Tổng giám đốc Rosoboronexport Alexander Mikheyev nói với các phóng viên tại Triển lãm Quốc phòng Quốc tế (IDEX) 2021 hôm Chủ nhật: “Tổng giá trị lên tới hơn 1,5 tỷ USD. Chúng tôi đã ký hợp đồng với hơn mười quốc gia châu Phi vào năm 2020. Chúng tôi đã nhận được khoản thanh toán trước và bắt đầu thực hiện các hợp đồng”.
Những bình luận của ông Mikheyev làm sáng tỏ những gì đã và đang là sự hiện diện ngày càng tăng của Nga trên các thị trường vũ khí châu Phi. Liên Xô không chỉ là nhà cung cấp vũ khí lớn mà còn duy trì sự hiện diện quân sự tích cực ở châu Phi trong suốt những năm sau của Chiến tranh Lạnh. Ảnh hưởng này giảm dần trong những năm sau khi Liên Xô sụp đổ, với việc quân đội Nga rơi vào tình trạng trì trệ trong suốt những năm 1990.
Nhưng kể từ đó, Điện Kremlin đã quay lại nơi mà Liên Xô đã từng có ảnh hưởng lớn, không chỉ xây dựng lại các mối quan hệ bị bỏ quên mà còn tạo ra những bước tiến mới đầy bất ngờ.
Tính đến năm 2020, Rosoboronexport chiếm 49% lượng vũ khí nhập khẩu vào châu Phi. Nga đã nắm bắt và củng cố đáng kể vị trí dẫn đầu xuất khẩu của mình so với hai đối thủ cạnh tranh lớn nhất là Pháp và Mỹ trong hai thập kỷ qua. Theo National Interest, Nga đã bán vũ khí cho ít nhất 21 quốc gia châu Phi; trong số này, Algeria và Ai Cập cho đến nay là những khách hàng lớn nhất.
Algeria đã mua rất nhiều khí tài quân sự hạng nặng của Nga, bao gồm hơn 500 xe tăng chiến đấu chủ lực T-90SA và 300 xe chiến đấu bộ binh BMPT-72 Terminator 2 hiện đại hóa. Trong khi đó, kho máy bay chiến đấu và trực thăng quân sự đáng kể của Algeria gần như hoàn toàn có nguồn gốc từ Liên Xô và Nga; Algiers được cho là đã ký các hợp đồng mua cường kích Su-34 và máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không Su-35 trong vài năm qua, mặc dù vẫn chưa có xác nhận chính thức về các thỏa thuận này.
Trường hợp của Ai Cập minh họa sự trỗi dậy vượt bậc của Nga để thống trị thị trường châu Phi. Lực lượng xe tăng của Ai Cập trong những thập kỷ trước với hơn 1.000 chiếc M1A1 của Mỹ được sản xuất trong nước, nhưng hiện tại Cairo đang chuyển một phần lớn nhu cầu xe tăng chủ lực của họ sang Nga với thỏa thuận 500 chiếc T-90MS do công nghiệp quốc phòng Ai Cập sản xuất theo giấy phép. Các xu hướng tương tự cũng diễn ra trong Không quân Ai Cập, lực lượng gần đây đã ký một thỏa thuận với Nga về tiêm kích Su-35.
Angola đang tìm cách làm mới kho khí tài quân sự cũ của Liên Xô bằng sự kết hợp giữa nhập khẩu trực tiếp và các hợp đồng sản xuất theo giấy phép đắt tiền. Hệ thống phòng thủ tên lửa Tor và Pantsir của Nga, trực thăng tấn công và súng trường tấn công AK-200 Kalashnikov, rất phổ biến ở nhiều quốc gia châu Phi.
Gần đây hơn, Rosoboronexport đã ký một thỏa thuận bán xuồng tấn công BK-10 cho một khách hàng chưa xác định ở tiểu vùng Hạ Sahara; Động thái này cho thấy việc mở rộng hơn nữa hoạt động bán vũ khí của Nga ở châu Phi ngoài các danh mục hàng đầu như vũ khí nhỏ và xe tăng.
Thành công của Rosoboronexport là một phần trong chiến lược lớn hơn của Mátxcơva nhằm thiết lập các mối quan hệ chính trị, kinh tế và quân sự với một loạt các đối tác châu Phi. Sự biến động chính trị kinh niên của châu Phi đảm bảo nhu cầu liên tục đối với các loại khí tài quân sự — một nhu cầu mà lĩnh vực quốc phòng của Nga tiếp tục đáp ứng với nguồn cung cấp vũ khí hiệu quả về chi phí và đáng tin cậy. Mátxcơva đã thâm nhập vào hoạt động buôn bán vũ khí của châu Phi một cách rầm rộ, và không có dấu hiệu nào cho thấy nước này sẽ sớm từ bỏ vị trí thống lĩnh thị trường của mình.