Ngân hàng Nhà nước rút hơn 82.000 tỷ đồng trong tuần cuối năm

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Vẫn ghi nhận các giao dịch bơm hàng nghìn tỷ đồng hỗ trợ thanh khoản cho các nhà băng có nhu cầu, nhưng NHNN đã rút ròng hơn 82.000 tỷ trong tuần cuối cùng của năm 2022.

Vẫn ghi nhận các giao dịch bơm hàng nghìn tỷ đồng hỗ trợ thanh khoản cho các nhà băng có nhu cầu, nhưng NHNN đã rút ròng hơn 82.000 tỷ trong tuần cuối cùng của năm 2022.

Ngân hàng Nhà nước rút hơn 82.000 tỷ đồng trong tuần cuối năm ảnh 1

NHNN đã rút về hơn 82.000 tỷ đồng trong tuần giao dịch cuối cùng của năm 2022 Dương lịch. Ảnh: Chí Hùng.

Theo số liệu về kết quả đấu thầu thị trường mở của Ngân hàng Nhà nước, trong phiên giao dịch cuối cùng của năm nay 2022 (ngày 30/12), nhà điều hành vẫn thực hiện các giao dịch mua giấy tờ có giá với kỳ hạn 7 ngày để bơm tiền hỗ trợ thanh khoản cho 10 ngân hàng có nhu cầu, giá trị đạt gần 17.400 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, cơ quan quản lý tiền tệ đồng thời thực hiện giao dịch bán tín phiếu với giá trị 24.400 tỷ đồng, kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 6%/năm, để rút về lượng tiền Đồng tương ứng từ 4 thành viên thị trường.

Tính riêng các giao dịch mua - bán giấy tờ có giá trên thị trường mở, NHNN đã thực hiện rút ròng hơn 7.000 tỷ đồng trong phiên giao dịch cuối cùng của năm 2022 Dương lịch.

Rút ròng gần 82.500 tỷ đồng tuần cuối năm

Đáng chú ý, trong cả tuần cuối năm này, dù nhà điều hành vẫn duy trì các giao dịch mua giấy tờ có giá kỳ hạn 7 ngày với giá trị hàng nghìn tỷ đồng/phiên, xu hướng chung của NHNN vẫn là rút ròng khối lượng tiền Đồng khỏi hệ thống.

Trong cả tuần này (26-30/12), NHNN đã bơm gần 42.000 tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng thông qua các giao dịch mua giấy tờ có giá. Ngược lại, nhà điều hành đã thực hiện rút hơn 124.000 tỷ đồng khỏi hệ thống thông qua các giao dịch bán tín phiếu kỳ hạn 7 ngày. Lãi suất các giao dịch chủ yếu ở mức 6%/năm.

Như vậy, tính chung cả tuần, đã có gần 82.500 tỷ đồng được NHNN rút khỏi hệ thống ngân hàng thương mại. Trong tuần trước đó, nhà điều hành cũng đã rút ròng hơn 65.000 tỷ thông qua các giao dịch mua - bán giấy tờ có giá trên thị trường mở.

Ngân hàng Nhà nước rút hơn 82.000 tỷ đồng trong tuần cuối năm ảnh 2

Xét trong những năm gần đây, rất ít khi NHNN thực hiện rút ròng tiền Đồng khỏi hệ thống ngân hàng trong các tuần giao dịch cuối năm. Nguyên nhân do đây là giai đoạn các ngân hàng thương mại cần nhiều tiền mặt để chi trả nhu cầu rút tiền chi tiêu, mua sắm cuối năm của người dân.

Như năm 2021, trong tuần giao dịch cuối cùng của năm Dương lịch, NHNN đã không thực hiện bất kỳ giao dịch rút tiền nào, thay vào đó, đã có hơn 10.500 tỷ đồng được nhà điều hành bơm ra thị trường. Năm 2019-2020, không phát sinh giao dịch bơm - rút tiền thông qua thị trường mở, nhưng năm 2018, nhà điều hành cũng bơm ròng hơn 77.400 tỷ đồng trong tuần cuối cùng của năm.

Lãi suất qua đêm chưa ngừng giảm

Theo các chuyên gia phân tích, việc NHNN thực hiện giao dịch rút tiền với khối lượng lên tới hơn 124.000 tỷ đồng và rút ròng gần 82.500 tỷ trong tuần cuối cùng của năm cho thấy nhà điều hành đang thận trọng với diễn biến tỷ giá USD/VNĐ.

Trước đó, các chuyên gia đều khẳng định những chính sách tiền tệ NHNN đưa ra từ đầu năm chủ yếu là để kiểm soát tỷ giá USD/VNĐ, trong bối cảnh sức mạnh đồng USD tăng lên khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục nâng lãi suất. Theo đó, các giao dịch rút tiền Đồng của NHNN khỏi hệ thống ngân hàng là để kéo lãi suất cho vay VNĐ trên thị trường liên ngân hàng lên cao hơn lãi suất cho vay USD, từ đó giảm nhu cầu găm giữ USD từ các thành viên thị trường.

Ngân hàng Nhà nước rút hơn 82.000 tỷ đồng trong tuần cuối năm ảnh 3

Tuy nhiên, trong khoảng hai tuần gần đây, lãi suất cho vay VNĐ liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm liên tục lao dốc, hiện đã mất mốc 3%/năm (ngày 29/12). Trong khi đó, lãi suất cho vay cùng kỳ hạn với đồng USD theo NHNN vẫn duy trì ở mức trên 4%/năm. Như vậy, chênh lệch lãi suất giữa VNĐ và USD liên ngân hàng một lần nữa rơi xuống mức âm. Điều này có thể khiến nhu cầu nắm giữ USD của các ngân hàng tăng lên, khi việc cho vay USD trên thị trường này mang lại lợi suất cao hơn cho vay VNĐ.

Để giảm thiểu nhu cầu này, nhà điều hành buộc phải rút mạnh khối lượng tiền Đồng về để kéo lãi suất VNĐ liên ngân hàng trở lại mức trên 5%/năm. Tuy nhiên, hiện tại, đường cong lãi suất VNĐ liên ngân hàng vẫn chưa có tín hiệu đảo chiều.

Các chuyên gia cũng cho rằng với diễn biến này, nhiều khả năng các phiên giao dịch đầu năm 2023 vẫn tiếp tục ghi nhận xu hướng rút ròng khối lượng tiền Đồng của NHNN.

Công ty Chứng khoán SSI cho biết việc NHNN quay lại sử dụng kênh phát hành tín phiếu hút tiền ra khỏi hệ thống gần đây chủ yếu để đẩy mặt bằng lãi suất VNĐ liên ngân hàng cao hơn, trong bối cảnh thanh khoản có phần nào dư thừa ngắn hạn.

Theo SSI, nguyên nhân dẫn đến thanh khoản hệ thống ngân hàng bất ngờ có dư thừa ngắn hạn có thể đến từ việc các nhà băng đẩy mạnh chuẩn bị phần nguồn vốn cho giai đoạn cao điểm cuối năm (Âm lịch) trong khi hoạt động tín dụng trên hệ thống chưa tích cực như kỳ vọng khi lãi suất cho vay vẫn ở mức cao và các hoạt động trong nền kinh tế chậm lại.


Link gốc: https://zingnews.vn/ngan-hang-nha-nuoc-rut-hon-82000-ty-dong-trong-tuan-cuoi-nam-post1389911.html

MỚI - NÓNG
Đèo An Khê tê liệt
Đèo An Khê tê liệt
TPO - Một khối lượng đất đá bị sạt xuống đường làm bịt lối thoát nước gây ngập một đoạn đường trên đèo An Khê, khiến giao thông bị tê liệt.