Ngân hàng ngoại và cuộc đổ bộ lần 3 vào Việt Nam

Ngân hàng ngoại và cuộc đổ bộ lần 3 vào Việt Nam
Một thị trường non trẻ như Việt Nam được xem là mảnh đất màu mỡ cho các tổ chức tài chính lâu đời, trong đó có các ngân hàng. Cuộc đổ bộ lần thứ 3 của các ngân hàng ngoại vào Việt Nam có gì lạ?

Kể từ làn sóng thành lập ngân hàng ngoại 100% vốn vào năm 2008, Việt Nam mới có thêm một ngân hàng mới, đó là Public Bank Berhad (PBB) đến từ Malaysia. Trên thực tế, PBB mua lại phần vốn góp của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và chuyển đổi mô hình hoạt động từ ngân hàng liên doanh trở thành ngân hàng 100% vốn nước ngoài.

Chiếm 2 trong số 6 ngân hàng ngoại hiện hoạt động theo mô hình trên, có vẻ như người Malaysia rất hứng thú với thị trường Việt Nam. Trong khi đó, Maybank thì có chi nhánh và đầu tư góp vốn vào Ngân hàng An Bình; CIMB cũng cho biết ý định sẽ thâm nhập thị trường từ hồi giữa năm ngoái. Cả ba ngân hàng này đều nằm trong nhóm đầu các ngân hàng lớn ở Malaysia.

Tuy nhiên, Malaysia không phải là quốc gia duy nhất đưa thị trường Việt vào tầm ngắm. Các ngân hàng ngoại, nhất là những ngân hàng phương Đông, đang tăng tốc đổ vốn vào Việt Nam.


Ba làn sóng

Một thị trường non trẻ như Việt Nam được xem là mảnh đất màu mỡ cho các tổ chức tài chính lâu đời, trong đó có các ngân hàng. Trên thực tế, kể từ khi mở cửa nền kinh tế đến nay, Việt Nam nhiều lần thay đổi cơ chế chính sách dành cho các tổ chức tài chính nước ngoài. Và mỗi lần thay đổi như thế, ngân hàng ngoại lại nhảy vào dưới các hình thức khác nhau.

Làn sóng đầu tiên bắt đầu manh nha từ nửa đầu thập niên 1990. Khi đó, các ngân hàng thương mại nhà nước bắt tay liên doanh với các ngân hàng nước ngoài, trong đó có thể kể đến các ngân hàng liên doanh với Đài Loan, Malaysia, Thái Lan và Nga. Và hình thức thứ hai là thành lập các chi nhánh. Theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, ở giai đoạn này phần lớn là những ngân hàng có uy tín hàng đầu trên thế giới, đến từ các quốc gia có nền tài chính phát triển như Mỹ, Đức, Anh, Pháp và một vài ngân hàng châu Á.

Nhưng mãi đến năm 1999, các ngân hàng ngoại mới ồ ạt đổ về Việt Nam. Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán VPBS, chỉ trong vòng 2 năm, đã có 25 chi nhánh mới xuất hiện. Trong số này có những tên tuổi lớn trên thị trường tài chính quốc tế như Deustche Bank, Sumitomo Mitsui, Tokyo- Mitsubishi UFJ.

Làn sóng thứ hai gắn liền giai đoạn Việt Nam mở cửa nhiều hơn đối với lĩnh vực tài chính kể từ những năm 2000 trở đi. Trong đó có hai chính sách quan trọng trong giai đoạn này là Hiệp định thương mại song phương với Mỹ năm 2001 (theo đó, các tổ chức tài chính của Mỹ được đối xử ngang bằng với các tổ chức tài chính của Việt Nam) và gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2007.

Thời kỳ này chứng kiến một hình thức thâm nhập thị trường mới, đó là thành lập ngân hàng ngoại 100% vốn và góp vốn mua lại cổ phần các ngân hàng nội địa. Nếu như mua lại cổ phần được xem là một hình thức tiếp cận và tìm hiểu thị trường ngân hàng Việt Nam thì thành lập các ngân hàng 100% vốn đồng nghĩa với việc các ngân hàng ngoại quyết định chinh phục thị trường Việt bằng những sản phẩm cụ thể. Trong số này có thể kể đến các ngân hàng toàn cầu như HSBC, Standard Chartered, ANZ hay các ngân hàng trong khu vực châu Á như Hong Leong (Malaysia) và Shinhan (Hàn Quốc).

Đến năm 2014, đã có những tín hiệu mới cho thấy xuất hiện làn sóng thứ ba ở Việt Nam. Dù không có hình thức nào mới xuất hiện, nhưng xét ở mức độ nhộn nhịp thì có phần hơn hẳn. Ngoài việc PBB trở thành ngân hàng ngoại 100%, còn nhiều ngân hàng khác được cấp phép thành lập chi nhánh. Gần đây là Kasikornbank (Thái Lan). Sau khi ký kết hợp tác toàn diện với VietinBank vào năm 2011, tháng 3 vừa qua Kasikornbank đã mở 2 chi nhánh ở Hà Nội và TP.HCM. Hồi tháng 11 năm ngoái, Ngân hàng Nhà nước cũng cấp phép thành lập chi nhánh cho Hana Bank (Hàn Quốc).

Ngân hàng ngoại và cuộc đổ bộ lần 3 vào Việt Nam ảnh 1

Ngân hàng ngoại tăng tốc rót vốn vào Việt Nam những năm gần đây

Các ngân hàng châu Á tăng tốc

Đáng chú ý là giai đoạn này, làn sóng đổ bộ từ các ngân hàng Phương Đông dường như nhộn nhịp hơn ngân hàng phương Tây. Trong khi đó, ở Việt Nam, “ngân hàng các nước trong khu vực châu Á có vẻ như phát triển tốt hơn các ngân hàng từ phương Tây”, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhận xét.

Ngay cả với trường hợp của HSBC, một ngân hàng có quy mô toàn cầu có xuất xứ từ Anh, nhưng lại là ngân hàng lâu đời ở châu Á và am hiểu thị trường này. Tuy nhiên, nếu như HSBC đi theo con đường bán lẻ thì các ngân hàng ngoại khác lại chủ yếu phục vụ cho nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). “Các chi nhánh nước ngoài phục vụ chủ yếu cho những khách hàng truyền thống và các khách hàng Việt Nam có liên quan đến khách hàng truyền thống của họ”, ông Hiếu nói.

Lấy ví dụ ở Hàn Quốc, quốc gia này đang dẫn đầu về lượng vốn FDI đổ vào Việt Nam trong thời gian gần đây (năm 2014, vốn FDI từ Hàn Quốc đạt 7 tỉ USD, chiếm 36,2% tổng số vốn FDI và cao nhất trong số các quốc gia đầu tư vào Việt Nam). Theo dòng vốn FDI, các ngân hàng Hàn Quốc cũng đang dồn vốn về Việt Nam. 

Gần đây, Ngân hàng Industrial Bank of Korea đã được mở thêm chi nhánh ở Hà Nội. Còn Shinhan Bank Vietnam (ngân hàng 100% vốn) được chấp thuận mở thêm 3 chi nhánh và phòng giao dịch từ cuối tháng 10.2014. Trả lời báo giới, ông Heo Young Taeg, Tổng Giám đốc Shinhan Bank Vietnam, cho biết việc mở rộng mạng lưới là nhằm gia tăng sự hiện diện, cạnh tranh và phục vụ tốt hơn với khách hàng là các doanh nghiệp FDI ở nước sở tại.

Tương tự, đại diện của Kasikornbank cho rằng Ngân hàng phục vụ cho mục tiêu kết nối doanh nghiệp Thái lan với Việt Nam và các doanh nghiệp khác trong khu vực.

Sự hiện diện nhiều hơn của ngân hàng đến từ Malaysia, Thái Lan cho thấy các ngân hàng lớn trong khu vực đang đón đầu những cú hích mới đến từ việc hợp tác thương mại giữa các quốc gia với nhau, nhất là khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đang trong lộ trình thực thi. Các ngân hàng kỳ vọng một thị trường chung thống nhất với 600 triệu dân cùng lượng doanh nghiệp khổng lồ và các ngân hàng ngoại quốc được đối xử bình đẳng với các tổ chức nội địa.

Nhưng đó là thì tương lai, còn trong hiện tại, sự đóng góp của nhóm ngân hàng ngoại vẫn còn hạn chế. Theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, vai trò của họ trong ngành ngân hàng vẫn chưa thể hiện đầy đủ sức mạnh vốn có. Theo số liệu từ website Ngân hàng Nhà nước, quy mô tài sản của nhóm ngân hàng liên doanh, ngân hàng nước ngoài chỉ chiếm 10,8% tổng tài sản toàn hệ thống (bao gồm cả các công ty tài chính). Và ngoài TP.HCM và Hà Nội, các ngân hàng ngoại vẫn chưa vươn tới những thành phố vệ tinh khác.

Dù vậy, sự năng động hơn của khối ngoại đang gây áp lực lớn lên các ngân hàng nội địa. Xét về quy mô vốn, công nghệ và kinh nghiệm, các ngân hàng Việt vẫn còn thua kém so với các ngân hàng bạn. Tuy nhiên, đây lại là áp lực tích cực vì nó buộc các ngân hàng nội địa phải mau chóng tái cấu trúc, tăng năng lực cạnh tranh nếu không muốn mất thị phần ngay trên sân nhà.

Theo Theo Nhịp cầu đầu tư
MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.