Văn phòng Chính phủ đã chủ động tham mưu với Thủ tướng trong ban hành các nghị quyết triển khai nhiệm vụ năm 2020 theo hướng cô đọng, ngắn gọn, với những chỉ tiêu cụ thể, thiết thực để các bộ, ngành, chính quyền địa phương phải thực hiện.
Người dân, doanh nghiệp ngày càng an tâm bỏ tiền ra làm ăn
Mặc dù Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt nhưng kỷ luật kỷ cương trong một số cơ quan hành chính vẫn chưa nghiêm, còn một bộ phận cán bộ tiêu cực, vô cảm. Vậy theo bộ trưởng, do đâu và đây có phải được coi là lực cản trong thực hiện mục tiêu hành động của Chính phủ đề ra trong năm 2019?
Trước đây chúng ta thường nói đến tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Nay nhìn lại, so với đầu nhiệm kỳ thì bây giờ tốt hơn rất nhiều. Thời gian qua, Thủ tướng chỉ đạo rất quyết liệt việc này để bộ máy từ trên xuống dưới cùng chuyển động, có trách nhiệm hơn trong phục vụ người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, cũng còn chỗ này, chỗ kia, còn một bộ phận cán bộ thiếu ý thức về tinh thần và trách nhiệm phục vụ. Cho nên tinh thần là phải tiếp tục có những giải pháp chấn chỉnh và xử lý để nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước, đặc biệt là vấn đề thực thi nhiệm vụ được giao.
Tại sao một chủ trương nghị quyết của Đảng, của Nhà nước, của Chính phủ ban hành thực hiện trên phạm vi cả nước, song có những địa phương thực hiện rất hiệu quả, trở thành điểm sáng, với nhiều cách làm hay, linh hoạt được các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp đánh giá cao.
Ngược lại cũng có địa phương thiếu chủ động, có tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước và cấp trên, dẫn đến không có đột phá, không có cải cách. Vì thế, trong năm 2020 cần phải tiếp tục chấn chỉnh, nâng cao kỷ luật, kỷ cương để khắc phục triệt để những hạn chế trên.
Năm 2019, được Chính phủ xác định là năm bứt phá. Vậy việc bứt phá đó đã được thể hiện bằng kết quả cụ thể như thế nào, thưa ông?
2019 là năm bản lề, chuẩn bị cho kết thúc nhiệm kỳ của Chính phủ nên Thủ tướng đưa ra yêu cầu là “bứt phá”. Việc bứt phá phải được thực hiện trên nhiều lĩnh vực, trong đó quan trọng nhất là xây dựng thể chế phải mang tính tích cực hơn. Ví dụ, vấn đề về phân cấp, xác định thẩm quyền phải rõ ràng, cụ thể hơn, không để co - kéo quyền lợi, hoặc tìm cách đẩy việc lên cấp trên.
Đến nay, có thể nói chúng ta đã đạt được những kết quả hết sức tích cực, cụ thể, nhất là những chỉ số vĩ mô. Ví dụ nợ công năm 2018 là 58,4% thì đến nay giảm xuống còn 56,1%. Tương tự, nợ Chính phủ và nợ nước ngoài so với năm trước cũng đều giảm. Đặc biệt quan trọng là 12 chỉ tiêu về kinh tế, xã hội đều hoàn thành và vượt.
Tuy nhiên, theo tôi, kết quả quan trọng nhất là chúng ta đã tạo được niềm tin của xã hội, niềm tin với người dân và cộng đồng doanh nghiệp trong việc bỏ tiền ra đầu tư, kinh doanh. Hay trong lĩnh vực thể thao, chưa bao giờ chúng ta lại có những thành tích ấn tượng như vậy, lần đầu hai đội tuyển bóng đá nam và nữ vô địch SEA Games 30. Điều đó cho thấy khát vọng, tinh thần Việt Nam là vô cùng lớn, quyết tâm bứt phá, vươn lên. Khi chúng tôi tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đi dự hội nghị, hoặc thăm các nước thì thấy vị thế của chúng ta ngày càng nâng lên, người ta ca ngợi Việt Nam rất nhiều trong đổi mới, trong phát triển.
Không lơ là trách nhiệm trong năm cuối nhiệm kỳ
Bên cạnh những kết quả tích cực trên, còn một số vấn đề thực hiện chưa hiệu quả, ví dụ như việc giải ngân vốn đầu tư công rất chậm trễ, làm ảnh hưởng đến kết quả tăng trưởng kinh tế, bộ trưởng đánh giá thế nào về thực trạng trên?
Giải ngân vốn đầu tư công chậm chính là tồn tại, hạn chế lớn nhất của năm 2019. Giải ngân vốn đầu tư công của chúng ta vẫn rất chậm, không đạt được như yêu cầu, kế hoạch đề ra. Đơn cử như dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam; Sân bay Long Thành; các dự án thuộc lĩnh vực đường sắt…và nhiều dự án trọng điểm khác nữa.
Nếu năm 2019, chúng ta giải ngân hết vốn đầu tư công theo kế hoạch chắc chắn mức độ tăng trưởng sẽ cao hơn, đồng thời tạo ra dư địa phát triển lớn cho năm 2020. Thủ tướng cũng đau đáu vấn đề này và đã có những chỉ đạo quyết liệt. Vì thế, trong năm 2020, bằng mọi cách phải tháo gỡ, khắc phục được tình trạng này để triển khai có hiệu quả việc giải ngân vốn đầu tư công.
2020 là năm cuối nhiệm kỳ nên không loại trừ sẽ xuất hiện tâm lý “thủ thế”, không dám làm, không dám quyết trong một bộ phận cán bộ ở các cơ quan hành chính Nhà nước. Vậy Chính phủ có giải pháp gì để ngăn chặn, hạn chế và xử lý tình trạng trên?
Chính vì những băn khoăn, tâm tư như trên nên Văn phòng Chính phủ đã chủ động tham mưu với Thủ tướng ban hành các nghị quyết triển khai nhiệm vụ năm 2020. Theo đó, dự thảo các nghị quyết tiếp tục đổi mới, cô đọng, ngắn gọn hơn, các nhiệm vụ, giải pháp đề ra có trọng tâm, thể hiện vai trò kiến tạo của Chính phủ; chú trọng hiệu lực, hiệu quả thực thi gắn với trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, không trùng lặp với các nghị quyết khác của Chính phủ. Trong các nghị quyết, ưu tiên những nhiệm vụ, giải pháp có tính đột phá, có tác động lan tỏa, tạo động lực phát triển.
Nghị quyết cũng không đưa các nhiệm vụ, giải pháp, trùng với chức năng, nhiệm vụ thường xuyên, cụ thể của các bộ, ngành, địa phương; chỉ đưa các nội dung thật sự cần thiết, cấp bách, cần sự theo dõi, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Ví dụ như bây giờ người dân đang quan tâm đến vấn đề ô nhiễm môi trường, ô nhiễm khí thải thì phải giao chỉ tiêu cụ thể các nội dung trên cho Bộ Tài nguyên và Môi trường và thành phố Hà Nội.
Đơn cử, như chỉ số bụi mịn của Hà Nội trong năm 2019 là 140- 150 thì trong năm 2020 phải làm sao giảm xuống chỉ còn 100. Như vậy, Hà Nội phải có giải pháp ngăn chặn các nguồn phát tán gây ô nhiễm. Cuối năm Chính phủ sẽ kiểm tra và xem xét và đánh giá việc thực hiện các chỉ tiêu cụ thể này…