Viết trên tờ il Giornale ngày 5/1, nhà phân tích chính trị nổi tiếng thế giới người Italia Francesco Alberoni cho rằng, cho đến nay, không có có sở nào để tin rằng có thể xảy ra cuộc chiến tranh thế giới thứ ba như nhiều người lo ngại.
Theo Francesco Alberoni, trong Thế chiến thứ I và II, hầu hết các nước tham chiến đều liên minh chặt chẽ với nhau thành những khối thống nhất. Bối cảnh thế giới hiện nay không cho thấy điều đó.
“Vì vậy, không thể có chiến tranh thế giới thứ III. Tuy nhiên, diễn biến các cuộc xung đột tại nhiều khu vực trên thế giới cho thấy khả năng về sự hình thành của ba cuộc xung đột có thể dẫn đến chiến tranh quy mô lớn”, nhà phân tích Francesco Alberoni nhận định.
Theo Francesco Alberoni, đầu tiên trong số đó là cuộc xung đột giữa Mỹ và Nga.
“Sau sự sụp đổ của Bức tường Berlin, Mỹ lo sợ rằng liên minh kinh tế giữa các nước Tây Âu và Liên bang Nga - quốc gia có diện tích lớn nằm ở phần lục địa châu Á - trở nên mạnh mẽ. Vì vậy, Washington đã làm tất cả mọi thứ để cắt đứt Moscow với châu Âu”, ông Francesco Alberoni phân tích.
Cuộc xung đột thứ hai liên quan đến sự hồi sinh của cái gọi là “cảm tình” đối với thế giới Hồi giáo. Ở nhiều quốc gia hiện nay, trong bất kỳ phong trào cấp tiến nào, các thành viên thường có xu hướng quay trở lại với cội nguồn của họ.
“Đây là cuộc chiến tranh giữa các phe phái có quan điểm khác nhau về Hồi giáo, xảy ra tràn lan ở Philippines, Afghanistan, Chechnya, Iraq, Syria, Somalia, Sudan, Libya và châu Phi, nơi có sự hiện diện của tổ chức Hồi giáo cực đoan Boko Haram”, nhà phân tích Alberoni nhận định.
Các cuộc xung đột thứ ba, theo Francesco Alberoni, đã nổ ra trong thế giới Hồi giáo - giữa người Shiite và người Sunni. Cuộc chiến tranh này được tiến hành ở Iraq, Syria và Yemen.