Hai mẫu Atlant đang được nghiên cứu chế tạo gồm: Atlant-100, dài 130 mét và có thể bay với tốc độ 140km/h, và Atlant-30, dài 75m, bay với tốc độ 170km/h.
Phiên bản Atlant-100 có thể mang theo 200 người lính hoặc lượng hàng lên tới 60 tấn, trong khi Atlant-30 mang được 16 tấn người và hàng. Được biết Atlant có chi phí 15 triệu USD. Con số này thấp hơn nhiều so với trực thăng vận tải hạng nặng Mi-26, vốn có giá tới 25 triệu USD.
Khí cầu mới có thể cất và hạ cánh không cần đường băng, chở theo nó một lượng hàng và người khổng lồ (Ảnh: Daily Mail)
Khí cầu Atlant được trang bị nhiều công nghệ máy tính phức tạp với độ chính xác cao. Hiện chưa rõ Bộ Quốc phòng Nga sẽ sử dụng khí cầu này vào hoạt động gì. Chỉ biết rằng người ta sẽ đưa nó vào trang bị chính thức từ năm 2018.
Khí cầu sẽ không dùng hệ thống cân bằng trọng lượng như trước đây, vốn là nguyên nhân gây ra nhiều vụ tai nạn, kể cả vụ nổ khí cầu Hindenburg ở Đức (Ảnh: Daily Mail)
Hiện tại Mikhail Talesnikov, Phó Chủ tịch công ty Augur RosAeroSystems đã chế tạo ra Atlant, nói rằng các đội kỹ thuật còn phải thực hiện nhiều công việc nữa, trước khi các cuộc bay thử đầu tiên có thể diễn ra.
Ông nói rằng khí cầu không sử dụng hệ thống kiểm soát cân bằng trọng lượng giống như các khí cầu truyền thống và qua đó loại bỏ nhược điểm chết người của những hệ thống đó.
Hình ảnh mô phỏng về Atlant (Ảnh: Daily Mail)
"Ví dụ trong quá trình tháo gỡ hàng khỏi khí cầu, người ta sẽ sử dụng công nghệ mới để cân bằng trọng lượng, như lúc khí cầu vẫn đang mang hàng, mà không phải sử dụng tới các vật dằn" - ông cho biết.
Ngoài ra, khí cầu cũng được chế tạo bằng một bộ khung chắc chắn, phủ ngoài là vật liệu composite, khiến nó khó bị phá hủy.
Atlant có chi phí rẻ hơn nhiều các loại máy bay vận tải khác (Ảnh: Daily Mail)
Các hình ảnh máy tính đã được công bố về Atlant cho thấy khoang lái của nó giống với khí cầu truyền thống, với cửa sổ rất lớn và 2 cánh nhỏ gắn ở sau thân. Các nhà thiết kế cho biết sẽ kết hợp những tính năng tốt nhất của khí cầu, máy bay, trực thăng và tàu đệm khí vào Atlant.
Tuy nhiên họ không nói thêm chi tiết về việc khí cầu này sẽ được chế tạo ra sao. Có tin nói khí cầu có thể chịu được nhiệt độ lên tới -40 độ C, chuyện thường diễn ra trong các mùa Đông ở Nga.
Phiên bản Atlant-30 do Augur RosAeroSystems sản xuất (Ảnh: Daily Mail)
Được thành lập vào năm 1991, Augur RosAeroSystems là một trong những nhà sản xuất khí cầu hàng đầu thế giới. Cách đây 2 năm, công ty đã trình làng khí cầu AU-30, với khả năng chở theo tới nửa tấn hàng.
Thời gian qua, ngành sản xuất khí cầu đang dần dần trở lại cuộc chơi, gần 7 thập kỷ sau thảm họa nổ khí cầu Hindenburg ở Đức khiến 35 người chết. Ước tính có khoảng 50 khí cầu thế hệ mới đang tồn tại quanh thế giới, được các công ty tư nhân bên cạnh quân đội sử dụng.
Công ty nói rằng ngoài quân đội, đã có nhiều nơi tỏ ý quan tâm tới khí cầu do họ sản xuất (Ảnh: Daily Mail)
Các nhà sản xuất nói rằng khí cầu đời mới như Atlant có chi phí hoạt động rẻ hơn trực thăng và máy bay cánh bằng. Ngoài ra, chúng còn mang được nhiều hàng hơn, có thể vươn tới những khu vực hẻo lánh, xa xôi.
Ngoài việc phục vụ quân đội, nhà sản xuất có thể bán các khí cầu này cho các công ty trong ngành dầu khí ở Siberia và tại vùng Cực Bắc, những nơi khó xây cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động vận tải và chi phí xây dựng cũng đắt đỏ.
Việc vận chuyển hàng với số lượng lớn cũng là khả năng ứng dụng đáng quan tâm của khí cầu mới. Đã có hy vọng rằng Atlant sẽ là phương thức rẻ tiền, giúp vận tải nhiều người và hàng đi quanh vùng Siberia trong thời gian ngắn.