay không cấm, cần sự tham gia của các nhà khoa học tại các hội thảo, hội nghị. Qua sự việc vừa rồi chúng ta cần nghiên cứu, tầm nhìn chiến lược chứ không thể xử lý hiện tượng xong rồi thôi”.

MỚI - NÓNG