Nga, Đức nhất trí điều tra vụ máy bay Malaysia bị bắn hạ

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra quốc tế toàn diện và độc lập. Ảnh: Getty Images
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra quốc tế toàn diện và độc lập. Ảnh: Getty Images
TP - Ngày 19/7, Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, trên chuyến bay MH17 của Malaysia Airlines rơi tại Ukraine có 3 công dân Việt Nam (đồng thời có quốc tịch Hà Lan). Cùng ngày, lãnh đạo Nga và Đức nhất trí rằng, cần tiến hành điều tra quốc tế toàn diện, độc lập về vụ máy bay rơi.

Cục Lãnh sự, Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia, Ukraine, Hà Lan đang tiếp tục tích cực làm việc với các cơ quan chức năng sở tại giúp đỡ thân nhân những người thiệt mạng giải quyết hậu sự cho các nạn nhân. 

Trước đó, ngay sau khi nhận được thông tin về việc MH17 rơi ngày 17/7, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam tại Malaysia, Ukraine, Hà Lan khẩn trương tìm hiểu thông tin liên quan công dân Việt Nam có mặt trên chuyến bay và thông báo, hướng dẫn thủ tục pháp lý cần thiết cho gia đình các nạn nhân.

Ngày 19/7, Malaysia Airlines công bố tên và quốc tịch của 298 người trên chuyến bay MH17. Ba người mang hai quốc tịch Hà Lan và Việt Nam được được xác định là chị Nguyễn Ngọc Minh (sinh năm 1977), con gái Đặng Minh Châu (sinh năm 1997) và con trai Đặng Quốc Duy (sinh năm 2001). 

Theo kế hoạch, chị Minh cùng 2 con sẽ quá cảnh tại thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia, trước khi về Hà Nội nghỉ hè với bố mẹ và em trai. Theo người thân của chị Minh, chồng chị là anh Đặng Quốc Thắng qua đời năm ngoái trong một vụ tai nạn; ba mẹ con chị sống ở thành phố Delft. 

Theo danh sách 283 hành khách và 15 thành viên phi hành đoàn (đều là người Malaysia) mà Malaysia Airlines công bố hôm qua, 192 người mang quốc tịch Hà Lan, 44 người Malaysia, 27 người Úc, 12 người Indonesia, 10 người Anh, 4 người Bỉ, 4 người Đức, 3 người Philippines, 1 người Canada và 1 người New Zealand. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Hà Lan thông báo, có 193 người mang quốc tịch Hà Lan, trong đó 1 người mang cả quốc tịch Hà Lan và Malaysia, Xinhua đưa tin.

Nga, Đức nhất trí về điều tra quốc tế

Ngày 19/7, Tổng thống Nga Putin và Thủ tướng Đức Angela Merkel điện đàm, nhất trí rằng, Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) trực thuộc Liên Hợp Quốc cần tiến hành điều tra vụ máy bay Boeing 777 của Malaysia Airlines rơi ở miền Đông Ukraine, Xinhua đưa tin. 

Hai nhà lãnh đạo “nhất trí rằng, một ủy ban quốc tế, độc lập dưới sự định hướng của ICAO cần nhanh chóng tiếp cận vị trí vụ tai nạn…, làm rõ hoàn cảnh máy bay rơi và di chuyển nạn nhân”, chính phủ Đức tuyên bố, Channel News Asia đưa tin.

Kremlin tuyên bố, “cả hai bên (Nga và Đức) nhấn mạnh tầm quan trọng của một cuộc điều tra khách quan và toàn diện về mọi hoàn cảnh liên quan những gì đã xảy ra”. Tuyên bố của Nga cũng có đoạn viết rằng, Thủ tướng Đức “đánh giá tích cực về sự sẵn sàng của Nga trong việc cử đại diện của mình tham gia cuộc điều tra”. 

Theo tuyên bố của chính phủ Đức, hai nhà lãnh đạo cũng thống nhất rằng, một nhóm liên lạc gồm Ukraine, Nga và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) cần nhanh chóng gặp mặt với mục tiêu thúc đẩy Kiev và lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine sớm đạt được thỏa thuận ngừng bắn. “Thủ tướng Đức một lần nữa yêu cầu Tổng thống Putin sử dụng ảnh hưởng của mình đối với lực lượng ly khai để đạt được mục tiêu này”, tuyên bố viết. Tuyên bố của Nga nói rằng, nhóm liên lạc nên có đại diện của lực lượng ly khai, nhưng Kiev phản đối điều này.

Lãnh đạo Donetsk phủ nhận tìm thấy hộp đen

Ngày 19/7, lãnh đạo lực lượng ly khai ở khu vực Donetsk thuộc miền đông Ukraine, ông Alexander Borodai, phủ nhận việc đã tìm thấy hộp đen của MH17, Xinhua đưa tin. Ông Borodai nói rằng, họ không động đến địa điểm máy bay rơi, nhưng có quyền bắt đầu tiến trình đưa các thi thể nạn nhân ra khỏi hiện trường, vì xác người sẽ sớm phân hủy dưới nắng hè gay gắt. “Chúng tôi yêu cầu Liên bang Nga giúp chúng tôi trong vấn đề này vừa cử chuyên gia của họ tới”, ông Borodai, Thủ tướng của Cộng hòa nhân dân Donetsk tự xưng, nói với báo giới.

Ông Borodai nói rằng, xác máy bay và thi thể các nạn nhân vương vãi trong khu vực rộng hơn 10km2 hiện dưới quyền kiểm soát của lực lượng ly khai. Hôm 18/7, có 17 người đại diện của OSCE tới hiện trường vụ tai nạn để điều tra, ông nói. 

Ông Borodai và các đại diện của OSCE đã đồng ý thành lập vành đai an ninh tại hiện trường để hỗ trợ việc điều tra. Lực lượng ly khai sẽ đảm bảo an toàn của tất cả các điều tra viên quốc tế. 

Ông Borodai nói rằng, theo thông tin phía Ukraine cung cấp, theo kế hoạch, 16 chuyên gia Malaysia và 14 chuyên gia Anh đến Kiev ngày 19/7. Ông thúc giục các chuyên gia đến hiện trường càng sớm càng tốt vì khó bảo quản thi thể nạn nhân trong điều kiện nhiệt độ hơn 30 độ C.

Sáng 19/8, Kiev cáo buộc lực lượng ly khai phá hủy chứng cứ tội ác lấy từ xác máy bay Malaysia. “Những tên khủng bố đã đưa 38 thi thể vào nhà xác ở Donetsk”, chính phủ Ukraine tuyên bố. 

Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk nói rằng, quân nổi dậy ở miền đông Ukraine cấm các chuyên gia nước này thu thập bằng chứng và đe dọa tạm giữ họ. 

Phóng viên BBC (có mặt tại hiện trường máy bay rơi) nói rằng tận mắt thấy thi thể nạn nhân được các nhân viên cứu hộ mang đi, nhưng không rõ họ mang đi đâu, họ trung thành với phe nổi dậy hay chính quyền Kiev. 

Tên lửa hạ MH17 phóng đi từ khu vực quân ly khai?

Hôm qua, Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) tuyên bố, MH17 bị rơi sau khi trúng tên lửa phóng đi từ thành phố Snheznoe thuộc khu vực Donetsk do lực lượng ly khai kiểm soát, báo Malaysia The Star đưa tin. Trong cuộc họp báo tại Kiev, lãnh đạo Ban Phản gián SBU, ông Vitaly Naida, nói rằng, chính quyền Kiev đang tìm cách tới điểm phóng tên lửa để thu thập chứng cứ.

MỚI - NÓNG