Lao động làng nghề:

Ngậm ngùi thưởng Tết

TP - Với người lao động tại các làng nghề, lao động thời vụ, thưởng Tết là gì đó rất “xa lạ”.

Túi quà là… thưởng Tết

Làng nghề làm hương Quảng Phú Cầu (xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hoà, Hà Nội) những ngày cuối năm rất nhộn nhịp. Bên ngoài đường, các xe tải lớn nhỏ chờ đến lượt “ăn hàng”. Trong xưởng sản xuất, người lao động hối hả làm việc. Tiếng lạch cạch chẻ vầu, bó tăm, tiếng máy xẻ, se hương, tiếng nói trao đổi nhỏ to lẫn trong mùi hương ngai ngái tạo nên nét đặc trưng của làng làm hương.

Khi được hỏi về thưởng Tết, chị Nguyễn Thị Thoa khá ngạc nhiên: “Ý chú hỏi chuyện mừng tuổi hả? Được bao nhiêu tùy vào chủ xưởng thôi”. Chị Thoa cũng như hàng trăm lao động làm việc tại các xưởng, cơ sở sản xuất hương ở Quảng Phú Cầu. Theo chị Thoa, thu nhập của người lao động ở đây tính theo công nhật, từ 250.000 - 400.000 đồng/ngày. Với chị, chủ xưởng trả công 300.000 đồng/ngày thường, còn giáp Tết trả 350.000 đồng/ngày. Thu nhập của cả gia đình 4 miệng ăn phụ thuộc vào ngày công của chị Thoa.

Ngậm ngùi thưởng Tết ảnh 1

Người lao động làm hương tại làng nghề Quảng Phú Cầu

Càng gần ngày Tết, chị Thoa càng thêm nóng ruột. Chị nhẩm tính, có vài ngày Tết phải sắm sửa đủ thứ, tiền bánh trái, tiền quần áo mới cho con, tiền mừng tuổi… cũng mất đứt cả tháng tiền công. Chị bảo, làm ở đây đã nhiều năm nhưng chưa bao giờ được thưởng Tết. Thông thường, ngày làm việc cuối năm, chủ xưởng sẽ tặng túi quà gồm chai dầu ăn, chai mắm, túi mỳ chính và gói muối kèm theo cái phong bao đỏ mừng tuổi bên trong có 100.000 đồng.

Với công nhân tại các khu công nghiệp những ngày gần Tết Nguyên đán, ai cũng thấp thỏm ngóng tiền thưởng Tết. Chị Nguyễn Thị Thùy, công nhân công ty có trụ sở tại Khu Công nghiệp Quang Minh (huyện Mê Linh, Hà Nội), cho biết, chi phí ăn uống, mua sữa cho con nhỏ, tiền thuê nhà, điện nước… đều dựa vào 6 triệu đồng tiền lương. Cuối năm, chỉ mong được tiền thưởng Tết kha khá để mua quà bánh về quê biếu bố mẹ, mừng tuổi các cháu. Tuy nhiên, năm nay kinh tế khó khăn, quản lý cho biết sẽ chỉ có thưởng Tết tượng trưng.

Dù làm việc thường xuyên, liên tục tại xưởng sản xuất và kinh doanh đồ gỗ gia dụng tại xã Văn Tự (huyện Thường Tín, Hà Nội), nhưng chị Nguyễn Thị Sen chỉ hưởng ngày công lao động theo thời vụ. Công việc của chị là đánh vec-ni tủ, bàn ghế 8 giờ/ngày với tiền công 250.000 đồng/ngày. Tết nhất cập rập, chị Sen không trông chờ nhiều vào khoản tiền thưởng cuối năm. Chị tặc lưỡi: “Năm ngoái chủ xưởng hào phóng mừng tuổi 300.000 đồng. Năm nay, chủ đánh tiếng sẽ ít hơn vì làm ăn khó khăn. Chắc chỉ có gói quà là kẹo, mứt gọi là. Chúng tôi làm ở vùng nông thôn, không có nhiều nguồn thu, cả nhà có sao thì sống vậy”.

Lao động thời vụ chịu thiệt thòi

Khi nhắc đến chuyện thưởng Tết, anh Nguyễn Văn Cường, phụ trách một đội xây dựng ở Thanh Hóa, cho biết, đội cũng cố gắng tặng mỗi lao động 500.000 đồng và phần quà gồm bánh mứt, kẹo, thuốc và trà. Theo anh Cường, đội xây dựng của anh có khoảng 20 người, chủ yếu là người quen trong làng. Đội của anh thường nhận các công trình dân sinh trong xã và vùng lân cận. Hầu hết công nhân được trả công theo ngày, trung bình từ 200.000 - 350.000 đồng.

Hàng ngàn lao động tại các xưởng sản xuất, làng nghề thủ công chịu nhiều thiệt thòi. Chị Trần Thị Thảo, ở làng nghề làm hương Quảng Phú Cầu, cho biết, chị đã có hàng chục năm gắn bó với công việc làm hương. Làm cho cơ sở sản xuất tư nhân với thời gian liên tục cả năm trời, nhưng vẫn tính là làm thời vụ, tiền công tính theo ngày. Không hợp đồng lao động, không bảo hiểm, không trợ cấp độc hại.

“Chúng tôi làm cho người cùng làng, quen biết, thân thích cả, nên có ai nghĩ tới phải làm hợp đồng cho phức tạp. Hơn nữa, chủ xưởng cũng chẳng muốn ký hợp đồng vì còn phải đóng thêm tiền và nhiều thủ tục khác”, chị Thảo nói.