Thu hồi, đấu giá 435 bảng quảng cáo
UBND thành phố Hà nội đã ban hành Quyết định 1997/QĐ-UBND về việc phê duyệt quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn thành phố đến năm 2020, định hướng đến năm 2050. Theo Dự thảo kế hoạch triển khai Quyết định trên, tổng số vị trí theo quy hoạch cũ là 525 vị trí. Trong đó sẽ có 130 vị trí hủy bỏ, 46 vị trí điều chỉnh, 40 vị trí bổ sung mới. Tổng số bảng quảng cáo sau điều chỉnh quy hoạch là 435 vị trí. Các bảng quảng cáo sẽ được thu hồi và tổ chức đấu thầu theo quy hoạch đảm bảo đúng quy định.
Ngay sau khi Hà Nội ban hành dự thảo Kế hoạch, 20 doanh nghiệp quảng cáo thuộc thành viên của Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam đã có văn bản đề nghị UBND thành phố Hà Nội xem xét những điểm bất hợp lý dự thảo. Đơn kêu cứu ghi rõ tại khoản 2, Điều 37 Luật Quảng cáo năm 2012 thì việc quy hoạch phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản, như: Bảo đảm tính ổn định, công khai, minh bạch và khả thi; Ưu tiên kế thừa các vị trí quảng cáo phù hợp với quy hoạch đã có trước.
Bà T.N, đại diện doanh nghiệp có bảng quảng cáo trên tuyến đường Bắc Thăng Long - Nội Bài thông tin: Hiện nay, các doanh nghiệp có các cột quảng cáo tại đây đều trong tình trạng “sống thực vật” bởi đang bị các cơ quan chức năng dừng cấp phép quảng cáo mới. Theo bà T.N, mỗi cột quảng cáo đều phải mua hoặc thuê đất của người dân, có văn bản chấp thuận của chính quyền địa phương, cấp phép xây dựng của Sở Xây dựng… Chi phí xây dựng mỗi cột trung bình lên tới 1,3 tỷ đồng, có doanh nghiệp sở hữu đến chục cột quảng cáo. “Thành phố chỉ có thể thu hồi, đấu thầu những vị trí mới hoặc những cột quảng cáo không phép. Còn những vị trí cũ là tài sản hợp lệ của doanh nghiệp, đã được cơ quan nhà nước chấp thuận, thu hồi đấu thầu sẽ gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp”, bà T.N lo ngại.
Đấu thầu công khai đảm bảo quyền lợi doanh nghiệp
Theo ông Đinh Quang Ngữ, nguyên Thứ trưởng Bộ VHTT&DL - Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, nếu thành phố thu hồi trên 400 bảng quảng cáo này để đấu thầu lại thì có thể gây ra thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng cho các doanh nghiệp, khiến các doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản cũng như ảnh hưởng đến công ăn việc làm của hàng nghìn người lao động.
Đại diện Sở Văn hóa Thể thao (VH-TT) Hà Nội cho biết, trong tuần Sở sẽ có văn bản trả lời các kiến nghị của doanh nghiệp quảng cáo. Nội dung kiến nghị của Hiệp hội Quảng cáo nhắc đến 4 vấn đề chính, trong đó nổi bật là vấn đề thu hồi, đấu thầu các bảng quảng cáo. Vị này thông tin: Luật Quảng cáo và Nghị định 181 của Chính phủ có quy định mọi vị trí quảng cáo đều phải qua đấu thầu. Bản thân các doanh nghiệp quảng cáo cũng cơ bản nhất trí với phương án đấu thầu là phương án công khai, minh bạch nhất. Trong dự thảo kế hoạch cũng đã ghi rõ ưu tiên cho các đơn vị đang có ở trên vị trí đó. Hiện tại, cơ bản cần xác định sau khi thu hồi thì đấu thầu ra sao, ưu tiên như thế nào đảm bảo tính công khai, minh bạch.
Một bước tiến quản lý được đại diện Sở VH-TT nhắc đến, đó là loại bỏ cơ chế “xin - cho” trong hoạt động cấp giấy phép quảng cáo. Trước đó, Thanh tra thành phố đã có kết luận về hoạt động này. Theo đó, từ năm 2012 đến năm 2017, Sở VH-TT tiếp nhận 824 lượt hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thực hiện quảng cáo và thông báo sản phẩm quảng cáo. Qua kiểm tra xác suất 319 hồ sơ, có 221 trường hợp không có văn bản chứng minh quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng bảng quảng cáo. Thanh tra Thành phố kiểm tra xác suất 12 hồ sơ cấp phép lần đầu, cho thấy: Có 3 trường hợp có hợp đồng thuê đất nhưng hết hạn từ năm 2013, năm 2015, còn 9 trường hợp không có hợp đồng thuê đất với người có quyền sử dụng đất hợp pháp…
Từ trước đến nay, các doanh nghiệp quảng cáo đều tự thuê, mua đất của người dân, tự xin cấp phép nên có những vị trí không đảm bảo mỹ quan, quy hoạch, trật tự đô thị. Bên cạnh đó, doanh nghiệp không thông báo doanh thu, kê khai nộp thuế cho các bảng quảng cáo trên. “Doanh nghiệp cho thuê quảng cáo trên cột bao nhiêu năm, không ai thu thuế, sau khi quy hoạch áp dụng sẽ giải quyết được vấn đề này”, đại diện Sở VH-TT cho hay.