Nhiều trường hợp gây lãng phí, làm cạn kiệt nguồn lực
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Nghị quyết cũng nêu rõ thực trạng như việc quản lý, khai thác, sử dụng, phát huy các nguồn lực hiện còn hạn chế, bất cập; việc phân bổ và sử dụng các nguồn lực chưa hợp lý, hiệu quả chưa cao, nhiều trường hợp chưa theo cơ chế thị trường, gây lãng phí và làm cạn kiệt nguồn lực của đất nước.
Chất lượng nguồn nhân lực nhìn chung còn thấp, cơ cấu lao động theo trình độ đào tạo còn bất hợp lý, thiếu hụt nhân lực là kỹ sư thực hành, công nhân kỹ thuật bậc cao, trình độ ngoại ngữ hạn chế, thiếu các kỹ năng mềm. Tình trạng thất nghiệp ở nhóm lao động trẻ hoặc không phù hợp giữa công việc và trình độ đào tạo còn khá phổ biến. Năng suất lao động thấp so với các nước trong khu vực.
Bên cạnh đó, việc quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên chưa hiệu quả. Diện tích đất sử dụng kém hiệu quả hoặc chưa sử dụng còn lớn; nhiều địa phương buông lỏng quản lý dẫn đến tình trạng đất bị hoang hoá, bị lấn chiếm, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và gây thất thu ngân sách nhà nước.
Tích tụ đất nông nghiệp
Trước thực tế trên, Nghị quyết đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp, trong đó yêu cầu hực hiện công khai, minh bạch, bình đẳng và dân chủ hoá đời sống kinh tế - xã hội. Kiểm soát tốt quyền lực, đề cao trách nhiệm giải trình và đạo đức công vụ. Xây dựng và thực thi nghiêm các chế tài đủ mạnh nhằm ngăn chặn hành vi cửa quyền, độc quyền; cơ chế xin - cho; lợi ích nhóm; đẩy lùi tham nhũng, góp phần củng cố lòng tin của các nhà đầu tư, doanh nghiệp và toàn xã hội.
Về nguồn nhân lực, tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu thị trường lao động. Triệt để khắc phục "bệnh thành tích" và những tiêu cực trong giáo dục, đào tạo; khắc phục tâm lý và hiện tượng quá coi trọng và đề cao "Bằng cấp", "Chứng chỉ" một cách hình thức trong tuyển dụng và đánh giá nhân lực.
Phát hiện, bồi dưỡng, trọng dụng và sử dụng có hiệu quả "nhân tài", tập trung thu hút "người tài từ nước ngoài". Nhà nước tiếp tục đầu tư, hiện đại hoá, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục năng khiếu trong giáo dục phổ thông.
Bên cạnh đó, sửa đổi, hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách tạo khung khổ pháp lý điều chỉnh hạn điền, thực hiện tích tụ tập trung ruộng đất để cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển các vùng thâm canh, chuyên canh nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao; phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao. Rà soát diện tích đất và tình hình đất đã giao cho các chủ sử dụng, nhất là các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước quy mô lớn.
Hài hòa lợi ích khi thu hút đầu tư kết cấu hạ tầng
Hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế, các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng theo hướng công khai, minh bạch, bảo đảm hài hoà lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và xã hội, coi đây là giải pháp đột phá để thực hiện các mục tiêu bảo đảm hoàn thiện cơ sở vật chất và hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư công thông qua xây dựng, thực hiện tốt kế hoạch đầu tư phát triển trung hạn, dài hạn. Ưu tiên đầu tư các công trình có tính cấp bách, trọng tâm, trọng điểm, các công trình kết cấu hạ tầng bảo đảm tính đồng bộ, tính kết nối nhằm phát huy hiệu quả đầu tư, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm bảo đảm việc huy động, sử dụng nguồn vốn đầu tư công đúng mục đích, hiệu quả, xử lý nghiêm các vi phạm gây tổn thất, lãng phí. Đồng thời, rà soát tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, kiên quyết chấm dứt đầu tư đối với các dự án kém hiệu quả, thiếu tính khả thi để tập trung đầu tư cho các công trình và dự án cấp bách khác.