Ngăn chặn 'xin cho' khi thành lập hội

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước
TP - “Đặc thù cũng phải có tiêu chí, nếu không lại diễn ra cơ chế xin cho kinh phí hoạt động. Hội này xin được, hội kia cũng xin được”, Đại biểu Nguyễn Đình Quyền nêu khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án Luật về hội ngày 24/9.

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình, đến tháng 12/2014 cả nước có hơn 52 nghìn hội (483 hội hoạt động trên phạm vi cả nước, hơn 52 nghìn hội hoạt động ở địa phương), trong đó có hơn 8 nghìn hội có tính chất đặc thù. Đây là những biểu hiện tích cực của quá trình dân chủ hóa xã hội và vai trò làm chủ của nhân dân. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bình, việc thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng cũng như việc cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về quyền lập hội của công dân vẫn còn chậm, phân tán, thiếu tính hệ thống và đồng bộ. 

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, những nội dung quy định trong luật phải bảo đảm cho công dân thực hiện quyền lập hội của mình, phát huy tính tự nguyện, tự quản, tự chịu trách nhiệm của các hội, nhất là tự chủ về tài chính, hạn chế tối đa sự bao cấp, trông chờ vào sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.

Khẳng định việc lập hội là quyền của công dân, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đồng tình với quy định, làm sao giảm dần bao cấp của nhà nước. Theo ông Ksor Phước, cùng với Bộ luật Hình sự (sửa đổi), tới đây sẽ phải quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân. Qua đó, hội nào ra đời mà có các hoạt động chống phá thì bị “giải tán” và người đứng đầu hội đó thì phải bị xử lý.

MỚI - NÓNG