Ngạc nhiên và giận dữ

TP - Trong ứng phó sự cố môi trường có một khái niệm là phòng ngừa rủi ro. Cơ quan ứng phó sự cố, trên cơ sở nguy cơ có thể xảy ra, ban hành các biện pháp cần thiết để phòng ngừa rủi ro với môi trường và sức khỏe người dân.

Đó là việc mà UBND phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã làm ngay sau vụ cháy tại Cty CP bóng đèn, phích nước Rạng Đông. Tối 28/8 sự cố xảy ra, chiều ngày 29/8 cộng đồng mạng chia sẻ công văn do UBND phường Hạ Đình ban hành với nhiều khuyến cáo cụ thể để người dân quanh khu vực có thể phòng ngừa rủi ro: sơ tán tạm thời trẻ nhỏ, người già, không ăn thực phẩm nuôi trồng trong bán kính 1km.

Công văn được nhiều nhà môi trường đánh là “khoa học”, “kịp thời”. “Khoa học” bởi nguy cơ ô nhiễm thủy ngân sau đám cháy là có thật. Ai cũng biết, Rạng Đông là nhà máy sản xuất bóng đèn huỳnh quang lớn, đám cháy thiêu rụi kho chứa bóng đèn huỳnh quang- sản phẩm có chứa thủy ngân, độc tố vô cùng nguy hiểm.

Trong khi nguy cơ là có thật, việc đánh giá cụ thể mức độ ô nhiễm cần phải chờ cơ quan chuyên môn và cần thời gian, việc phường Hạ Đình đưa ra khuyến cáo chi tiết là cần thiết, để giảm thiểu tối đa rủi ro cho người dân.

Công văn này cũng “kịp thời” bởi càng sớm thực hiện biện pháp phòng ngừa, khả năng giảm thiểu rủi ro càng cao. Nhiều chuyên gia môi trường nói họ rất ngạc nhiên bởi sự kịp thời và khoa học ấy, nhất là khi cơ quan ban hành lại là UBND phường.

Thế nhưng, công văn trên đã bị thu hồi. Theo lý giải của UBND quận Thanh Xuân là “không đúng thẩm quyền và chưa đủ cơ sở”. Nhà bạn tôi cách đám cháy 500m cho biết rất cảm ơn UBND phường Hạ Đình. Anh đã di tản cậu con trai mới sinh sang nhà bà ngoại và thực hiện ngay các khuyến cáo của phường, vì “chờ có đủ cơ sở mới khuyến cáo thì dân hít đống bụi độc rồi”.

Sau đó lại có thông tin sẽ xem xét kỷ luật người ban hành công văn trên. Từ sự ngạc nhiên, một chuyên gia môi trường giận dữ thốt lên “phản cảm và né trách nhiệm!”. Cái mà UBND quận Thanh Xuân và UBND thành phố Hà Nội nên làm không phải là thu hồi công văn của UBND phường Hạ Đình, mà là thông tin đầy đủ có cơ sở khoa học về ô nhiễm sau vụ cháy. Người dân đang sống trong lo ngại, chắc chắn không mong chờ thông tin kiểu như “thu hồi khuyến cáo sau vụ cháy nhà xưởng Cty Rạng Đông, hay “xem xét trách nhiệm người ban hành công văn khuyến cáo”...

Trong khi đó, thông tin UBND quận Thanh Xuân, Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội đưa ra khá lấp lửng, kiểu như: “Công ty (Cty CP Bóng đèn, phích nước Rạng Đông-PV) đã nghiên cứu sử dụng loại amalgam thay thế cho thủy ngân lỏng trước đây và đưa vào sử dụng từ năm 2016”. Thực tế amalgam là hỗn hợp thủy ngân và kim loại khác trong đó thủy ngân là thành phần chính chiếm tới 50-70%.

Hay “Hóa chất amalgam phục vụ sản xuất bóng đèn huỳnh quang, đèn compact được chứa trong 3 tủ lạnh còn nguyên vẹn” ... Nhưng Sở không đề cập đến thông tin kho chứa 480.000 đèn huỳnh quang bị cháy rụi và số đèn này hoàn toàn có chứa thủy ngân...

MỚI - NÓNG