Nguồn vốn của các DNKN hiện đến từ 3 nguồn chính: gia đình, bạn bè, các quỹ đầu tư và nhà đầu tư. Còn lại, chỉ có một số ít doanh nghiệp tiếp cận được với nguồn vốn từ ngân hàng, bởi với DNKN sáng tạo chủ yếu mới chỉ có ý tưởng đổi mới sáng tạo – là những sản phẩm trí tuệ, vô hình rất khó định giá. Mà đây là điều kiện cần để ngân hàng định giá doanh nghiệp làm tài sản thế chấp cho các doanh nghiệp vay vốn hay không.
Để tháo gỡ những khó khăn này, một số ngân hàng đã hỗ trợ DNKN qua việc triển khai chương trình giảm lãi suất vay, cung cấp các gói tín dụng ưu đãi cho DNKN vay vốn, với các thủ tục và điều kiện tín dụng sẽ được điều chỉnh theo hướng thông thoáng và dễ dàng hơn cho phù hợp với đặc thù của DN mới, nhưng vẫn cần có tài sản đảm bảo của chính người vay vốn sở hữu.
Ví dụ như Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - Vietinbank và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank đang áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa 6%/năm cho DNKN; Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) với Chương trình Ưu đãi Doanh nghiệp Siêu nhỏ và Doanh nghiệp khởi nghiệp vay vốn chỉ từ 6,5%/năm; Ngân hàng Việt Á triển khai gói tín dụng ưu đãi “Khát vọng khởi nghiệp”, giá trị 1.500 tỷ sẽ tài trợ vốn cho các doanh nghiệp là hội viên Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam; Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) sẽ triển khai gói 3.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp với lãi suất đặc biệt ưu đãi chỉ từ 6.8%/năm, v.v…
Ngoài ra, các ngân hàng đang từng bước mở rộng hình thức cầm cố tài sản đảm bảo thế chấp theo xu hướng chung của nền kinh tế thị trường là vay vốn ngân hàng đảm bảo bằng tài sản trí tuệ và cải thiện quy trình, thủ tục thẩm định cho vay các doanh nghiệp, như ngân hàng Vietcombank gần đây đã đầu tư hệ thống thẩm định điện tử hiện đại và tự động để rút ngắn thời gian thẩm định và ra quyết định cho vay.
Đây là những thông tin tích cực cho hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam. Qua đó các DNKN sẽ có cơ hội tiếp cận dễ dàng hơn với nguồn vốn từ các ngân hàng và cơ hội để có bước phát triển đột phá.