Ngăn ngừa phình to nợ xấu

Ngăn ngừa phình to nợ xấu
Việc thành lập một Cty quản lý tài sản sẽ nhằm xử lý nợ xấu một cách tập trung và với quy mô lớn, dù rằng quá trình xử lý và hạn chế nợ xấu gia tăng thực tế được triển khai suốt thời gian qua.

Ngăn ngừa phình to nợ xấu

> Ngân hàng 'né' trích lập dự phòng rủi ro

> Ngân hàng đang mua bán nợ xấu lẫn nhau

Việc thành lập một Cty quản lý tài sản sẽ nhằm xử lý nợ xấu một cách tập trung và với quy mô lớn, dù rằng quá trình xử lý và hạn chế nợ xấu gia tăng thực tế được triển khai suốt thời gian qua.

Ngăn ngừa phình to nợ xấu ảnh 1
 Ảnh: minh họa
 

Ép giảm…

Sự gia tăng nợ xấu- theo báo cáo thực hiện đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế do Bộ KHĐT được ủy quyền soạn thảo- có xu hướng tăng chậm lại từ quý II/2012. Cụ thể, thay vì mức tăng dần từ 7,29% đến 9,35% trong 3 tháng đầu năm, mức tăng nợ xấu bắt đầu giảm mạnh với con số 8,28% trong tháng 4, giảm còn 6,59% trong tháng 5 và giảm mạnh xuống còn 1,2% trong tháng 6 năm 2012.

Bộ KHĐT cho rằng, diễn biến trên cho thấy các giải pháp hạn chế nợ xấu gia tăng của NHNN cũng như các giải pháp tự xử lý nợ xấu của các TCTD bắt đầu phát huy tác dụng.

Ngay từ cuối tháng 4-2012, NHNN sớm đưa ra một số giải pháp nhằm hạn chế nợ xấu gia tăng. Một giải pháp căn cơ là cho phép các TCTD giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản nợ được điều chỉnh kỳ hạn nợ, gia hạn nợ nếu xét thấy hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng có chiều hướng tích cực và có khả năng trả nợ tốt sau khi điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ.

Nhờ giải pháp này, chỉ sau hai tháng và cho đến ngày 30-6-2012, có tới 36.500 tỉ đồng dư nợ tín dụng được cơ cấu lại và giữ nguyên nhóm nợ. Giải pháp này, theo đánh giá của Bộ KHĐT, giúp giảm bớt áp lực trả nợ, lãi phạt và tăng khả năng tiếp cận vay vốn đối với khách hàng vay.

Bên cạnh giải pháp này, NHNN cũng yêu cầu các TCTD xem xét cấp tín dụng hợp vốn đối với các dự án lớn có hiệu quả và tích cực thực hiện các giải pháp xử lý nợ, mua bán nợ. Đồng thời tăng cường thanh tra, giám sát các TCTD trong việc thực hiện các giải pháp cơ cấu lại, phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro,,, Qua đó, buộc các TCTD phải thực hiện phân loại nợ, trích lập đầy đủ dự phòng để tạo nguồn xử lý nợ xấu và yêu cầu nhà băng vi phạm quy định về tập trung tín dụng phải thu hồi nợ, để tạo nguồn mở rộng tín dụng cho các đối tượng khác.

Tự thân và tập trung

Bản thân các TCTD- theo báo cáo của Bộ KHĐT, cũng chủ động thực hiện các giải pháp tự xử lý nợ xấu. Đáng lưu ý, có việc chủ động thanh lý tài sản bảo đảm, bán nợ để thu hồi vốn, giảm nợ xấu cũng như chuyển nợ thành vốn góp, cổ phần của DN vay hay tham gia cơ cấu lại DN.

Con số dự phòng rủi ro xử lý nợ xấu được các nhà băng trích lập cũng tăng mạnh so với thời điểm cuối năm 2011. Con số được dẫn trong báo cáo cho thấy, đến cuối tháng 8.2012, số dự phòng rủi ro được các TCTD trích lập nhưng chưa sử dụng đạt 72.907 tỉ đồng, tăng tới hơn 14.000 tỉ đồng so với thời điểm cuối năm 2011. Cũng trong khoảng thời gian này, số nợ xấu được các TCTD xử lý bằng nguồn dự phòng rủi ro là gần 8.000 tỉ đồng.

Song dù nợ xấu giải quyết được trong các tháng đầu năm đạt khoảng 36.000 tỉ đồng, con số nợ xấu của toàn hệ thống tính đến cuối tháng 10.2012 vẫn chiếm khoảng 8-10% tổng dư nợ. Với quy mô tổng dư nợ của nền kinh tế khoảng 2,7 triệu tỉ đồng, con số nợ xấu sẽ vượt quá khả năng xử lý của bất kỳ TCTD hay Cty mua bán nợ nào hiện nay.

Việc thành lập một Cty quản lý tài sản để xử lý nợ xấu một cách tập trung và với quy mô lớn theo đó là cần thiết, trong đó tập trung xử lý nợ xấu có tài sản bảo đảm là bất động sản. Dù vẫn đang nằm trong đề án, mục tiêu của Cty quản lý tài sản sẽ là xử lý nợ xấu, lành mạnh hóa tài chính và giảm thiểu rủi ro cho các TCTD, DN và cá nhân vay vốn, tối đa hóa giá trị thu hồi nợ...

Câu chuyện đặt ra là, dù với mô hình và theo hướng nào, việc xử lý khối nợ xấu khổng lồ hiện nay cần một định chế đủ lớn và xử lý càng sớm càng tốt.

Theo Hà Vinh
Lao Động

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG