Ngăn ngừa từ sớm, từ xa nguy cơ đe dọa, xâm hại an ninh quốc gia

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ngày 9/2, Trung tướng, PGS.TS Lê Văn Thắng, Giám đốc học viện An ninh Nhân dân, Bộ Công an đã chủ trì hội thảo khoa học cấp Bộ “Hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm củng cố, phát huy vai trò của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở” theo kế hoạch Số 09 của Bộ Công an ngày 25/1/2022.

Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, Thiếu tướng, PGS.TS Trần Anh Vũ - Phó Giám đốc Học viện An ninh nhân dân - cho biết, thực tiễn sự nghiệp bảo vệ an ninh trật tự cho thấy, các vụ việc phức tạp thường phát sinh hoặc có nguồn gốc từ địa bàn cơ sở. Việc phát hiện giải quyết kịp thời, nhanh chóng có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm chủ động ngăn ngừa các nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia "từ sớm, từ xa".

Thiếu tướng Trần Anh Vũ cho rằng, để đáp ứng yêu cầu đó, cần quan tâm đến việc tổ chức, quản lý, chỉ đạo lực lượng quần chúng tham gia bảo đảm an ninh trật tự ngay địa bàn cơ sở. Nhận thức rõ vấn đề này, tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định "quan tâm xây dựng lực lượng bảo đảm trật tự, an toàn xã hội cơ sở đủ mạnh, đáp ứng đòi hỏi nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự ở cơ sở".

Ngăn ngừa từ sớm, từ xa nguy cơ đe dọa, xâm hại an ninh quốc gia ảnh 1

Thiếu tướng, PGS.TS Trần Anh Vũ, Phó Giám đốc Học viện An ninh nhân dân báo cáo Đề dẫn tại Hội thảo.

Vẫn theo Phó Giám đốc Học viện An ninh, hiện nay, cùng với lực lượng Công an nhân dân, trên địa bàn cấp xã có sự tham gia bảo vệ ANTT của lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách đã kết thúc nhiệm vụ được tiếp tục sử dụng. Các lực lượng này được gọi chung là lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở. Đây là lực lượng quần chúng do Uỷ ban nhân dân cấp xã thành lập, quản lý, duy trì hoạt động; hỗ trợ lực lượng Công an trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT ở địa bàn cấp xã.

Tuy nhiên, thực tiễn tổ chức và hoạt động của các lực lượng này thời gian qua đã bộc lộ nhiều vướng mắc bất cập nhất là về chính sách, pháp luật. Các quy định hiện hành về tổ chức, hoạt động, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở được đề cập ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau; do nhiều cơ quan có thẩm quyền ban hành. Các quy định về thẩm quyền thực hiện một số nhiệm vụ bảo vệ ANTT, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ bị chồng lấn giữa các lực lượng. Quy định về chế độ, chính sách; điều kiện đảm bảo về cơ sở vật chất, trang, thiết bị hoạt động của các lực lượng này còn thiếu và chưa thống nhất... Điều này đã gây ra nhiều khó khăn trong lãnh đạo, quản lý, duy trì, củng cố và phát huy vai trò của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở; làm giảm hiệu quả hoạt động…

Ngăn ngừa từ sớm, từ xa nguy cơ đe dọa, xâm hại an ninh quốc gia ảnh 2

Các đại biểu tham gia hội thảo.

Chính vì vậy, việc tổ chức hội thảo nhằm đánh giá, làm rõ chính sách, pháp luật và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở thời gian qua. Qua đó, đề xuất các giải pháp góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm tiếp tục củng cố, phát huy vai trò lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở phù hợp với tình hình mới.

Quá trình tổ chức, Hội thảo đã nhận được 39 bài viết tham luận có chất lượng của các đại biểu; đồng thời đã có các ý kiến thảo luận để tập trung làm rõ một số vấn đề trọng tâm như: Thống nhất chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở; làm rõ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quan hệ phối hợp, chế độ hỗ trợ, điều kiện đảm bảo để lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đánh giá thực tiễn tổ chức hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở thời gian qua, chỉ ra những bất cập của các quy định hiện hành đối với lực lượng này.

Đa số các ý kiến tham luận tại hội thảo đều thống nhất đề xuất Bộ Công an sớm hoàn thiện, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng này tại cơ sở, bảo đảm ANTT ở địa bàn cơ sở.

MỚI - NÓNG