Ngày 27/12, tại họp báo cung cấp kết quả hoạt động của hệ thống kho bạc năm 2022, đại diện Kho bạc Nhà nước đã trả lời câu hỏi của PV Tiền Phong về số tiền ngân quỹ nhà nước khoảng 900.000 tỷ đồng đang gửi ở các ngân hàng nào và lãi suất bao nhiêu.
Ông Lưu Hoàng - Cục trưởng Cục Quản lý Ngân quỹ, Kho bạc Nhà nước - cho biết, nguồn tiền của Kho bạc Nhà nước gửi tại hệ thống ngân hàng khoảng 900.000 tỷ đồng. Nguồn tiền bao gồm: Tồn quỹ của ngân sách trung ương, tồn quỹ ngân sách địa phương (khoảng 700.000 tỷ đồng); tồn quỹ của hơn 700 huyện, hơn 10.000 xã. Trong đó, số dư tồn quỹ của ngân sách địa phương lớn nhất.
“Số tiền này gửi ở ngân hàng chia thành 2 loại. Thứ nhất là tiền gửi không kỳ hạn tại Ngân hàng Nhà nước theo quy định. Cuối ngày, toàn bộ tiền dư trong hệ thống Kho bạc Nhà nước sẽ gửi tại Ngân hàng Nhà nước. Thứ 2 là số tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng thương mại đáp ứng quy định của Bộ Tài chính với các kỳ hạn 1-2-3 tháng. Trong đó, chủ yếu kỳ hạn 1 tháng với lãi suất hiện nay theo quy định đấu thầu giữa các ngân hàng với mức khoảng 6%”, ông Hoàng cho biết.
Khoảng 800.000 tỷ đồng tiền ngân quỹ nhà nước đang được gửi tại ngân hàng thương mại do nhà nước nắm cổ phần chi phối. Ảnh minh họa |
Theo bà Trần Thị Huệ - Phó Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước, Kho bạc Nhà nước gửi có kỳ hạn tại một số ngân hàng thương mại theo đúng quy định pháp luật. Kho bạc Nhà nước gửi tại các ngân hàng hoạt động tốt, đáp ứng an toàn vốn theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước.
Trên cơ sở danh sách của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính tiếp tục đưa ra tiêu chí đánh giá và lựa chọn danh sách ngân hàng để gửi số tiền ngân quỹ. Hiện nay, tiền ngân quỹ nhà nước được gửi tại 4 ngân hàng thương mại có cổ phần nhà nước chi phối.
Ngoài ra, năm 2022, Kho bạc Nhà nước chủ động báo cáo Bộ Tài chính điều chỉnh khối lượng huy động vốn so với kế hoạch dự toán ban đầu để đảm bảo hiệu quả huy động vốn.
“Kho bạc Nhà nước sử dụng ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi (khoản khoảng 900.000 tỷ đồng) để cho ngân sách trung ương vay trong trường hợp huy động vốn trên thị trường khó khăn không đạt khối lượng dự kiến hoặc phải vay với lãi suất cao. So sánh chi phí vay nợ giữa 2 kênh này, vay ngân quỹ nhà nước chỉ có lãi suất 0,8%. Tuy nhiên, ngân quỹ nhà nước đã có nguồn chi nên không thể cho vay với kỳ hạn dài. Kho bạc Nhà nước hài hòa giữa 2 khoản này và góp phần giúp huy động Trái phiếu Chính phủ năm 2022 giảm xuống thấp”, bà Huệ cho biết.
Trước đó, vào tháng 11/2022, trả lời trước Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, do việc giải ngân khó khăn nên còn gần 900.000 tỷ đồng ngân sách đang được gửi tại ngân hàng. Trong đó, khoản tiền gửi không kỳ hạn khoảng 600.000 tỷ đồng và có kỳ hạn 290.000 tỷ đồng. Số tiền ngân sách gửi tại ngân hàng trên do nhiều khoản dự toán chi chưa đạt kế hoạch. Bước sang tháng 12/2022, sau khi giải ngân các khoản chi nên số tiền ngân quỹ còn khoảng 800.000 tỷ đồng.